Dòng chảy vốn 28/12/2014 07:20

Ngược xuôi chuyện tăng, hụt từ thu giá dầu

Hiện có nhiều ý kiến trái chiều trong việc thu ngân sách từ giá dầu trong bối cảnh giá dầu giảm sâu. Người nói tăng thu, người nói hụt cũng nhờ...giá dầu.

Mới đây khi trên báo chí, nhiều vị quan chức đã tính toán, nếu giá cứ giảm 1 USD thì ngân sách hụt khoảng 1.000 tỷ đồng. Nếu giá giảm về 85 USD thì thu ngân sách hụt khoảng 20.000 tỷ đồng".

 

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, thứ trưởng Bộ Tài chính, cũng từng trao đổi với Tuổi Trẻ rằng việc giá dầu thô giảm mạnh, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.

 

Thế nhưng tờ Thanh niên ngày 27/12 dẫn thông tin về tình hình thu ngân sách năm 2014 vượt 10% so với kế hoạch. Đặc biệt việc vượt thu ngoạn mục này thực hiện trong bối cảnh trong năm nay, gần 70.000 doanh nghiệp giải thể, phá sản (tăng gần 30% so với cùng kỳ).

 

Nguồn: Công văn số 17728/BTC-CST ngày 4-12 của Bộ Tài chính (theo tỉ giá USD/VND của Ngân hàng Nhà nước ngày 8-12 là 21.246 đồng/USD). Đồ họa: Tuổi trẻ
Nguồn: Công văn số 17728/BTC-CST ngày 4-12 của Bộ Tài chính (theo tỉ giá USD/VND của Ngân hàng Nhà nước ngày 8-12 là 21.246 đồng/USD). Đồ họa: Tuổi trẻ

 

Phân tích trên tờ Thanh niên, chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long cho rằng: Thực tế, ngân sách vượt thu năm qua nhờ vào nguồn khai thác dầu khí, trong khi năm tới nhiều dự báo cho rằng nguồn tài nguyên “vàng đen” này sẽ giảm giá mạnh, chỉ còn trên dưới 70 USD/thùng. Giá dầu giảm 1 USD/thùng, ngân sách mất 1.000 tỉ đồng.

 

Tuy nhiên TS Lê Đăng Doanh lại cho rằng: Chính phủ nêu tác động giảm của giá dầu thế giới làm giảm nguồn thu ngân sách mới chỉ là một mặt của vấn đề.

 

Theo ông Doanh mặt quan trọng hơn là giá dầu thế giới giảm thì giá xăng dầu, cước vận tải… trong nước đang giảm mạnh theo.

 

"Hiện chúng ta vẫn đang nhập khẩu nhiều các sản phẩm sợi, chất dẻo, phân bón, thuốc sâu (những sản phẩm làm từ dầu mỏ) với giá rẻ đi. Do vậy, tôi cho giá dầu thế giới giảm, cái lợi với nền kinh tế của ta lớn hơn là những thiệt hại mà nó đưa lại", TS Lê Đăng Doanh nói.

 

Nói với Đất Việt, chuyên gia về dầu khí GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng cũng từng khẳng định: việc giá dầu thô giảm cũng không ảnh hưởng ghê gớm vì lượng xuất chỉ có 16 triệu tấn/năm, trong khi đó mỗi năm chúng ta nhập tới hơn 10 triệu tấn xăng dầu.

 

"Cho nên có thể khẳng định một lần nữa, khi giá dầu thế giới giảm, nếu tính chung thì nguồn thu  của nhà nước có giảm nhưng không phải ghê gớm, ngược lại người dân và doanh nghiệp lại có lợi", ông Thoảng nói.

 

Ông Nguyễn Đông Hải, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Kỹ thuật và Hợp tác Quốc tế của Tổng cục Dầu khí đã chỉ rõ: Trong liên doanh tại một mỏ dầu, đối tác nước ngoài cổ phần 80%, còn Việt Nam chỉ có 20%. Các mỏ vừa thì nước ngoài 4 phần Việt Nam chỉ có 1 phần. Cho nên dù giá tăng hay giảm thì phần thiệt vẫn là Việt Nam phải chịu.

 

"Do vậy, nếu giá dầu cao thì phần thu cho ngân sách sẽ cao hơn bởi nguồn thu từ dầu khí đang chiếm hơn 10%. Nhưng xét trên bình diện chung thì đây cũng không phải là nguồn thu duy nhất", ông Hải nói.

 

TS Nguyễn Đức Thành, Thành viên Nhóm tư vấn Chính sách cho Thủ tướng Chính phủ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích:

 

"Ở cấp vĩ mô với Việt Nam chắc chắn ngân sách sẽ bị hụt thu từ xuất khẩu dầu thô. Nhưng phải thấy rằng khi giá xăng dầu giảm thì cũng sẽ làm giảm các chi phí khác và bản thân Chính phủ cũng phải tiếp tục điều tiết việc chi ngân sách của mình. Bên cạnh đó việc điều hành giá cả cũng phải phản ánh được đúng tình hình để các doanh nghiệp có thể hưởng lợi", ông Thành nói.

 

Và thực tế việc giá dầu thô giảm đang mang lại lợi nhiều hơn cho nền kinh tế và bằng chứng là thu ngân sách vẫn vượt thu 10% so với chỉ tiêu đề ra.

 

Theo Phương Nguyên

Đất Việt

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *