Dòng chảy vốn 18/11/2014 17:45

Ngành chăn nuôi Việt Nam: Mất quyền trên "sân nhà" vì quá phụ thuộc

FICA - Không chỉ phụ thuộc nguồn giống và thức ăn chăn nuôi nhập ngoại, ngành chăn nuôi nước ta còn phải nhập khẩu rất nhiều thuốc thú y và vắc xin từ nước ngoài.

Ngành chăn nuôi chiếm vị trí ngày càng quan trọng trong nền nông nghiệp với tổng sản lượng thịt gia súc gia cầm tăng khoảng 2,5 lần từ năm 2000 đến 2012, và tổng giá trị ngành chăn nuôi Việt Nam đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2012, chiếm gần 27% tổng giá trị ngành nông nghiệp.

 

Tuy nhiên, nghiên cứu của Liên minh Nông nghiệp cho thấy chi phí cho thức ăn chăn nuôi (TACN) đã chiếm tới khoảng 70% tổng giá trị thị trường chăn nuôi. Mặc dù giá nguyên liệu TACN ổn định, sản lượng TACN nội địa tăng, thuế VAT 5% cũng đã được bãi bỏ, nhưng giá TACN trên thị trường vẫn luôn tăng, gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi Việt Nam.

 

Ngành chăn nuôi phụ thuộc nhập ngoại

 

Mặc dù ngành chăn nuôi có nhiều tiềm năng phát triển do nhu cầu tiêu dùng tăng, nhưng ngành này lại ngày càng phụ thuộc nhiều vào thị trường ngoại cả về giống, TACN và thuốc thu y.

 

Ngành chăn nuôi Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào thị trường nhập ngoại (Ảnh minh họa)
Ngành chăn nuôi Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào thị trường nhập ngoại (Ảnh minh họa)

 

Hiện nay, Việt Nam đang nhập khẩu tới 74% nguồn giống lợn, chủ yếu từ Mỹ, Thái Lan và Canada…Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), trong 8 tháng đầu năm 2014, Việt Nam chi khoảng 1,52 triệu USD cho nhập khẩu 1.686 con lợn giống, tăng 89% so với cùng kỳ năm 2013.

 

Trên 90% các giống gà ở Việt Nam là gà ngoại nhập, giống gà nội và gà nội lai chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng đàn trên cả nước, khoảng gần 7%. Theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, tính đến tháng 8/2014 Việt Nam nhập khẩu gần 1 triệu con gia cầm qua đường chính ngạch, giảm 24,8% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng gia cầm nhập khẩu tiểu ngạch qua biên giới với Trung Quốc là một vấn đề nhức nhối.

Bên cạnh đó, thị trường TACN ngày càng phụ thuộc vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khi các doanh nghiệp này chiếm phần lớn thị phần và có khả năng điều khiển thị trường, có thể gây tổng thiệt hại xã hội hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm theo tính toán.

 

Năm 2013, sản lượng TACN nhập khẩu trực tiếp là 13 triệu tấn tăng 0,4 triệu tấn so với năm 2012 và 6,8 triệu tấn so với năm 2006. Cũng trong năm 2013, Việt Nam đã chi hơn 3 tỷ USD để nhập khẩu TACN và nguyên liệu, tăng 25,32% so với năm 2012 và 41,64% so với năm 2010.

 

“Mặc dù cả nước có hơn 200 nhà máy sản xuất TACN nhưng các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có sản lượng nhỏ, dưới 50.000 tấn/năm. Trong khi đó, 15 doanh nghiệp FDI và liên doanh lại sở hữu tới 44 nhà máy sản xuất trên 7,15 triệu tấn thức ăn hỗn hợp quy đổi và chiếm tới 56,2% thị phần cả nước. Hiện các doanh nghiệp FDI đang thống lĩnh trong ngành công nghiệp TACN nội địa,” TS. Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn Miền Nam (SCAP) phát biểu tại Hội thảo "Cấu trúc ngành chăn nuôi và lợi ích của người chăn nuôi nhỏ ở Việt Nam" diễn ra sáng 18/11 tại Hà Nội.

 

Ngành chăn nuôi Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào thị trường nhập ngoại (Ảnh minh họa)
TS. Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn Miền Nam (SCAP) (Ảnh: T. Nguyên)

 

TS. Giáp cũng cho rằng đang có những dấu hiệu về sự độc quyền trong ngành công nghiệp TACN và đây là xu hướng gia tăng theo thời gian. Điều này bởi vì mặc dù giá nguyên liệu TACN ổn định, sản lượng TACN liên tục tăng nhưng giá TACN không giảm, thậm chí còn liên tục tăng trong thời gian vừa qua.

 

Không chỉ phụ thuộc nguồn giống và TACN nhập ngoại, ngành chăn nuôi nước ta còn phải nhập khẩu rất nhiều thuốc thú y và vắc xin từ nước ngoài.  Trong giai đoạn 2002 – 2013, giá trị nhập khẩu vắc xin dùng cho thú y tăng từ hơn 6 triệu USD lên gần 60 triệu USD, tăng gần gấp 10 lần.

 

Nông dân mất quyền…

 

Thị trường thuốc thú y có sự tham gia rất nhiều của các công ty tư nhân thông qua hoạt động tổ chức hội thảo, đào tạo tập huấn, bán thuốc thú y. Hiện có tới hơn 100 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn GMP được phép cung cấp sản phẩm ra thị trường. Trong khi đó, vai trò của hệ thống thú y công đang bị yếu thế. Người dân khi chữa bệnh cho gia súc gia cầm họ thử nhiều loại thuốc khác nhau theo hướng dẫn của nhân viên các cty bán thuốc nên chi phí chăn nuôi tăng.

 

TS. Giáp cho rằng hiện nay hệ thống giết mổ thịt ở Việt Nam cũng “có vấn đề” và dường như các thương lái đang cấu kết với nhau để cùng ép giá người chăn nuôi. Khâu giết mổ chiếm tới 40% giá trị gia tăng trong chuỗi thì người chăn nuôi nhận được 15% giá trị gia tăng.

 

Theo ông Lương Hồng Đoán, nông dân chăn nuôi từ tỉnh Đồng Nai, người sản xuất chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ đang đóng góp tới 60% sản phẩn cho thị trường. Tuy nhiên, họ đang gặp rất nhiều khó khăn dohiếu vốn thiếu kiến thức khoa học, thông tin về an toàn sinh học trong chăn nuôi, khi dịch bệnh xảy ra thì họ mất vốn, không tái đàn được và phải bỏ trang trại đi làm thuê…

 

“Người nông dân chúng tôi đang mất hai quyền cơ bản: Ở khâu đầu vào TACN thì nhà sản xuất và phân phối quyết định giá, khi bán sản phẩm thì thương lái quyết định,” ông Đoán cho biết.

 

Để nâng cao tính cạnh tranh của ngành, nâng cao giá trị sản phẩm và đảm bảo thu nhập cho người chăn nuôi nhỏ lẻ, Chính phủ cần có chính sách phát triển ngành chăn nuôi linh hoạt hơn, trú trọng hơn đến công tác kiểm soát sản phẩm nhập lậu, rà soát tính độc quyền trên thị trường và nâng cao tính cạnh tranh lành mạnh trong thị trường TACN. Việc siết chặt khâu kiểm soát vệ sinh môi trường chăn nuôi và xây dựng mạng lưới kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm cho hệ thống giết mổ và phân phối thịt là rất cần thiết.

Thảo Nguyên
Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *