Dòng chảy vốn 21/03/2015 06:50

Mở cửa càng nhanh, Việt Nam càng lợi!

FICA - Chưa bao giờ trong một thời gian ngắn chúng ta tham gia các hiệp đinh thương mại tự do song phương (FTA) nhiều và mở cửa rộng như hiện nay. Nhưng hội nhập, mở cửa sẽ là quy luật tất yếu của toàn cầu hóa kinh tế mà Việt Nam không nằm ngoài guồng máy.

Càng hội nhập nhanh, nhiều và mở cửa rộng, nền kinh tế Việt Nam càng hưởng lợi, càng đẩy mạnh được cải cách và khắc phục những điểm yếu cố hữu của mình.Tại buổi Tọa đàm về Tham gia các FTA - Doanh nghiệp được lợi gì? được Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức ngày 20/3, nhiều chuyên gia, học giả đã giải đáp những băn khoăn về quá trình hội nhập của Việt Nam trong thời gian tới.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Việt Nam đang là nước có quá trình hội nhập sâu và rộng nhất thế giới. Tính đến hết năm 2014, Việt Nam đã ký và tham gia 8 hiệp định FTA, trong đó có 6 Hiệp định qua ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Ấn độ, Hàn Quốc, hai hiệp định riêng rẽ của Việt Nam với EU và Chi lê.

 

Chúng ta tập trung 7/8 hiệp định ở khu vực Đông Á và tuyệt đại đa số là trong khuôn khổ ASEAN, các đối tác lớn như Hoa Kỳ, Nga chúng ta chưa có FTA, chính vì vậy sắp tới Việt Nam sẽ tiến hành đàm phán 7 Hiệp định tự do nữa.

 

Hiệp định lớn mà chúng ta biết đó là Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) chúng ta đang đàm phán với Hoa Kỳ và 10 đối tác nữa. Hiệp định FTA giữa Việt Nam với EU, Liên minh Hải Quan Nga – Belarus và Kazhactan và Hiệp định FTA Việt Nam với Hàn Quốc, Hiệp định tự do giữa Việt Nam và các nước Bắc Âu (Thụy Sỹ, Nauy)… Bên cạnh đó, chúng ta còn kết hợp với ASEAN đàm phán hiệp định đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP (hay còn được gọi là ASEAN +6) và Hiệp định cuối cùng là ASEAN - Hồng Kông.

 

Trong các Hiệp định nêu trên, Việt Nam đã đàm phán thành công FTA với Hàn Quốc năm 2014, chỉ chờ rà soát kỹ thuật. Một hiệp định nữa với Liên minh Châu Âu (EU), cơ bản là xong, cuối năm 2014, Chính phủ đã thống nhất các điều kiện ký kết cơ bản với phía EU và sớm hoàn tất vào cuối năm 2015.

 

Nhận định về quá trình hội nhập trong thời gian qua, dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu kinh tế, PGS TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, phải nói rằng tiến trình được đẩy lên rất nhanh, chưa bao giờ trong thời gian ngắn mà Việt Nam ký và đàm phám  FTA nhiều đến vậy. Chúng ta nên nhớ một điều rằng là trong giai đoạn chúng ta đàm phán 8 FTA, sắp thì nền kinh tế của Việt Nam sau khi gia nhập WTO cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng chúng ta đã nỗ lực rất lớn, đang khó khăn vậy mà chúng ta vẫn quyết tâm tham gia, ai đề nghị “chơi” là Việt Nam “chơi”. Các FTA của chúng ta đã và đang đàm phán đều là FTA thế hệ mới với ưu đãi và cam kết mở cửa rất cao, trong đó có TPP, hiệp định mẫu mực của thế kỷ 21 của 12 nền kinh tế.

 

“Hội nhập đang mở bung cánh cửa cho Việt Nam có nhiều lợi thế song hành cùng các thách thức lớn ghê gớm. Chúng ta tham gia các FTA với toàn những nước lớn, nơi có trình độ phát triển kinh tế đẳng cấp cực cao như 11 nước còn lại của TPP như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Pháp, Hà Lan, Singapore… Tuy nhiên, đi với họ, chúng ta mới học được họ và cải thiện được chính mình”, PGS Thiên nói.

 

Tuy nhiên, PGS Thiên cũng khẳng định, mặc dù có nhiều lợi ích nhưng do tồn tại cố hữu của thể chế yếu kém và năng lực cạnh tranh nền kinh tế, doanh nghiệp và mỗi người dân rất yếu nên Việt Nam sẽ phải cố gắng hơn rất nhiều để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức. Bên cạnh đó, giữa chủ trương hội nhập và thực tế hội nhập, hiệu quả hội nhập của cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn khoảng cách. Chúng tôi lưu ý là, giữa đàm phán và việc chuẩn bị các khâu hội nhập thực sự từ phía doanh nghiệp, ngoài dân là hoàn toàn khác nhau. Chúng ta đã và đang hoàn tất rất tốt đàm phán còn đằng sau đó, chuẩn bị và thực thi những đàm phán ấy như thế nào là phần quan trọng mà không thể không quan tâm tới.

 

Chuyện lao vào mở cửa, hội nhập và đối mặt với thách thức là lúc nào cũng có, nước nào cũng phải trải qua. Chúng ta đã qua WTO rồi, có nhiều điểm yếu chúng ta đã cải tổ rồi nhưng “tàn dư” của vẫn chưa hết nên sắp tới chúng ta tiếp tục tham gia vào các FTA để giải quyết triệt để những vấn đề còn lại như điểm nghẽn cải cách thể chế, năng lực cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp và hội nhập của từng cá nhân vào thế giới. Cơ hội và thách thức luôn là một sự lựa chọn để cải cách chính mình. Chính vì vậy, từ khi Việt Nam tham gia WTO, chúng tôi chưa thấy có con số thống kê doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động vì mở cửa cả.

 

Còn theo ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex): Người làm kinh doanh luôn nghĩ không có rủi ro thì không có lợi nhuận. Đối với chúng tôi quan tâm đến ở góc độ có mở cửa thị trường hay không? một quốc gia như Việt Nam phụ thuộc cánh cửa xuất khẩu thì mở cửa là rất quan trọng, tôi cho rằng sau khoảng thời gian trở thành WTO thì động lực tăng trưởng mới, tạo việc làm mới, thị trường mới là không còn nhiều, chính các FTA mới sẽ tạo cho chúng ta những tăng trưởng mới, thị trường và việc làm mới.

 

Đối với góc độ doanh nghiệp, hội nhập là cơ hội mới để DN lao vào trong cạnh tranh, lao vào trong kinh doanh. Nếu chúng ta không lao vào, thì chúng ta sẽ gặp những khó khăn trong thời gian tới. Còn lại, với Vinatex có hàng nghìn doanh nghiệp khác nhau, không phải ai cũng thành công khi hội nhập, cuộc chơi này không phải là cuộc thắng cho tất cả mọi người và nó là quy luật của thị trường, anh sẽ thắng nếu anh biết đối phó tốt với thách thức và tận dụng cơ hội, còn không thì ngược lại. Nó quy luật giúp doanh nghiệp để DN Việt Nam sống tốt hơn thay vì đóng cửa để cùng sống ở 1 thể trạng chỉ là tồn tại.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *