Dòng chảy vốn 10/02/2014 20:36

Tết Giáp Ngọ "buồn" hơn mọi năm

FICA - Theo đánh giá của Bộ Công thương, thị trường tháng Tết tuy nhộn nhịp hơn so với tháng 12 nhưng so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán của các năm trước đây thì không khí mua sắm tết trên thị trường kém sôi động hơn và cũng dồn vào sát tết hơn.

 

Bộ Công thương cho biết, mặc dù là tháng Tết Nguyên đán nhưng sản xuất công nghiệp vẫn gặp khó khăn do sức mua giảm, người dân chi tiêu chặt chẽ hơn vì thưởng tết tại các doanh nghiệp thấp hơn mọi năm, thời tiết lại có xu hướng ấm dần làm lượng dự trữ hàng tiêu dùng tết tồn kho tăng.

Mặt khác, tháng 1 có 5 ngày nghỉ (gồm cả Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ) và số ngày nghỉ tết kéo dài nên một số doanh nghiệp chủ trương dừng sản xuất để tiết kiệm chi phí duy trì vận hành.

Vì vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1 (theo gốc so sánh năm 2010) ước tăng 3% so với cùng kỳ. Trong đó: công nghiệp khai khoáng giảm 9,6%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,6%, sản xuất và phân phối điện tăng 4,4%, cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 9,0%.

Những ngành có tốc độ tăng cao gồm chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản tăng 17%; sản xuất bia tăng 12,9%; sản xuất sợi tăng 42%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 23,8%; sản xuất linh kiện điện tử tăng 33,4%; sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện tăng 50,1%...

Trong khi đó, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12 tăng tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chế biến sữa và sản phẩm từ sữa tăng 21,8%; sản xuất sợi tăng 19,3%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 28,6%; sản xuất xe có động cơ tăng 45,7%...

Tính chung 12 tháng, chỉ số tiêu thụ tăng 10,1% so với cùng kỳ, trong đó, một số ngành tiếp tục có mức tiêu thụ tăng như sản xuất bia tăng 11,9%; sản xuất sợi tăng 14,1%...

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/1/2014 tăng 9,7% so với cùng thời điểm năm 2013, trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho cao như chế biến sữa và các sản phẩn từ sữa tăng 30,4%; sản xuất đường tăng 21,4%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 33,2%; sản xuất thuốc lá tăng 43,5%.

Cũng theo Bộ Công thương, thị trường hàng hoá trong những ngày giáp Tết phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, đảm bảo nhu cầu mua sắm trong dịp cuối năm.

Các mặt hàng gia dụng, quần áo, giày dép, thực phẩm, bánh mứt, nước giải khát các loại… đã được bày bán khá nhộn nhịp nhưng sức mua vẫn còn khá trầm lắng dù các doanh nghiệp tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, tặng quà… để kích thích nhu cầu mua sắm của người dân.

Điều khác biệt trên thị trường Tết năm nay là hàng Việt Nam có số lượng áp đảo và được người tiêu dùng ưa chuộng dù giá một số mặt hàng có cao hơn năm trước. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn các hành vi tăng giá bất hợp lý, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thị trường tuy nhộn nhịp hơn so với tháng 12 nhưng so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán của các năm trước đây thì không khí mua sắm tết trên thị trường kém sôi động hơn và cũng dồn vào sát tết hơn. Nguyên nhân một phần do tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng tới thu nhập và chi tiêu của người dân và một phần do việc các doanh nghiệp trả lương, thưởng vào những ngày cuối cùng trong năm.

Vì vậy, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tháng 1 ước đạt 237,5 nghìn tỷ đồng tăng 2,8% so với tháng trước và tăng 13% so với cùng kỳ. Trong đó: ngành thương nghiệp ước đạt 181,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 76,3%; ngành khách sạn nhà hàng đạt 28,4 nghìn tỷ đồng, tăng 17,8%, chiếm tỷ trọng 12%. Du lịch ước đạt 2,1 nghìn tỷ đồng, tăng 22,1%, chiếm tỷ trọng 0,9% dịch vụ đạt 25,6 nghìn tỷ đồng, tăng 24,2%, chiếm tỷ trọng 10,8%.

Bích Diệp

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *