Dòng chảy vốn 30/01/2014 07:59

Năm con ngựa 2014: Kết thúc tận thế

Báo cáo của ngân hàng đầu tư Normura Nhật Bản về tình hình kinh tế toàn cầu năm 2014, công bố vào tuần cuối của tháng 11.2013, có tựa đề đầy ấn tượng: Kết thúc tận thế (The end of the end of the world). Một báo cáo kinh tế không bất ngờ nhưng được thị trường háo hức trông đợi từ năm 2009.

 

2014: màu xám đang lùi xa, màu xanh và đỏ đang trở lại.

 

Kết thúc chu kỳ rủi ro vĩ mô toàn cầu?

 

Báo cáo phân tích này có thể được diễn đạt tóm gọn: cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, bắt đầu từ khủng hoảng tài chính ngân hàng của nền kinh tế Mỹ năm 2008, được xem là kết thúc vào năm 2014. Hoặc nói và hiểu một cách đơn giản: những hệ quả và những rủi ro vĩ mô mang tính hệ thống (marco-systemic risks) trên phương diện toàn cầu không còn là vấn đề hệ trọng hoặc là rào cản đối với những dự định hoặc kế hoạch đầu tư và phát triển của các công ty, các thị trường và rộng hơn là các nền kinh tế từng bị trì trệ trực tiếp hoặc gián tiếp từ cuộc khủng hoảng đó.

 

Nhận định tai qua nạn khỏi của ngân hàng đầu tư Normura không phải là một nhận định cá biệt. Các báo cáo của những ngân hàng đầu tư lớn khác như Morgan Stanley và Goldman Sachs của Mỹ cũng có những nhận định và đánh giá tương tự. Trong lãnh vực dự đoán kinh tế, có lẽ vì bệnh nghề nghiệp, các kinh tế gia thường ít khi đồng thuận; vậy mà giờ đây đang có đồng thuận rộng rãi về sự kết thúc cuộc tận thế 2008 – 2013. Màu xám đang lùi xa, màu xanh và đỏ đang trở lại.

 

Thế giới và nhiều nền kinh tế bên ngoài Việt Nam đã và đang tích cực chuẩn bị những tư thế và tâm thế cho một giai đoạn đầu tư và phát triển hậu khủng hoảng 2014 – 2020 và xa hơn nữa. Đặc biệt khu vực ASEAN vẫn đi lên, vẫn cạnh tranh, vẫn sáng tạo, vẫn phát minh, vẫn tích luỹ, vẫn không chờ và chẳng ai đợi ai. Một thế giới sống động – luôn chào đón những thay đổi và chấp nhận những thay đổi tích cực.

 

Kinh tế Việt Nam bị luẩn quẩn?

 

Từ báo cáo phân tích tình hình kinh tế toàn cầu năm 2014 của ngân hàng đầu tư Normura, không thể không đặt ra một loạt vấn đề, không quá khó để thấy những vòng tròn trì trệ kinh tế kéo dài suốt sáu năm qua (2008 – 2013) của Việt Nam.

 

Ngày 7.3.2013, uỷ ban Kinh tế của Quốc hội công bố một báo cáo đánh giá về triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2013 – 2015, trong phần xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đã nhận định kinh tế Việt Nam có nguy cơ rơi vào vòng luẩn quẩn. Một khuyến cáo nghiêm túc. Tuy nhiên, nếu hiểu theo ngôn từ của chính trị – ngoại giao thì uỷ ban Kinh tế đã cho rằng nền kinh tế đang ở trong vòng luẩn quẩn chứ không còn là nguy cơ.

 

Bên trong nội tại là một “nền kinh tế luẩn quẩn” đang và sẽ phải đối diện với bên ngoài thế giới là những phát triển “kết thúc tận thế”. Bởi thế chúng ta không thể không nghĩ đến những yếu tố bất lợi về nguy cơ tự tụt lùi, bị bỏ lại phía sau và sự đánh mất những cơ hội phát triển chung với thế giới sẽ trở nên trầm trọng hơn.

Cũng hướng đó, báo cáo tháng 7.2013 của ngân hàng HSBC về tình hình kinh tế Việt Nam đề cập đến những cải cách cần thiết để giải quyết những vướng mắc lớn trong nền kinh tế. HSBC thẳng thắn nhận định rằng những hành động vĩ mô mà Việt Nam thực hiện hoặc không thực hiện trong năm 2013 có thể cho thấy nền kinh tế Việt Nam, trong thập niên kế tiếp, còn luẩn quẩn hay không.

 

Với hai nhận định “nền kinh tế bị luẩn quẩn” của hai báo cáo tiêu biểu đó cho thấy một bức tranh kinh tế với nhiều màu xám và không sống động như những con số nóng bỏng tròn trịa từ những chính khách và nhiều chuyên gia không xa lạ với nền kinh tế này. Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, các chuyên gia của ngân hàng HSBC, kể cả hàng triệu người lao động lương thiện không có việc làm từ nhiều năm qua cũng không nhầm về sự luẩn quẩn. Thật vậy, nhìn lại sáu năm đã qua và nhìn về sáu năm phía trước – kinh tế Việt Nam vẫn chưa chịu lớn… cũng vì luẩn quẩn.

 

Kết thúc nền kinh tế luẩn quẩn

 

Bên trong nội tại là một “nền kinh tế luẩn quẩn” đang và sẽ phải đối diện với bên ngoài thế giới là những phát triển “kết thúc tận thế”. Bởi thế chúng ta không thể không nghĩ đến những yếu tố bất lợi về nguy cơ tự tụt lùi, bị bỏ lại phía sau và sự đánh mất những cơ hội phát triển chung với thế giới sẽ trở nên trầm trọng hơn. Năm 2014 là một khúc quanh ngặt nghèo nhưng cũng là hồi chuông cảnh tỉnh tối hậu cho nền kinh tế đang bị luẩn quẩn.

 

Kinh tế – xã hội Việt Nam của năm con ngựa 2014 và thập niên kế tiếp sẽ là gì và sẽ đến nơi chốn nào?

 

Thiết nghĩ, để có một đáp án hoặc dự báo đàng hoàng về viễn cảnh kinh tế – xã hội Việt Nam, trước hết không thể không tìm đến câu hỏi đại tự sự (master narrative) và chính câu hỏi này cũng là chìa khoá của vấn đề sẽ là gì và khi nào, hoàn cảnh nào nền kinh tế này sẽ tự mình kết thúc luẩn quẩn?

 

Cái luẩn quẩn này là đại tự sự rất riêng của những nơi chốn quản lý điều hành vĩ mô về chính trị và kinh tế, nhưng hiện nay đã trở thành cái đại tự sự chung của xã hội và của tất cả công dân bình thường và lương thiện. Chính vì vậy, họ phải được quyền biểu quyết và phán quyết: chấm dứt cái luẩn quẩn này.

 

Kết thúc (thoát ly) cái luẩn quẩn đang bị bu bám và được ôm ấp trong hệ thống phải là tiền đề ắt có, là sách lược sống còn, là mệnh lệnh lương tâm, là hành động dứt khoát mà con ngựa kinh tế 2014 phải chịu trách nhiệm thực hiện.

 

Năm con ngựa 2014, theo cách tính 12 con giáp, tôi chạm đến điểm mốc của cái vòng luẩn quẩn đời người – Giáp Ngọ. Tự nhủ, con ngựa 1954 này đang và sẽ phải chấm dứt cái đại tự sự luẩn quẩn riêng tư – hẳn nhiên, trong đó có cái đại sự kinh tế luẩn quẩn của Việt Nam.

 

Theo Lê Trọng Nhi

SGTT

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *