Dòng chảy vốn 20/02/2014 15:02

Samsung đầu tư: Dẫn dắt kinh tế Việt Nam?

Để tạo ra sự ràng buộc, bên cạnh Samsung chúng ta cần chọn ra một số tập đoàn kinh tế khác như là một đối trọng đối với Samsung để những tập đoàn được lựa chọn ý thức được vai trò dẫn dắt của họ đối với nền kinh tế trong nước cũng như đối với ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam nói riêng.

 

 

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn – giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho biết khi trao đổi với PV Đất Việt xung quanh quyết định của Chính phủ khi yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành lựa chọn một số dự án tiềm năng, cũng như dự án thuộc danh mục dự án trọng điểm quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2020 giới thiệu cho Tập đoàn Samsung.

 

Chia sẻ rủi ro....

 

PV: - Mới đây, Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành lựa chọn một số dự án tiềm năng, cũng như dự án thuộc danh mục dự án trọng điểm quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2020 giới thiệu cho Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc). Theo quan điểm của ông, lý do vì sao lại có sự hợp tác này?

 

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn: - Việt Nam đang cố gắng phát triển các mô hình Tập đoàn kinh tế lớn nhưng các mô hình Tập đoàn kinh tế đó trong thời gian qua đã cho thấy rằng, nó không thành công và chúng ta vẫn đang loay hoay tìm kiếm mô hình hoạt động nào đó mặc dù những mô hình hoạt động của Hàn Quốc, Nhật Bản sau thế chiến thứ 2 đã được chúng ta học hỏi nhiều nhưng lại không tương thích trong điều kiện Việt Nam và bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế nhưng đáng tiếc là mô hình đã thất bại trong những năm qua và chúng ta đang cố gắng tái cấu trúc để tìm kiếm mô hình Tập đoàn kinh tế mới, tìm ra lối đi mới.

 

Việc hợp tác với Samsung - Tập đoàn lớn của Hàn Quốc là một cách để chúng ta vừa học hỏi, vừa tham khảo, vừa chủ động thiết kế được mô hình tập đoàn kinh tế riêng cho Việt Nam từ đó tạo cơ sở để mở ra sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác không phải chỉ có một số lĩnh vực mà Chính phủ đang chủ trương.

 

PV: - Xin ông cho biết, Việt Nam sẽ được gì, mất gì khi lựa chọn những dự án tiềm năng giới thiệu cho Samsung và sự hợp tác diễn ra?

 

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn: - Mặt tích cực đầu tiên có thể thấy là chúng ta đang hợp tác với tập đoàn cực kỳ có uy tín trên thế giới và có năng lực cạnh tranh. Chúng ta có thể học hỏi được những kinh nghiệm của Samsung, những mô hình, những bước đi kể cả sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật, công nghệ, tài chính và mặt tổ chức…

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn – giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn – giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright

 

Chúng ta có thể chia sẻ được rủi ro bởi vì trong mô hình bước đi ban đầu vấn đề rủi ro rất quan trọng nên việc hợp tác với Samsung giúp Việt Nam chia sẻ được rủi ro tốt hơn.

 

Từ sự thành công hay thất bại của mô hình hợp tác mới này sẽ giúp Việt Nam mở rộng hợp tác với các Tập đoàn kinh tế khác nữa không phải chỉ mới Samsung - Hàn Quốc nói riêng mà cả với Nhật Bản và các Tập đoàn ở các nước phương Tây.

 

Tuy nhiên, sẽ có một số rủi ro là một số nguồn lực lại phải dành cho sự hợp tác đó tức là chúng ta vẫn phải ưu tiên nguồn lực, ưu đãi cơ chế, chính sách, đất đai, nguồn vốn, tín dụng và một số cơ chế khác để giúp mô hình hợp tác đó thành công. Như vậy nó sẽ hút bớt nguồn lực dành cho những ưu tiên chính sách khác.

 

Thêm nữa, việc lực chọn danh mục hợp tác nào phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của các nhà hoạch định chính sách thay vì thị trường sẽ có cơ chế để phân bổ nguồn lực một cách có hiệu quả hơn.

 

Trong quá trình thực hiện phân bổ vốn cũng như chính sách sẽ đặt ra sự lo lắng liệu có bị chi phối bởi nhóm lợi ích nào hay không khi mà chúng ta vẫn chưa giải quyết tốt vấn đề lợi ích nhóm.

 

Tìm thêm đối trọng với Samsung

 

PV: - Chính phủ cũng yêu cầu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) chủ động đẩy mạnh khả năng hợp tác với Samsung để thu hút tập đoàn này đầu tư, hoặc tham gia vào tái cơ cấu lĩnh vực công nghiệp tàu thủy, ông giải thích điều này như thế nào?

 

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn: - Tôi chưa có giải đáp về việc tại sao phải hợp tác với Samsung trong lĩnh vực đóng tàu. Tuy nhiên, Samsung là Tập đoàn điện tử lớn của Hàn Quốc vì vậy hướng ưu tiên của Samsung trong quá trình hợp tác chúng ta muốn gì nhưng cái chúng ta muốn có phù hợp với mong muốn của Samsung hay không hay chẳng qua Samsung muốn hợp tác với Việt Nam để đổi lấy sự ưu đãi cho những lĩnh vực khác của Samsung. Nếu như vậy, sự cam kết của Samsung sẽ không bền vững khi những ưu đãi không còn nữa thì cam kết của họ sẽ không bền vững và cần thiết với họ.

 

Trong quá trình lựa chọn hướng ưu tiên hợp tác, một mặt phải theo chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam và phải tham khảo chiến lược phát triển của các Tập đoàn, họ ưu tiên cái gì để đưa ra tập xác định chung giữa ưu tiên của chúng ta với họ.

 

Chính phủ cũng yêu cầu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) chủ động đẩy mạnh khả năng hợp tác với Samsung
Chính phủ cũng yêu cầu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) chủ động đẩy mạnh khả năng hợp tác với Samsung

 

Không thể duy ý chí, chúng ta muốn Samsung tham gia vào lĩnh vực đóng tàu còn Samsung muốn được tham gia vào lĩnh vực điện tử, sự hỗ trợ của Samsung vào ngành đóng tàu sẽ chỉ là sự hỗ trợ có tính chất có đi có lại. Samsung hỗ trợ một phương diện nào đó về ngành đóng tàu, đổi lại chúng ta phải ưu đãi về lĩnh vực điện tử.

 

PV: - Có ý kiến cho rằng, để Samsung tham gia một số dự án tiềm năng và dự án thuộc danh mục dự án trọng điểm, đặc biệt tham gia và ngành công nghiệp đóng tàu nhưng không chia sẻ kỹ thuật công nghệ, chỉ sử dụng nguồn lao động giá rẻ và dần dần sẽ chiếm thị phần ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam, ông có đồng tình với ý kiến này hay không?

 

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn: - Vấn đề lo ngại này hoàn toàn có cơ sở nhưng chúng ta phải chấp nhận. Trong hợp tác này chúng ta muốn điều gì? Ví dụ chúng ta muốn giải quyết vấn đề công ăn việc làm thì lo ngại Samsung sử dụng nguồn lao động giá rẻ là không có cơ sở. 

 

Lo ngại có cơ sở hơn chính là việc họ tận dụng những chính sách ưu đãi để bòn rút thay vì dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam đi trên một đường hướng phát triển bền vững. Để giải quyết vấn đề này chúng  ta cần phải hoạch định được lộ trình rõ ràng và phải có cam kết mạnh mẽ, chắc chắn với các bên hợp tác liên quan, cụ thể là Samsung.

 

Và để tạo ra sự ràng buộc, bên cạnh Samsung chúng ta cần chọn ra một số tập đoàn kinh tế khác như là một đối trọng đối với Samsung để những tập đoàn được lựa chọn ý thức được vai trò dẫn dắt của họ đối với nền kinh tế trong nước cũng như đối với ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam nói riêng.

 

PV: - Liên quan đến hoạt động của Samsung Electronics tại Việt Nam, hiện nhà máy tại Bắc Ninh vẫn đang được hưởng nhiều ưu đãi về thuế trong khi nhiều chuyên gia từng nhận định rằng việc Samsung vào Việt Nam được một thời gian tương đối lâu nhưng việc chuyển giao công nghệ lại diễn ra chậm. Ông có bình luận gì về thực tế này?

 

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn: - Vai trò chuyển giao công nghệ là rất quan trọng nhưng vấn đề quan trọng hơn là chúng ta liệu có đủ yếu tố cần thiết để hấp thụ công nghệ mà Samsung chuyển giao hay không.

 

Chúng ta phải chuẩn bị nền tảng về nhân lực chất lượng cao có khả năng hấp thụ được các kiến thức được chuyển giao. Trong quá trình chúng ta hợp tác, làm việc chung với các đối tác chúng ta phải cùng làm việc, cùng học hỏi.

 

Sự học hỏi ở đây không nhất thiết phải là sự học hỏi chính thức mà ở cả quá trình quan sát, theo dõi cách họ làm như thế nào để hấp thụ được cách thức đó, không thể mong rằng việc chuyển giao được thực hiện thông qua các lớp học bài bản hay một số khóa đào tạo.

 

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Theo Tâm An

Báo Đất Việt

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *