Tiền và Hàng 01/01/2014 08:22

Hà Nội: Hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ tăng khoảng 10%

Theo dự báo của Sở Công Thương Hà Nội, từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, giá cả một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có mức tăng trung bình 10% so với trước.

Đối với nhóm hàng lương thực, hiện nay nhu cầu xuất khẩu gạo tăng lên, trong khi sản lượng vụ mùa vừa thu hoạch giảm 10-20% so với dự kiến. Thời điểm trước Tết Nguyên đán nhu cầu sử dụng các loại gạo (đặc biệt là gạo ngon, gạo nếp) tăng lên.

Dự báo trong thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, giá gạo tăng khoảng 5%, đặc biệt là gạo nếp và gạo ngon.

Với nhóm hàng thực phẩm, nguồn cung thịt gia súc, gia cầm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô.

Tuy nhiên thời điểm trước Tết Nguyên đán, nhu cầu về thịt lợn, thịt bò, thịt gà ta tăng cao, do vậy, từ nay đến Tết Nguyên đán giá cả các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm sẽ tăng khoảng 5-10%.

Thời tiết hiện tại rất thuận lợi cho việc sản xuất rau vụ đông. Tuy nhiên trong thời gian tới, thời tiết có thể xảy ra rét đậm, rét hại, sương muối kéo dài ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất rau, đồng thời sát Tết Nguyên đán, nhu cầu rau xanh tăng mạnh. Dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán, giá rau xanh tăng lên 10-15%.

Hiện nguồn cung hàng hóa trên địa bàn về cơ bản được đảm bảo, người dân tiếp tục thắt chặt chi tiêu khi thu nhập còn eo hẹp, đặc biệt lần đầu tiên giá thực phẩm tháng 12 giảm vào tháng cuối năm (thời điểm cách Tết Nguyên đán chỉ còn 1 tháng, với mức giảm 0,34%) và là mức giảm trong vòng 10 năm trở lại đây đối với nhóm hàng này.

Căn cứ trên các yếu tố tác động đến giá cả, Sở Công Thương Hà Nội cũng dự báo chỉ số CPI tháng 1/2014 trên địa bàn thành phố sẽ tăng khoảng 1,1% so với tháng 12/2013.

Sở Công Thương Hà Nội đang theo dõi sát diễn biến cung cầu, hàng hóa, dịch vụ, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết của nhân dân để có biện pháp cụ thể đảm bảo đủ lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu, không để xảy ra mất cân đối cung cầu; đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn có các biện pháp tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất, lưu thông hàng hóa, làm tốt các công tác thị trường, chuẩn bị cơ sở vật chất, khai thác tốt hệ thống trung tâm thương mại, chợ đầu mối, cửa hàng và nguồn hàng đảm bảo cung cầu hàng hóa tiêu dùng trên địa bàn, nhất là Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.

 

Theo Đinh Thị Thuận

TTXVN

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *