Dòng chảy vốn 31/12/2014 14:15

Năm 2015, dự kiến Việt Nam nhập siêu 6 - 8 tỷ USD

FICA - Bộ Công Thương khẳng định, năm 2015 Việt Nam có thể phải nhập siêu trở lại và sẽ nhập siêu 1 cách chủ động

Năm 2014, Việt Nam đạt thành tích xuất siêu năm thứ 3 liên tiếp, đạt 1,98 tỷ USD, tăng trưởng xuất khẩu cao và xuất siêu lớn vào các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU và Trung Đông.

 

 

Tuy nhiên, dự báo năm 2015, Bộ Công Thương khẳng định, Việt Nam có thể sẽ nhập siêu từ 6 - 8 tỷ USD (giữ ở dưới 5% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2014 (165 tỷ USD).

 

Đồng thời, Bộ Công Thương cho biết, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm 2015 cũng sẽ giảm, chỉ đạt 10%, so với năm 2014, theo đó tăng trưởng xuất khẩu năm 2015 không đạt mức tăng trưởng xuất khẩu trung bình 3 năm trở lại đây 2011 – 2014, đạt 16%/năm.

 

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Huy Hoàng: “Trong ba năm trở lại đây, Việt Nam đã đạt thành tích xuất khẩu rất ấn tượng. Từ con số xuất khẩu 100 tỷ USD (2011), sau 3 năm, xuất khẩu của Việt Nam đã đạt 150 tỷ USD (2014). Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt từ 16% và đạt được thành tích xuất siêu vào các thị trường trọng điểm, có lợi thế như: Hoa Kỳ, EU – đây là những thị trường có giá trị cao, khó tính và là sân chơi mà rất nhiều nhà xuất khẩu các nước xuất khẩu hướng đến”.

 

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng khẳng định, từ năm 2015 tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm dần. Năm 2015, đặt mục tiêu xuất khẩu của Việt Nam khoảng 165 tỷ USD, tăng 15 tỷ USD về kim ngạch so với năm 2014 và tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 10%. Nhập khẩu đặt mục tiêu giữ mức 171 tỷ USD, tăng 23 tỷ USD giá trị kim ngạch so với năm 2014 và tăng trưởng đạt 15,6% so với năm 2015. Như vậy, kế hoạch năm 2015 Việt Nam sẽ nhập siêu 6 – 8 tỷ USD, dưới 5% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2014.

 

Tăng trưởng nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu là điều khá lạ bởi năm 2015, nhiều thị trường sẽ mới sẽ dự kiến mở cửa cho hàng hóa của Việt Nam, trong đó lớn nhất là triển vọng Hiệp định thương mại tự do (FTA)  giữa Việt Nam và 28 đối tác lớn của Liên minh Châu Âu (EU), FTA Việt Nam – Hàn Quốc, FTA Việt Nam - với 3 nước nằm trong Liên minh thuế quan Nga – Belarus và Kazhactan… Những hiệp định này sẽ gỡ bỏ gần như 90% thuế quan đối với hàng Việt Nam vào thị trường này, đồng nghĩa hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường này sẽ tăng cả về lượng và giá trị.

 

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: “Mở cửa có hai mặt và sẽ làm gia tăng nhập khẩu. Song nhập khẩu, nhập siêu năm 2015 sẽ ở thế chủ động, nó khác so với nhập siêu của Việt Nam từ những năm 2010 trở về trước. Năm 2010, nhập siêu của Việt Nam là 12,4 tỷ USD, chiếm khoảng 17% tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm”.

 

Theo Thứ trưởng Hải, sắp tới Việt Nam nhập siêu chọn lọc theo thị trường và sản phẩm. Trước kia nhập siêu phần lớn máy móc Trung Quốc, năm 2015 và những năm tiếp theo định hướng của Bộ ngành và những nhà làm chính sách hướng đến doanh nghiệp nhập máy móc của các nước ASEAN, Hàn Quốc, EU hoặc Mỹ vì chất lượng tốt hơn và giá cũng rẻ dần sau khi Việt Nam ký kết các hiệp định FTA và TPP với các đối tác trên.

 

Bên cạnh đó, năm 2015 Việt Nam sẽ thực hiện mở của thị trường rộng nhất theo các cam kết hội nhập của WTO, FTA của các nước ASEAN với các nước đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Niu di lân rồi đến các hiệp định FTA thế hệ mới như Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), FTA Việt Nam – EU và nahats là Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên thái bình dương (TPP). Các rào cản thuế quan và bảo trợ sẽ được dỡ bỏ lớn và hàng hóa nước ngoài sẽ vào Việt Nam nhiều hơn, nhập khẩu sẽ gia tăng từ đây.

 

Theo Thứ trưởng Hải, kế hoạch nhập siêu năm 2015 là đã được chủ động tính toán và báo cáo Quốc hội thông qua kỳ họp vừa qua.

 

Những nguyên nhân chủ quan khiến Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu chậm hơn nhập khẩu và xuất siêu được chỉ rõ là: những khó khăn của thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, Eu vẫn còn rất lớn, do tình hình kinh tế các nước khu vực này không ổn định. Người EU vẫn thắt chặt chi tiêu và hạn chế tiêu dùng, trong khi đó kinh tế Mỹ mới bắt đầu hồi phục và chưa sẵn sàng cho tăng trưởng cao. Bên cạnh đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc lớn vào các DN vốn đầu tư nước ngoài FDI, trong năm 2014 rất nhiều doanh nghiệp đã sản xuất và mở rộng hết công suất dự kiến và khai thác triệt để các thị trường nên từ năm 2015 sẽ rất khó có thể tạo tăng trưởng xuất khẩu đột biến.

 

Bên cạnh đó, vốn FDI vào Việt Nam được nhìn nhận sẽ có chu kỳ mới dưới lực cộng hưởng từ các Hiệp định FTA của Việt Nam và chính sách mở cửa rộng lớn của Việt Nam từ trước đến nay. Chính vì vậy nên các doanh nghiệp sẽ tăng cường nhập khẩu để mở rộng nhà máy, kinh doanh và triển khai các kế hoạch đầu tư. Đây là nguyên nhân sẽ làm gia tăng nhập khẩu, tăng nhập siêu của Việt Nam năm tới. Ví dụ rõ nhất năm 2014, khi Samsung Hàn Quốc đổ vốn vào Việt Nam mạnh mẽ thì nhập siêu của Việt Nam với thị trường Hàn Quốc cũng tăng kỷ lục.

 

Ngoài ra, Bộ Công Thương cho biết, năm tới, trong kế hoạch Việt Nam sẽ tăng cường nhập khẩu than cho nhiệt điện, giảm xuất khẩu dầu thô do giá dầu giảm xuống thấp liên tục. Nguồn cung của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản, gỗ, nông sản (cà phê, hạt tiêu, điều, hoa quả…) đã khai thác triệt để và đạt ngưỡng tăng trưởng bền vững nên khó có thể tăng trưởng đột phá về lượng để tạo giá trị kim ngạch cao. Thời điểm này, các ngành cần chú trọng hơn vào chế biến sâu, tăng hàm lượng giá trị để đón đầu xu hướng tăng trưởng xuất khẩu mới, tăng trưởng xuất khẩu bằng chất lượng, giá trị, thương hiệu đồng thời thâm nhập tốt hơn vào các thị trường khó tính nhưng lợi nhuận cao như EU.

 

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *