Dòng chảy vốn 23/04/2015 21:31

Sẽ không có trợ giá với bất cứ hình thức nào cho công nghiệp xi măng

FICA – Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hiện giá điện, xăng dầu đang bắt đầu điều hành theo nguyên tắc của kinh tế thị trường nên bắt buộc doanh nghiệp xi măng cũng phải tính đúng, tính đủ để từ đó có hướng tổ chức sản xuất.

Trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo “Xuất khẩu xi măng hướng tới tăng trưởng bền vững” diễn ra ngày 23/4/2015, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, hoạt động xuất khẩu của xi măng và clinker của Việt Nam cần phải được nghiên cứu một cách cẩn trọng và toàn diện, gắn với điều kiện thực tiễn.

Theo Thứ trưởng, trên thực tế, trong khoảng 4-5 năm nay, công suất thực tế của sản xuất xi măng Việt Nam đã vượt xa so với nhu cầu nội địa. Và rõ ràng đối với hệ thống các nhà máy xi măng đã có như hiện nay thì một giải pháp đặt ra hàng năm cho công tác tiêu thụ là phải xuất khẩu để đảm bảo hiệu quả chung trong sản xuất xi măng. Điều đó cho thấy tạm thời, xuất khẩu xi măng đạt giá trị như hiện nay là điều đáng mừng, bởi xuất khẩu xi măng và clinker đã có dấu hiệu tăng trưởng trong thời gian và cũng tương đối ổn định.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh

Trước mắt, mặt hàng xi măng chưa phải là mặt hàng trọng điểm trong xuất khẩu của Việt Nam, tuy nhiên, ngành xi măng cũng đã có vị thế nhất định và quan trọng hơn cả hoạt động xuất khẩu đã góp phần đưa ra giải pháp tiêu thụ cho ngành.

Theo thông tin từ Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, hiện nay công suất thiết kế cũng như công suất của thực tế của ngành xi măng khoảng 70-80 triệu tấn/năm, trong khi đó, tiêu thụ nội địa chỉ hơn 50 triệu tấn/năm. Như vậy, theo tính toán, lượng dư thừa là trên dưới 20 triệu tấn/năm và chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Vì vậy, khi chưa có các đánh giá đầy đủ cũng như khảo sát thiết kế về hiệu quả trong sản xuất gắn với xuất khẩu xi măng thì Việt Nam vẫn phải tính đến các giải pháp tình thế là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong tiêu thụ sản phẩm.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng thì trữ lượng đá vôi, nguyên liệu chính của sản xuất xi măng ở Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, không phải vì như vậy mà Việt Nam sẽ phung phí tài nguyên để phục vụ cho công nghiệp cũng như xuất khẩu. Dù vậy, theo Thứ trưởng, trong điều kiện phát triển ngành xi măng trước tiên nhằm phục vụ nhu cầu về xây dựng trong thị trường nội địa, bên cạnh đó, hệ thống sản xuất xi măng đã được xây dựng trong thời gian qua đã đưa công xuất sản xuất xi măng của Việt Nam lên mức cao, dẫn đến phải tính đến bài toán tiêu thụ sản phẩm xi măng ở thị trường bên ngoài thông qua xuất khẩu.

Còn liên quan đến đánh giá và hiệu quả sản xuất, xuất khẩu xi măng thì cần phải có những đánh giá kĩ lưỡng hơn, ví dụ, trước hết đó là chi phí đầu vào sản xuất xi măng với giá xuất khẩu xi măng đã phản ánh đầy đủ hay chưa. Tất cả thiệt hại chúng ta bỏ ra kể cả về tài nguyên, thuế môi trường… Và muốn đánh giá được điều này đòi hỏi sự phối hợp đánh giá kĩ lưỡng giữa các ban, ngành quản lý nhằm điều chỉnh các văn bản pháp quy và đúng với định hướng lớn của ngành xi măng.

Liên quan đến hiệu quả xuất khẩu xi măng, theo ông Tuấn Anh, điều này phải gắn với tính toán, đánh giá một số hiệu quả có tính lan tỏa đối với một số ngành kinh tế, dịch vụ khác như công ăn việc làm, thuế, môi trường, logictis, vận tải…

Ngoài ra, hiệu quả của xuất khẩu xi măng trong thời gian tới cũng phải tính trên nguyên tắc của kinh tế thị trường cũng như yếu tố đầu vào trong tất cả các nguồn nguyên liệu phục vụ nền công nghiệp đó, chứ sẽ không có những yếu tố trợ giá dù với hình thức nào, bởi hiện nay, giá điện, xăng dầu đang bắt đầu điều hành theo nguyên tắc của kinh tế thị trường nên bắt buộc doanh nghiệp phải tính đúng, tính đủ để từ đó có hướng tổ chức sản xuất, các yếu tố về công nghệ cũng như tính năng quản trị… đảm bảo các giá trị về thị trường, thương mại, trong đó có xuất khẩu.

Bích Diệp

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *