Dòng chảy vốn 06/08/2014 06:54

Tăng lương tối thiểu vùng, “cần đẹp lòng dân và cả doanh nghiệp”

FICA - Nếu không có đồng thuận giữa các bên thì sáng nay Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ quyết định chốt phương án để đề xuất với Chính phủ

Trong khi đại diện Tổ chức sử dụng lao động (VCCI) bảo lưu quan điểm chỉ tăng 11% lương tối thiểu để đảm bảo cho hoạt động của doanh nghiệp (DN), thì đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam lại cho rằng mức cơ quan này đưa ra mới đủ để đảm bảo đời sống cho người lao động. Đây sẽ là bài toán khó cho Hội đồng tiền lương quốc gia trong ngày hôm nay thống nhất chọn một trong ba giải pháp.

Doanh nghiệp còn đang rất yếu

Trong khi đại diện Tổ chức sử dụng lao động (VCCI) đề xuất mức lương tối thiểu cho vùng 1 năm 2015  3 triệu đồng (tăng 11% so với mức cũ) thì Bộ Lao động TB&XH đưa ra con số 3,05 triệu đồng (tăng 14%) và Tổng liên đoàn đưa ra mức 3.4 triệu đồng (23%) người/tháng.

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho hay tiền lương tối thiểu vùng chưa đủ 80% mức sống tối thiểu (ảnh minh họa)

Trao đổi với báo giới, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: tăng lương tối thiểu vùng cần cân nhắc đến sức khỏe của DN. Vẫn biết đời sống của người lao động còn nhiều khó khăn, vẫn biết tiền lương tối thiểu chưa đảm bảo được cuộc sống tốt cho người lao động nhưng việc tăng lương phải phù hợp với điều kiện của nền kinh tế và sức chịu đựng của các doanh nghiệp. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp vừa phải trải qua những thử thách nghiệt ngã và mới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Theo ông Lộc, vài năm trở lại đây, hàng năm có trên 60% doanh nghiệp không có khả năng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (điều này cũng có nghĩa là khoản đầu tư của phần lớn các chủ doanh nghiệp đã không được “trả lương”). Và trong 6 tháng đầu năm 2014, tình hình tuy có sáng sủa hơn nhưng vẫn có hơn 33.000 doanh nghiệp đã phải đóng cửa, giải thể và xu hướng này vẫn đang tiếp tục.

Đúng như nhận định của ông Lộc, số lượng DN giải thể trong 7 tháng đầu năm 2014 đang gia tăng 9,8%. Thống kê mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), hiện cả nước hiện có khoảng 37.612 DN giải thể tăng 9,8%  so cùng kỳ, trong khi đó DN thành lập mới chỉ tăng 7%. Tốc độ giải thể DN tăng nhanh hơn so với tốc độ thành lập DN.

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế vĩ mô chưa được cải thiện, chỉ số giá tiêu dùng có tăng nhưng thấp chỉ số sản xuất và tiêu thụ của ngành công nghiệp vẫn tăng trưởng thấp. Tính chung chỉ số sản xuất công nghiệp trong 7 tháng đầu năm là 6,2%. Đây là mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2013 và 2012. Tuy nhiên, theo nhiều nhận định, đây mới chỉ là sức phục hồi ban đầu trước những hệ quả chính sách của Chính phủ mang lại, rất cần nuôi dưỡng và “bồi bổ”.

Theo Chủ tịch VCCI, tăng lương tối thiểu vùng cũng đe dọa đến việc làm và nguy cơ tiềm tàng dẫn đến giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Bởi, giá nhân công bình quân rẻ so với các nước đang được xem là yếu tố lợi thế trong cạnh tranh thu hút đầu tư. Nếu không có phương án tăng lương hợp lý sẽ ảnh hưởng giảm đầu tư, tăng thất nghiệp và về dài hạn sẽ không cạnh tranh thu hút đầu tư được.

Chưa đáp ứng 80% mức sống tối thiểu

Chia sẻ về lý do mà Tổng Liên đoàn Lao động đưa ra con số tăng lương tối thiểu 23% (3,4 triệu), Ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng khẳng định: khảo sát về mức sống tối thiểu của người lao động từ đầu năm 2014 cho thấy, tiền lương tối thiểu vùng I mới đạt 67,6% mức sống tối thiểu; tương tự vùng II đạt 70,1%; vùng III đạt 70,6% và vùng IV cũng mới đạt 76,6%. Thu nhập của người lao động thấp trong khi giá sinh hoạt cao, khiến đời sống một bộ phận người lao động cơ cực.

Cũng theo ông Tùng, tăng lương tối thiểu vùng vừa nhằm bảo vệ khả năng tái sản xuất của người lao động nói chung, đồng thời vừa bảo vệ tốt hơn quyền lợi của những lao động mới: người mới đi làm, thử việc, lao động thời vụ và xét đến yếu tố vùng miền nữa.

Hiện tăng lương tối thiểu vùng có sự khác biệt với tăng lương tối thiểu chung và lương cơ bản. Tăng lương tối thiểu vùng dựa trên mức sống từng vùng miền cụ thể để xác định và không áp dụng chơ cơ quan hành chính sự nghiệp. Theo Nghị định 182/2013/NĐ-CP  lương tối thiểu vùng đang được áp dụng có 4 vùng cụ thể, trong đó vùng 1 dành cho đô thị và vùng 4 dành cho địa bàn nông thôn, miền núi.

Chia sẻ về khả năng giải quyết bất đồng trong phương án mà các bên đưa ra, đại diện Bộ LĐTB&XH, Thứ trưởng Phạm Minh Huân khẳng định hôm 5/8: “Quan điểm của những người đại diện cho Nhà nước phải dung hòa, rất mong muốn tăng lương cao cho người lao động nhưng phải chú ý đến điều kiện thực tế của doanh nghiệp để doanh nghiệp còn có khả năng cạnh tranh, doanh nghiệp tồn tại, phát triển được. Đây là bài toán mà Hội đồng tiền lương Quốc gia phải giải quyết”.

Với việc các cơ quan hành chính sự nghiệp (cơ quan Nhà nước) không thuộc đối tượng thụ hưởng của chính sách tăng tiền lương tối thiểu vùng, nên các chuyên gia kinh tế nhận định tác động của chính sách này sẽ không làm gia tăng chi cho ngân sách Nhà nước. Các cơ quan quản lý cần tăng cường các biện pháp điều hành tốt thị trường giá cả, kìm hãm lạm phát nếu có, không để tình trạng lương chưa tăng mà giá đã tăng trước như đã từng xảy ra, khiến người tiêu dùng chịu thiệt hại hơn.

Được biết với những quan điểm khác nhau như hiện nay, nếu không có đồng thuận giữa các bên thì sáng nay Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ quyết định chốt phương án để đề xuất với Chính phủ áp dụng mức lương tối thiểu mới vào ngày 1/1/2015.

Nghị định số 182/2013/NĐ-CP về quy định mức lương tối thiểu vùng, được áp dụng vào ngày 1/1/2014 4 vùng sẽ có mức lương tối thiểu: vùng 1 là 2.700.000; vùng 2 là 2.400.000; vùng 3 là 2.100.000 và vùng 4 là 1.900.000/người/tháng.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *