Dòng chảy vốn 21/12/2014 09:18

Philippines coi VN là đối thủ của ngành xuất khẩu điện tử

Các nhà xuất khẩu hàng điện tử ở Philippines coi VN là đối thủ đáng gờm trong ngành xuất khẩu chất bán dẫn.

Cụ thể, ngày 18/12,  ông Dan Lachica - Chủ tịch ngành chất bán dẫn và công nghiệp điện tử tại Philippines Inc nhận định.

 

Theo phân tích, chi phí năng lượng của VN chỉ khoảng 1/2 ở Philippines, cộng thêm lợi thế không xảy ra tình trạng ách tắc tại cảng sẽ là những yếu tố có thể tác động lên quyết định của giới đầu tư.

 

Nhà cung cấp giải pháp vận chuyển CargoSmart cho biết so với cảng TP.HCM và Nhava Sheva (Ấn Độ), các cảng ở thủ đô Manila có tỉ lệ hoãn tàu cao nhất trong giai đoạn cao điểm tháng 9 đến 11/2014.

 

Theo khảo sát CargoSmart, tỉ lệ trễ tàu trung bình của Manila là 128,8 giờ từ ngày 15/9 đến 14/10, trong khi TP.HCM chỉ trễ 16,7h và Nhava Sheva thấp nhất 16,4h.

 

Tình trạng tắc nghẽn cảng tồi tệ nhất diễn ra trong khoảng thời gian 15/10 đến 15/11, khi đó Manila trễ tàu trung bình 145,6h, TP.HCM 20,2h và Nhava Sheva 15,6h.

 

Ngoài điều kiện cảng thuận lợi, các ngành công nghiệp của Việt Nam cũng hưởng lợi từ chi phí điện năng thấp hơn. "Dưới quan điểm hoạt động, thì đó là những yếu tố hàng đầu để các nhà đầu tư chọn địa điểm kinh doanh", ông Lachica nói.

 

VN là đối thủ đáng gờm về chất bán dẫn

VN là đối thủ đáng gờm về chất bán dẫn

 

Số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) cho thấy kim ngạch xuất khẩu thiết bị điện - điện tử của Đông Nam Á trong năm 2013 đạt gần 300 tỉ USD. Điện tử là ngành xuất khẩu lớn nhất của khu vực, đem lại lãi suất đáng kể và là "mũi nhọn" xuất khẩu của Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam.

 

Điều đáng mừng hơn nữa, theo số liệu thống kê của AmCham, xuất khẩu của VN vào Mỹ đã tăng trưởng liên tục trong suốt 15 năm qua. Năm 2000, VN mới chỉ xuất khẩu sang Mỹ khoảng 800 triệu USD thì dự kiến kết thúc năm 2014, VN sẽ xuất khẩu 29,4 tỉ USD (tăng gần 36 lần).

Từ tỉ lệ khiêm tốn là 1% tổng giá trị xuất khẩu của ASEAN vào Mỹ năm 2000, kết thúc năm nay VN sẽ chiếm 22% tổng giá trị xuất khẩu của khu vực vào thị trường này. Đây cũng là lần đầu tiên VN vượt qua các đối thủ chính trong khu vực là Thái Lan, Malaysia và Indonesia để trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất khu vực vào thị trường Mỹ.

 

Đến năm 2020, xuất khẩu của VN vào Mỹ đạt xấp xỉ 57 tỉ USD và chiếm 34,1% tổng giá trị xuất khẩu của khu vực ASEAN vào thị trường này, đồng thời bỏ xa giá trị xuất khẩu của các nước còn lại.

 

Hơn thế, VN hiện xếp thứ hai về năng lực cung ứng hàng dệt may, thứ hai về da giày, thứ nhất về cá ba sa, thứ ba cho con tôm, thứ ba cho sản phẩm gỗ... vào thị trường Mỹ, với giá trị xuất khẩu phải tính bằng đơn vị hàng tỉ USD mỗi năm, chứ không còn nhỏ lẻ vài ba triệu USD như trước.

 

Nhưng niềm vui này dường như chưa thể trọn vẹn khi trong các sản phẩm chủ lực xuất khẩu sang Mỹ, như dệt may và da giày, phần thực hưởng mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước vẫn còn hết sức khiêm tốn, khi xu hướng lấy công làm lời gần như vẫn giữ vai trò then chốt trong cơ cấu sản xuất của rất nhiều tầng lớp doanh nghiệp xuất khẩu.

 

Thay vì bán được những bộ áo vest, đôi giày có giá trị 300-400 USD trở lên, các doanh nghiệp may mặc, da giày tiếp tục chọn con đường nhận tiền công vài USD, mà nói như ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch Hiệp hội Da giày VN, “công nhân phải làm bở hơi tai, sôi máu mắt” mới có được chút tiền công còn đó.

 

Hệ quả cho thấy cũng khá rõ, dù xuất khẩu được gần 10 tỉ USD hàng dệt may, gần 3 tỉ USD hàng da giày vào thị trường Mỹ trong năm nay, nhưng thặng dư thương mại VN thực hưởng chỉ bằng 1/10 so với doanh số xuất khẩu ghi nhận, vì đã bị nhà đặt hàng “móc túi” bớt khi toàn bộ nguyên phụ liệu sản xuất đều được chỉ định nơi nhập khẩu.

 

Điều này, cũng được minh chứng khá rõ, khi gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin Samsung công bố cần 170 loại linh kiện đơn giản như ốc vít, sạc pin, tai nghe... nhưng không tìm nổi nhà cung cấp tại Việt Nam. Chưa dừng tại đó, đại diện Canon Việt Nam cũng tuyên bố DN trong nước mới chỉ đáp ứng được hộp, bìa carton để đóng gói sản phẩm của họ.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho hay, trên thực tế chúng ta phải thừa nhận, năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam còn rất thấp, chủ yếu dựa vào lợi thế lao động hoặc điều kiện tự nhiên mà chưa chú trọng đến yếu tố hàm lượng tri thức và công nghệ.

 

Ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ KH-CN, nhận xét, phần lớn DN nước ta vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới 2-3 thế hệ.

 

Hiện nay, nhiều chuyên gia nhận định, nền kinh tế Việt Nam chủ yếu dự trên sự khai thác các nguồn tài nguyên có sẵn, như tài nguyên thiên nhiên, nhân công giá rẻ, khoáng sản, tài nguyên nước. Tuy nhiên, các tài nguyên khai thác nhiều sẽ cạn kiệt, nhân công giá rẻ lợi nhuận thu về rất thấp, do đó nền kinh tế dễ rơi vào sự phụ thuộc, không thể phát triển bền vững.

 

Theo Ngân Giang 

Báo Đất Việt (Tổng hợp)

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *