Dòng chảy vốn 30/03/2014 13:14

Rất khó để DN nhỏ và vừa tiếp cận vốn

Mặc dù đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế nhưng các DNNVV tại Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn về nguồn lao động, trình độ lao động thủ công, công nghệ lạc hậu, quản lý, quản trị không có chuyên môn sâu, sản xuất kinh doanh, dịch vụ còn thiếu sự ưu đãi...

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Việt Nam chiếm 95-97% số doanh nghiệp trên cả nước. Các DNNVV sử dụng trên 50% số lao động, tạo ra 40-50% hàng hóa phục vụ xuất khẩu và đóng góp gần 20% tổng thu ngân sách nhà nước.


Cộng đồng doanh nghiệp này cũng đóng góp tích cực cho việc ổn định xã hội, xóa đói, giảm nghèo tại các vùng của đất nước, nhất là vùng sâu, vùng xa, miền núi còn nhiều khó khăn.


Mặc dù đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế nhưng các DNNVV tại Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn về nguồn lao động, trình độ lao động thủ công, công nghệ lạc hậu, quản lý, quản trị không có chuyên môn sâu, sản xuất kinh doanh, dịch vụ còn thiếu ưu đãi...


Quy mô hoạt động của khối DN này còn nhỏ, khả năng sinh lời để tái đầu tư ít, trong khi chưa thể huy động vốn trên thị trường thông qua chứng khoán, cổ phiếu hay trái phiếu.


Để giải quyết những khó khăn trên phải có cơ chế, chính sách cụ thể của Chính phủ và các tổ chức tín dụng.


Tại hội thảo Đối thoại công - tư: Giải quyết những rào cản của doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ trong tiếp cận vốn (Bộ Công Thương phối hợp Ban Thư ký APEC tổ chức ngày 27 - 28.3), các chuyên gia cho rằng để nhóm DNNVV  phát triển và tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng trong bối cảnh cả nước tiếp tục thực hiện bình ổn kinh tế vĩ mô… là điều không dễ.


Các giải pháp đưa ra của ngành ngân hàng chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi có sự phối hợp nhịp nhàng từ các cơ quan có thẩm quyền, với việc đưa ra các chính sách hỗ trợ như: Đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường pháp lý và tiết kiệm thời gian đối với thủ tục thế chấp và phát mãi tài sản là bất động sản; tăng cường chính sách trợ giúp DN ngoài chính sách hỗ trợ về lãi suất như thuế…


“Cần có sự hỗ trợ của định chế tài chính để DNNVV duy trì dòng vốn. DNNVV cũng cần được trang bị kỹ năng về kinh doanh để hoạt động hiệu quả. Đưa ra chính sách nhưng phải xem làm thế nào để thực hiện được chính sách đó. Cấp vốn xong cần phải có cơ chế theo dõi, giám sát và đánh giá độc lập, khách quan để đảm bảo DN hoạt động hiệu quả…” - ông Sergio Arzeni, Giám đốc Trung tâm Doanh nhân, DNNVV, thuộc Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD) cho biết.


Còn TS. Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, để giúp các DNNVV vượt qua khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cần tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách, tạo môi trường thuận lợi để tăng khả năng tiếp cận vốn, khuyến khích đầu tư.


"Tập trung vào một số vấn đề như hệ thống luật lệ cụ thể đảm bảo bình đẳng cho các doanh nghiệp với các thành phần kinh tế khác, kể cả đất đai, tiền vốn, đào tạo nhân lực. Trong quá trình thực hiện phải chú ý đến những vấn đề khi doanh nghiệp chưa tháo gỡ được hoặc còn khó khăn phải tháo gỡ kịp thời để cho họ có điều kiện thời cơ phát triển.


Bên cạnh đó, trong quá trình điều hành phải đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, công khai minh bạch của tất cả thành phần, tạo điều kiện cho các yếu tố trong xã hội được bình đẳng trong việc tự do cạnh tranh" - TS Kiêm nói.


Các chuyên gia cũng cho rằng, để hỗ trợ các DNNVV dễ tiếp cận vốn hơn thì UBND các tỉnh nên cung cấp thông tin trực tiếp cho các ngân hàng về quy hoạch phát triển, kế hoạch bố trí vốn ngân sách hàng năm của địa phương; chỉ đạo các sở, ngành cấp giấy chứng nhận và đăng ký quyền sở hữu tài sản gắn với quyền sử dụng đất để đảm bảo cơ sở pháp lý cho nhóm DNNVV thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng; cân đối nguồn vốn ngân sách để tiếp tục góp vốn cho quỹ bảo lãnh.


Các hiệp hội ngành nghề cần xây dựng các quỹ hỗ trợ DNNVV làm cầu nối cho các tổ chức tín dụng tiếp cận, hỗ trợ mở rộng khai thác thị trường…


Ngược lại, bản thân các DNNVV cũng phải tự hoàn thiện cơ chế quản lý, kế hoạch kinh doanh, tài chính, hoàn thiện hệ thống kế toán theo hướng minh bạch, rõ ràng; đầu tư công nghệ, nâng trình độ quản lý, tham gia các tổ chức hiệp hội DN trên địa bàn để học hỏi kinh nghiệm quản lý, kinh doanh, tìm kiếm bạn hàng… từ đó tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm.

Theo Duyên Duyên

Một thế giới

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *