Dòng chảy vốn 05/09/2014 06:02

Năng suất lao động của 15 người Việt mới bằng 1 người Singapore

FICA - Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB cho rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều từ Cộng đồng kinh tế Asean nhưng năng suất lao động đang ở mức thấp nhất

Lao động thiếu chuyên môn, chưa được đào tạo, các kỹ năng được trang bị không phù hợp với đòi hỏi của thị trường và nhiều lao động phải đào tạo lại… đây là một trong những lý do khiến năng suất lao động của ngời Việt Nam ở mức thấp nhất Châu Á, chỉ bằng 1/5 lao động Malaysia và 1/15 lao động Singapore.

 

 

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa đưa ra nhận định về thị trường lao động Việt Nam trong mối tương quan với lao động các quốc gia Asean trước thời điểm Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC) được xây dựng tại diễn đàn Chính sách và những tác động của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đến thị trường lao động Việt Nam tại Hà Nội sáng qua 3/9. Trong các chính sách chung của AEC sẽ được thành lập năm 2015, các nước cho phép di chuyển tự do lao động có trình độ trong 8 ngành như: y tế, kiến trúc, công nghệ và du lịch… giữa các nước ASEAN với nhau.

 

ILO cũng đưa ra các tính toán về năng suất lao động của người Việt Nam hiện đang ở mức thấp so với các nước ASEAN – 6 (các nước phát triển hơn trong ASEAN) và mức bét bảng so với các nước Châu Á – Thái Bình Dương. Năng suất lao động Việt Nam bằng 1/5 lao động Malaysia, 2/5 Thái Lan và 1/15 Singapore.

 

Theo các đánh giá về năng suất lao động Việt Nam thì tỷ lệ lao động lành nghề Việt Nam còn thấp so với số lao động được qua đào tạo nghề. Các lao động Việt Nam thiếu kỹ năng mềm để có thể sẵn sàng hội nhập như: giao tiếp công việc bằng 1 ngoại ngữ khác, khả năng làm việc nhóm, khả năng giao tiếp trong công việc với người nước ngoài.

 

Theo ILO hiện chỉ có khoảng 20% lao động Việt Nam được đào tạo chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp, còn 80% đều lao động phổ thông, lao động trình độ thấp. Báo cáo của ILO cũng chỉ ra có sự chênh lệch lớn trong phân bố lao động đào tạo chuyên môn giữa các vùng kinh tế, gây ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội và khả năng hội nhập. Trong khi Đồng Bằng Sông Hồng, Đông Nam Bộ có số lao động bậc cao, lao động chuyên môn tập trung đông thì Đồng bằng Sông Cửu Long lại là khu vực lao động thiếu kỹ năng nhất, trong 10 lao động chỉ có 1 người có kỹ năng chuyên môn.

 

Trong 200 doanh nghiệp hoạt động ngành du lịch được khảo sát, các lãnh đạo DN đều cho biết sinh viên tốt nghiệp các trường dạy nghề không đáp ứng được bất kỳ yêu cầu nào của họ. Các ngành nghề như Cơ khí chế tạo, vi tính và công nghệ nguồn sinh viên ra trường đều phải được chính DN đào tạo thêm, đào tạo lại về chuyên môn mới có khả năng đáp ứng được yêu cầu công việc.

 

TS Nguyễn Đức Thành, GĐ Trung Tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: “Lao động Việt Nam có lợi thế trẻ, nằm trong cơ cấu dân số vàng (tỷ lệ lao động 18 – 45 chiếm số lượng lớn) – đây là cơ cấu dân số mà nhiều nền kinh tế đang mơ ước. Tuy nhiên lao động Việt Nam thường bị chê rất nhiều về ngoại ngữ cùng các kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả; nhân sự cao cấp so với các nước trong khu vực thì chúng ta vẫn còn khoảng cách khá lớn và đang rất thiếu những nhà quản lý doanh nghiệp Việt tài giỏi đủ sức cạnh tranh tại các thị trường khu vực. Đội ngũ lao động được đào tạo nghề trong những năm qua phần lớn chỉ được chú trọng vào đào tạo chuyên môn cứng, khả năng làm việc độc lập trong khu hội nhập đang cần các kỹ năng toàn diện hơn”.

 

Theo các chuyên gia tại Diễn đàn, Sự gia nhập AEC sẽ bù trừ những mặt hạn chế nhưng đồng thời cũng phát huy sở trường của lao động các nước ASEAN. Việc di chuyển tự do lao động chuyên môn cao sẽ như “Nước chảy chỗ trũng” bù đắp thiếu hụt nhân lực cho các nền kinh tế. Nếu lao động Việt Nam không sớm khắc phục tình trạng năng suất kém, việc dạy và đào tạo các trường dạy nghề chưa theo sát trình độ phát triển của các nước tiên tiến trong khu vực, lao động Việt Nam rất khó để cạnh tranh trong sân chơi khu vực hóa lao động, gia tăng lợi thế của mình và nguy hiểm hơn đánh mất thị trường và cơ hội làm việc ngay tại quê nhà.

 

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *