Dòng chảy vốn 31/05/2015 07:04

Tác nhân gây sai lệch quan hệ thị trường

Nếu chậm cải cách doanh nghiệp nhà nước, rất có thể doanh nghiệp tư nhân sẽ theo chân doanh nghiệp nhà nước trong cách thức hoạt động và dẫn tới sai lệch trong quan hệ thị trường.

Đó là quan ngại của ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tại Hội thảo “Doanh nghiệp nhà nước Việt Nam: Ràng buộc ngân sách, khung khổ quản trị và biến dạng thị trường” tổ chức giữa tuần này tại Hà Nội.

“Tôi là người cổ súy cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, đang thấy sự tới hạn của khu vực này nếu như không đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Thậm chí, đang có doanh nghiệp tư nhân lớn ứng xử như… doanh nghiệp nhà nước, nghĩa là cũng tận dụng các mối quan hệ, đặc quyền, đặc lợi, chứ không phải cạnh tranh bằng công nghệ, dựa trên thị trường…”, ông Cung nói và cảnh báo, sự méo mó của doanh nghiệp tư nhân, nếu có, sẽ trầm trọng hơn khu vực doanh nghiệp nhà nước rất nhiều.

Nhiều doanh nghiệp đường gặp khó do những bất hợp lý trên thị trường. Ảnh: Chí Cường
Nhiều doanh nghiệp đường gặp khó do những bất hợp lý trên thị trường. Ảnh: Chí Cường

Khái niệm về ứng xử như doanh nghiệp nhà nước trong sự lo ngại của ông Cung chính là việc không tuân thủ đầy đủ các nguyên lý của kinh tế thị trường (cạnh tranh, cung - cầu…), dẫn tới sai lệch trong quan hệ thị trường. Đây cũng chính là lý do mà doanh nghiệp nhà nước bị coi là tác nhân làm nên những biến dạng rất lớn về thị trường, từ giai đoạn gia nhập thị trường, trong hoạt động thị trường và cả rút khỏi thị trường.

Trong báo cáo hơn 100 trang của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương về vấn đề này, 14 loại biến dạng thị trường được phân tích. Có thể nhắc tới sự biến dạng, méo mó thị trường do doanh nghiệp nhà nước thống lĩnh, chi phối; do doanh nghiệp nhà nước có lợi thế hơn trong tiếp cận vốn, đất đai, các nguồn lực khác…

Cũng phải nhấn mạnh, sự méo mó này không xuất phát từ các quy định trong hệ thống pháp luật. Ông Phạm Đức Trung, Phó trưởng Ban doanh nghiệp (CIEM), tác giả chính của Báo cáo nghiên cứu về doanh nghiệp nhà nước và những biến dạng thị trường cho biết, không tìm thấy sự phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, nhưng trong thực thi và ứng xử thì lại là vấn đề khác.

“Không chỉ Nhà nước, mà cả các chủ thể khác, trong đó có cả đối tác, người tiêu dùng ứng xử khác biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp khác. Rõ nhất là trong dịch vụ công ích, khi nhiều người cho rằng, doanh nghiệp nhà nước làm việc này tốt hơn, nên cơ hội gia nhập thị trường của doanh nghiệp tư nhân vào lĩnh vực này rất hẹp. Vì vậy, động lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước không cao”, ông Trung phân tích.

Thiếu động lực cạnh tranh còn có thể thấy qua cách hành xử của các ngân hàng thương mại với khu vực doanh nghiệp nhà nước. Với thực tế, doanh nghiệp nhà nước chiếm gần 20% trong tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng thương mại, chủ yếu dồn vào một số tập đoàn, tổng công ty, có thể thấy rằng, lòng tin về sự an toàn khi cho các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn vay đang hiện hữu.

“Đặt đặc lợi này vào thực trạng 41/108 tập đoàn, tổng công ty có nợ phải trả gấp 3 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo vào năm 2013, tỷ lệ thể hiện nguy cơ đổ vỡ cao, nhưng không doanh nghiệp nào bị xử lý, kiểm toán nhà nước năm 2013 cũng cho thấy, hầu hết doanh nghiệp vi phạm về thuế, có thể thấy, phần lớn doanh nghiệp nhà nước không chịu sự ràng buộc về chi tiêu. Tính kỷ luật tài chính thấp”, ông Trung phân tích.

Hệ lụy của cách ứng xử này không chỉ làm méo mó động lực và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Khi doanh nghiệp không tuân thủ nguyên tắc lời ăn - lỗ chịu, thì đương nhiên, họ không quan tâm đến giá thị trường, nên nhiều doanh nghiệp mở rộng đầu tư tràn lan, chuyển cơ hội kinh doanh sang sân sau, sân trước, làm méo mó giao dịch, làm méo mó thị trường.

Do vậy, khu vực tư nhân hoặc buộc phải méo mó theo để tham gia vòng xoáy này, hoặc bị chèn lấn. Thậm chí, ông Cung thẳng thắn, nếu doanh nghiệp tư nhân không tuân thủ ngân sách cứng, kỷ luật tài chính, thì hậu quả sẽ rất lớn vì khó kiểm soát hơn doanh nghiệp nhà nước rất nhiều.

Cũng phải nhắc đến hệ lụy mà bà Phạm Chi Lan xới xáo lên, đó là khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước sẽ khó cải thiện trong bối cảnh này, trong khi  các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ đòi hỏi về quyền đối xử quốc gia theo các cam kết song phương. “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ đòi quyền được đối xử như với doanh nghiệp nhà nước, nếu còn nhìn thấy sự khác biệt. Khi đó, khu vực tư nhân sẽ thêm một lần bị lấn át”, bà Phạm Chi Lan lo ngại.

Theo Khánh An
Báo Đầu tư
Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *