Dòng chảy vốn 17/06/2018 15:40

Thủ tướng muốn Thủ đô chuyển thành "Hà Nội, không vội không xong"

"Hà Nội đã khác, sắp hết câu hay nói: "Hà Nội không vội được đâu" và sẽ thành câu "Hà Nội, không vội không xong”. Một chính quyền năng động, quyết đoán đã thể hiện rõ ở Hà Nội", Thủ tướng nói.

Thủ tướng trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp. (Ảnh: Chinhphu.vn).
Thủ tướng trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp. (Ảnh: Chinhphu.vn).

Phát biểu tại Hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển Hà Nội 2018 sáng nay (17/6), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tinh thần doanh nhân đã thấm sâu và bền vững trong văn hóa của người Hà Nội, góp phần làm nên Hà Nội 36 phố phường nổi tiếng.

"Đây không chỉ là truyền thống mà còn là tài sản vô hình quý giá thu hút các nhà đầu tư, làm động lực để tăng trưởng kinh tế", Thủ tướng nói.

"Hà Nội, không vội không xong"

Thủ tướng nhắc lại, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của Hà Nội năm 2017, ông nói rằng để thu hút được nhiều nhà đầu tư, lôi cuốn những ý tưởng xuất sắc và tầng lớp tinh hoa đến với Hà Nội, chính quyền Hà Nội phải hành động hiệu quả mỗi ngày, có phương thức kết nối, đồng hành, động viên toàn diện sự tham gia sâu sắc của người dân, doanh nghiệp trong nước và quốc tế... Vậy mà sau hơn 1 năm, Hà Nội đã làm được những gì để đạt được mục tiêu đó.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đánh giá, thời gian qua, kinh tế Thủ đô phát triển tương đối toàn diện, tăng trưởng khá cao. Hà Nội đang dần khẳng định mình là Thành phố đáng trải nghiệm, là trung tâm du lịch mới nổi của ASEAN. Tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%, kê khai thuế điện tử đạt 98%.

“Và như có đồng chí đã nói, Hà Nội đã khác, sắp hết câu hay nói: "Hà Nội không vội được đâu" và sẽ thành câu "Hà Nội, không vội không xong”. Một chính quyền năng động, quyết đoán đã thể hiện rõ ở Hà Nội", Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, Hà Nội đang phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Một trong những điểm yếu được chỉ ra là chỉ số tiếp cận đất đai của Hà Nội mặc dù tăng 4 bậc so với năm trước nhưng vẫn thấp. Môi trường kinh doanh tốt nhiều khi thể hiện rất giản dị như thành lập doanh nghiệp nhanh chóng, nộp thuế phải thật dễ dàng, thuận lợi. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp thì nộp thuế tại Hà Nội còn phiền hà.

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của Hà Nội còn ở mức thấp. Chỉ số tham gia của người dân cấp cơ sở cần phải tăng cường hơn. Chỉ số công khai minh bạch cần cố gắng hơn.

"Đất đai là cần câu chứ không phải con cá"

Nhấn mạnh "chúng ta còn rất nhiều việc phải làm", Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn chính quyền Thành phố cần tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa. Theo đó, Hà Nội cần tìm kiếm động lực tăng trưởng mới với chính sách đột phá, bền vững trong dài hạn. Đặc biệt, cần phóng tầm nhìn đến những khu vực tiềm năng, những quận, huyện mới.

Theo Thủ tướng, Hà Nội cần quy hoạch, có kế hoạch sử dụng đất hiệu quả, phù hợp với cơ cấu kinh tế trong tương lai, hài hòa, cân đối lợi ích ngắn hạn và dài hạn. Tránh tình trạng dồn quỹ đất cho dự án tăng trưởng ngắn hạn, lợi ích ngắn hạn đến khi thực hiện mục tiêu dài hạn thì không còn đất.

"Đất đai là cần câu chứ không phải con cá. Muốn xây dựng thành phố thông minh thì cần quy mô lớn, mở rộng ra thì chúng ta phải tính sử dụng quỹ đất đai hợp lý", ông nói.

Cho rằng Hà Nội là nơi có tiềm năng rất lớn về công nghệ và đang trên đường đi vào kinh tế số hóa, kinh tế tri thức một cách tích cực, Thủ tướng nhấn mạnh đây cũng là một hướng để xây dựng động lực tăng trưởng mới.

"Hà Nội cần đi đầu trong cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số. Cần đẩy nhanh triển khai dự án thành phố thông minh thông qua việc kiến tạo môi trường sáng tạo, minh bạch và hiện đại hóa bộ máy quản lý hành chính để tạo bước phát triển đột phá về kinh tế xã hội", ông khẳng định.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng, Hà Nội cũng cần đi đầu trong đổi mới thể chế, môi trường kinh doanh, đặc biệt tập trung vào những hạn chế, yếu kém đã nêu trên. Cùng với đó, chính quyền cần lắng nghe doanh nghiệp nhiều hơn, chủ động tháo gỡ khó khăn.

“Toàn bộ thủ tục hành chính về thành lập doanh nghiệp ở Hà Nội thì người dân cơ bản không phải đến trụ sở cơ quan Nhà nước được không? Singapore đã làm được điều này thì thời gian tới, Hà Nội có làm được hay không?”, Thủ tướng đặt câu hỏi.

Tại Hội nghị lần này, trước sự chứng kiến của Thủ tướng, Thành phố Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án với tổng số vốn tương đương hơn 17 tỷ USD và với kết quả này, Hà Nội tạm vượt lên đứng thứ nhất cả nước trong năm nay về thu hút FDI.

Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *