Dòng chảy vốn 01/02/2014 20:32

Tăng trưởng kinh tế đã đi vào thế ổn định

Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013 dừng lại ở 5,42% - thấp hơn một chút so với mục tiêu tăng 5,5%, song cũng đủ để khẳng định tăng trưởng kinh tế đã đi vào thế ổn định, xua tan mối lo về “đáy tăng trưởng” và cao hơn so với nhiều dự báo của các tổ chức trong và ngoài nước.

Cả hai mục tiêu quan trọng nhất của kinh tế Việt Nam năm 2013 đều đã được hoàn thành. Lạm phát được kiềm chế ở mức 6,04%, thấp hơn so với năm 2012. Tăng trưởng kinh tế đạt 5,42%, cao hơn so với năm 2012. Kết quả đạt được còn tốt hơn cả dự tính và trở thành cơ sở chắc chắn để có thể an tâm hơn về khả năng ổn định kinh tế vĩ mô năm 2014.

Hai năm liên tiếp 2010-2011 thị trường giá cả đầy biến động với CPI lên tới gần 20% năm 2011 đã buộc Việt Nam phải chuyển trọng tâm chính sách từ ưu tiên tăng trưởng kinh tế sang ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát thông qua những biện pháp nêu trong hàng loạt Nghị quyết của Chính phủ, từ Nghị quyết số 11/2011/NQ-CP, Nghị quyết số 01/2012/NQ-CP, Nghị quyết số 13/2012/NQ-CP đến Nghị quyết số 01/2013/NQ-CP và 02/2013/NQ-CP.

Trọng tâm của chính sách kiềm chế lạm phát là thắt chặt kinh tế vĩ mô đi đôi với kiểm soát chặt chẽ thị trường và giá cả song vẫn lưu tâm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết hai nút thắt là nợ xấu và tồn kho.

Bài học kinh nghiệm điều hành thị trường giá cả của năm 2012 liên quan tới lộ trình và cách thức điều chỉnh giá của các dịch vụ công quan trọng như dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục đã được quán triệt và vận dụng hiệu quả trong năm 2013, góp phần tích cực vào kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường giá cả suốt cả năm 2013. Một mặt, lộ trình và thời điểm tăng giá dịch vụ công được phối hợp đồng bộ hơn với thời điểm điều chỉnh giá các nguyên nhiên vật liệu thiết yếu. Mặt khác, việc phối hợp điều chỉnh giá dịch vụ công giữa các địa phương cũng diễn ra nhịp nhàng hơn nhằm tránh lặp lại tình trạng tăng giá dồn dập, đồng loạt gây hậu quả xấu tới diễn biến CPI cũng như tâm lý xã hội, đẩy kỳ vọng lạm phát tăng cao. 

Xu thế lạm phát tính theo năm so cùng kỳ năm trước giảm dần kể từ mức đỉnh 23% vào tháng 8/2011 được khẳng định chắc chắn khi xuống đến mức đáy 5,04% vào tháng 8/2012 song lại tăng trở lại đến 7,5% vào tháng 8/2013 trước khi chốt lại ở con số 6,04% cho cả năm 2013. Con số lạm phát ấn tượng khi đây là mức tăng thấp nhất trong suốt một thập kỷ qua. CPI bình quân năm 2013 diễn biến ổn định hơn so với CPI năm tính theo cuối kỳ và dừng ở mức tăng 6,6%, cũng là mức tăng thấp nhất kể từ khi Việt Nam công bố CPI bình quân năm từ tháng 9/2007.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013 dừng lại ở 5,42%, thấp hơn một chút so với mục tiêu tăng 5,5% song cũng đủ để khẳng định tăng trưởng kinh tế đã đi vào thế ổn định, xua tan mối lo về “đáy tăng trưởng” và cao hơn so với nhiều dự báo của các tổ chức trong và ngoài nước về mức tăng trưởng kinh tế chỉ khoảng 5% trong năm 2013.

Tổng sản phẩm trong nước tiếp tục thông lệ quí sau cao hơn quí trước, quý I tăng 4,76%; quý II tăng 5,00%; quý III tăng 5,54%; quý IV tăng 6,04% chứng tỏ dấu hiệu phục hồi vững chắc từ mức đáy tăng  trưởng 4,64% xác lập vào quí I/2012.

Tổng mức đầu tư toàn xã hội cả năm 2013 duy trì ở mức 30,4%GDP, xấp xỉ mức 30,5% GDP năm 2012, đều là mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua. Năm 2013, không chỉ tổng cầu đầu tư mà cả tổng cầu tiêu dùng cũng tăng thấp, thậm chí còn thấp hơn cả năm 2012. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2013 là 2.618 ngàn tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2012. Nếu loại trừ yếu tố giá, Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2013 chỉ tăng 5,6%, tuy cao hơn so với mức tăng 4,4% năm 2011 nhưng lại thấp hơn mức tăng 6,5% năm 2012 và chưa bằng một nửa so với giai đoạn 2007-2010.

Mặc dù thị trường thế giới vẫn còn nhiều biến động và chưa phục hồi hoàn toàn song xuất khẩu vẫn tiếp diễn đà tăng và lại thêm một năm nữa xuất siêu thay vì nhập siêu như kế hoạch đầu năm với tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 8%. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 lập kỷ lục mới với 132,2 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012.

Sự ổn định của nền kinh tế năm 2013 được sự hỗ trợ rất nhiều của ổn định chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó, chính sách lãi suất nói riêng, chính sách tiền tệ nói chung đã góp phần hết sức tích cực. Mặt bằng lãi suất đã được kéo giảm xuống rõ rệt trong năm 2013 nhằm ổn định thị trường tiền tệ ngân hàng, giảm chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh. Khi lạm phát cả năm 2013 đứng ở mức tăng 6,04% so với cuối năm 2012 và bình quân năm tăng 6,6%, mức tăng thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua đã càng chứng tỏ hiệu quả kiềm chế lạm phát đồng thời cho thấy sự hợp lý của việc NHNN đưa trần lãi suất huy động về mức 7% từ cuối tháng 6/2013. Có thể nói đây là mức lãi suất huy động phù hợp với các điều kiện vĩ mô và vi mô.

Lãi suất huy động giảm, tính thanh khoản của TCTD được cải thiện là điều kiện tiên quyết để giảm lãi suất cho vay. Mặt bằng lãi suất cho vay giảm 2-5%/năm và trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006 nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ tín dụng. Bên cạnh đó, tỷ giá hối đoái gần như ổn định suốt cả năm 2013 với chỉ một lần điều chỉnh tăng 1% từ giữa năm đã thể hiện rõ rệt sự ổn định trên thị trường ngoại hối cũng như thị trường hàng hoá dịch vụ xuất nhập khẩu. Trong khi chỉ số giá vàng tháng 12/2013 giảm mạnh tới 24,36% so với cùng kỳ năm 2012 thì chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2013 cũng chỉ tăng 1,09% so với cùng kỳ năm 2012. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2013 khoảng 150% GDP song chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá năm 2013 giảm 2,41% so với năm trước và chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá cũng giảm 2,36% so với năm trước góp phần tích cực vào ổn định giá cả thị trường trong nước.

Tóm lại, nền kinh tế Việt Nam năm 2013 đã củng cố vững chắc hơn sự ổn định mới được tái lập từ năm 2012 sau hai năm 2010-2011 đầy bất ổn. Tuy nhiên, sự ổn định đó vẫn chưa thực sự vững chắc do chủ yếu chịu sự chi phối của tổng cầu tăng thấp, cả cầu đầu tư và cầu tiêu dùng bên cạnh niềm tin kinh doanh và niềm tin tiêu dùng tuy được phục hồi những vẫn còn thấp. Sang năm 2014, bên cạnh những cơ chế chính sách ổn định đã thực hiện suốt từ năm 2012-2013, nền kinh tế có thể sẽ chịu ảnh hưởng của các chính sách nới lỏng tài khoá như tăng thâm hụt NSNN lên 5,3% GDP đồng thời phát hành thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu đầu tư giai đoạn 2014-2016 bên cạnh 225.000 tỷ đồng trái phiếu đầu tư cho giai đoạn 2011-2015. Thêm vào đó, nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường và cố gắng đẩy cao tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể buộc dòng tiền vận động nhanh hơn với qui mô lớn hơn khiến cho áp lực lạm phát tăng lên. Chính vì vậy, nhiệm vụ duy trì sự ổn định kinh tế năm 2014 cơ bản tương tự như năm 2013 song cần lường trước và có biện pháp đối phó với áp lực lạm phát tăng năm 2015.

Theo TS.Vũ Đình Ánh

Chuyên gia kinh tế

Chinhphu.vn

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *