Dòng chảy vốn 27/03/2018 20:40

Phó Thủ tướng: Các Bộ phải bám sát kịch bản lạm phát năm 2018 dưới 4%

Tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo điều hành giá (BCĐ) sáng nay 27/3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã yêu cầu các bộ bám sát kịch bản tăng CPI năm 2018 ở mức 3,55% và Chính phủ tin tưởng sẽ hoàn thành nhiệm vụ kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đặt ra dưới 4%.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính): Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 3 không tăng như 2 tháng đầu năm, mà dự kiến giảm 0,28% so với tháng trước đó.

pho thu tuong vuong dinh hue
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá.

Còn so với cùng kỳ năm 2017 thì CPI tháng 3 tăng 2,65%. Như vậy, tổng hợp số liệu 3 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 2,82% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo đại diện Bộ Tài chính, nguyên nhân tăng CPI trong quý I/2017 là do nhu cầu gia tăng tiêu dùng trong dịp Tết và lễ hội đầu năm, giá cả các mặt hàng thiết yếu thế giới tăng trở lại như nhiên liệu, chất đốt, sắt thép... gây áp lực lên mặt bằng giá trong nước.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh một số mặt hàng thiết yếu trong nước tại một số tỉnh (giá khám chữa bệnh không thẻ BHYT tăng 34,19% làm CPI tăng chung khoảng 1,32%, giá dịch vụ giáo dục tăng 7,38% làm CPI tăng 0,38%, giá điện sinh hoạt tăng 6,08%, mức lương tối thiểu vùng tăng 6,5% làm tăng giá một số loại dịch vụ từ 2-8% so với cùng kỳ năm trước).

Bộ Tài chính và nhiều ý kiến thành viên BCĐ cho biết, từ nay tới cuối năm cũng xuất hiện một số yếu tố gây sức ép lên mặt bằng giá.

Đơn cử như 8 địa phương sẽ điều chỉnh giá khám chữa bệnh đối với người không có thẻ BHYT, dự kiến điều chỉnh chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế, lương cơ sở cơ cấu vào giá dịch vụ khám chữa bệnh; điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục; giá các dịch vụ chuyển từ phí sang giá theo luật, xu hướng biến động của giá xăng dầu, điều chỉnh tiền lương trong khối doanh nghiệp và khu vực công, rủi ro về thiên tai và thời tiết bất lợi, giá các mặt hàng thiết yếu như vật liệu xây dựng (thép), thực phẩm có xu hướng tăng...

Chính vì vậy, dự báo CPI bình quân cả năm 2018 sẽ tăng ở mức từ 3,41-3,55% và 3,9%, dưới chỉ tiêu Quốc hội giao tăng lạm phát 4% cho năm 2018.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, lạm phát cơ bản hiện nay là 1,36%, vẫn thấp hơn quy định chung trong năm nay là từ 1,6-1,8%.

NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến của lạm phát cơ bản, việc thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 17%, tập trung tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp cân đối tiền-hàng, hỗ trợ cho tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.

Bà Nguyễn Thị Hồng và ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê lưu ý: Việc thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp lớn năm nay dự kiến sẽ tương đối nhiều, nên Chính phủ cần điều tiết việc hút vốn nước ngoài để cung ứng tiền đồng ra thị trường phù hợp, không gây áp lực lên lãi suất và tỉ giá.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành bám sát kịch bản tăng CPI năm 2018 ở mức 3,55% để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

“Với kinh nghiệm trong quản lý, phối hợp điều hành của các bộ, ngành đối với giá cả các mặt hàng, Chính phủ tin tưởng sẽ hoàn thành nhiệm vụ kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đặt ra”, Phó Thủ tướng nói.

Ngoài nhiệm vụ trên, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu cụ các nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành chức năng như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, GTVT... nhằm duy tốc độ tăng trưởng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

An Linh

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *