Dòng chảy vốn 11/03/2015 11:00

Tăng trưởng kinh tế vẫn chờ giảm lãi suất và "ẩn số" giá dầu

Chuyên gia của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) đánh giá: Nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cắt giảm lãi suất cho vay 1-2% trong năm 2015 để kích thích tiêu dùng và sản xuất trong nước, tăng trưởng kinh tế được cải thiện đáng kể. Song không nên phá giá tiền đồng do không có nhiều tác động tích cực tới nền kinh tế.

Dự báo tăng trưởng 5,5%, lạm phát 2,7%

Chia sẻ với Báo Hải quan về triển vọng kinh tế thế giới 2015 và tác động tới kinh tế Việt Nam, TS. Lương Văn Khôi, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá: Với sự cập nhật những diễn biến của kinh tế thế giới đến tháng 2-2015 cùng với dữ liệu kinh tế của các nền kinh tế trên thế giới được cập nhật đến tháng 1-2015, kết quả tính toán từ mô hình NiGEM cho thấy, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng ở mức 3,27% trong năm 2015 giảm so với mức 3,42% trong năm 2014. 

Ở mặt tích cực, Báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế thế giới 2015 và tác động tới kinh tế Việt Nam của TS Lương Văn Khôi cho thấy: Kinh tế thế giới phục hồi tại các quốc gia phát triển đặc biệt là Mỹ, châu Âu,… là những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2015. Ngoài ra, việc thu hút vốn FDI vào Việt Nam sẽ khả quan hơn trong thời gian tới.

Việc giá dầu giảm liên tục trong thời gian gần đây đã làm giảm giá bán xăng dầu trong nước, cụ thể từ tháng 7-2014 đến nay, giá xăng dầu tại Việt Nam liên tục được điều chỉnh giảm. Giá xăng dầu giảm mạnh giúp ổn định lạm phát, tiết kiệm chi phí cho nền kinh tế, cho người tiêu dùng, từ đó góp phần thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.

Ở một khía cạnh khác, lạm phát ổn định là cơ sở thuận lợi để NHNN thực hiện nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ cho sự phục hồi của nền kinh tế thông qua kích thích sản xuất và tiêu dùng trong nước.

Với những dữ liệu cập nhật đến tháng 2-2105, vị chuyên gia của NCIF dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được sẽ đạt mức 5,5% trong năm 2015, lạm phát ở mức 2,7%, Dự trữ ngoại hối được dự báo sẽ đạt mức trung bình là 37 tỷ USD.

Với lý do vị thế cạnh tranh của tiền đồng của Việt Nam đang duy trì ở mức cao so với các đồng tiền khác, và việc phá giá đồng tiền không tác động đáng kể tới tăng trưởng, chuyên gia của NCIF lưu ý "không nên phá giá VNĐ trong năm 2015".

Ông Lương Văn Khôi đưa ra kịch bản về tăng trưởng liên quan đến lãi suất: Trong kịch bản 1, NHNN tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay 1% để kích thích sản xuất và tiêu dùng trong nước thì tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm 0,2 điểm %, lạm phát tăng thêm 0,79 điểm %; Kịch bản 2, lãi suất cho vay có thể xem xét cắt giảm 2% để kích thích tăng trưởng tăng thêm 0,45 điểm %.

"Ẩn số" giá dầu

Cú sốc giảm giá dầu thế giới sẽ có tác động tới kinh tế thế giới và có tác động nhiều chiều tới nền kinh tế Việt Nam và theo mức độ giá dầu thế giới giảm.

Theo TS Lương Văn Khôi, giá dầu thế giới sẽ có tác động mạnh đến kinh tế các nước/khu vực xuất khẩu dầu thô cao (với các giả định thu nhập từ dầu khí của Nga giảm 50%, Na Uy giảm 30% trong năm 2015; thu nhập từ dầu khí của Trung Đông giảm 50% và châu Phi giảm 20% trong quý đầu, do đó tạo cú sốc giảm tổng chi tiêu chính phủ của Nga, Na Uy, Trung Đông và châu Phi) và do đó tác động đến kinh tế thế giới và kinh tế nước ta.

Do đó, ông Khôi cho rằng: Định lượng tác động hai chiều của giá dầu thế giới giảm tới kinh tế Việt Nam (chưa tính đến tác động giá dầu thế giới giảm tới việc giảm sản lượng khai thác dầu thô và do đó tác động tới tăng trưởng kinh tế) là hết sức cần thiết. Điều này giúp đề xuất với Chính phủ những biện pháp ứng phó chủ động trước những diễn biến giá dầu thế giới nhằm đảm bảo việc đạt được các mục tiêu đã đề ra về phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2015.

Giả định giá dầu thế giới giảm xuống mức 50USD/thùng (ngưỡng hòa vốn trung bình của việc khai thác dầu đá phiến vào năm 2015) kinh tế thế giới được cải thiện, do đó kinh tế Việt Nam cũng được cải thiện và tăng 0,4 điểm % so với kịch bản cơ sở (giả định giá dầu ở mức 56,9 USD/thùng vào năm 2015).

Nếu giá dầu giảm xuống mức 40 USD/thùng (gần mức giá để tránh tình trạng đạt mức tích trữ tối đa) thì tăng trưởng kinh tế bị thu hẹp lại, cụ thể là giảm 0,04 điểm %. Còn giá lao xuống mức 30 USD/thùng (mức giá hòa vốn khai thác dầu của Trung Đông, Bắc Irắc và Kenya và Ảrập Xêút...) thì tăng trưởng giảm 0,5 điểm %.

Trong bối cảnh đó, ông Lương Văn Khôi bày tỏ: Việc đưa ra các gói kích thích kinh tế như nới lỏng tiền tệ là cần thiết khi lạm phát ở mức thấp và cải cách hệ thống thuế quốc gia từ Trung ương xuống địa phương để đảm bảo nguồn thu và/hoặc bù đắp phần suy giảm do tác động giảm giá dầu thế giới tới ngân sách nhà nước.

"Khi NHNN cắt giảm lãi suất cho vay 1-2% trong năm 2015 để kích thích tiêu dùng và sản xuất trong nước, tăng trưởng kinh tế được cải thiện đáng kể" - ông Khôi dự báo.

Theo Lương Bằng

Báo Hải quan

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *