Dòng chảy vốn 06/12/2014 09:20

Lương tháng của lao động Việt Nam bằng 1/18 người Singapore

FICA - Lương mỗi tháng bình quân của lao động Việt Nam chỉ là 197 USD/người (4,1 triệu đồng), trong khi lương của lao động Singapore là 3694 USD (77.5 triệu đồng). Lương lao động Việt Nam bằng 1/18 người Singapore và thấp hơn nhiều so với các nước (lãnh thổ) trong khu vực.

Báo cáo tiền lương Thế giới và khu vực Châu Á năm 2014/2015 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết lương của người lao động ở Việt nam ở mức thấp hơn rất nhiều so với các nền kinh tế phát triển, thua kém ngay cả nhiều quốc gia láng giềng trong khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và lãnh thổ Đài Loan.

 

Ngày 5/12, ILO đưa ra báo cáo về tăng trưởng tiền lương trên toàn thế giới vào năm 2013 đã giảm xuống mức 2%, so với mức 2,2% của năm 2012 và hiện vẫn chưa bắt kịp với mức tăng trưởng 3% trước khủng hoảng năm 2008. Tốc độ tăng trưởng khiêm tốn này chủ yếu có được nhờ các nền kinh tế G20 mới nổi, khu vực có mức tăng lương đạt 6,7% năm 2012 và 5,9% năm 2013. Ngược lại, ở các nền kinh tế phát triển, tốc độ tăng lương trung bình dao động ở mức 1% mỗi năm từ 2006 và rồi giảm dần xuống chỉ còn 0,1% năm 2012 và 0,2% năm 2013.

 

Với Việt Nam, ILO đưa ra nhận định, trong vòng hai năm trở lại đây, mặc dù đạt được chuyển biến chung tích cực, nhưng tiền lương ở Việt nam vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn rất nhiều so với mức lương ở các nền kinh tế phát triển và thua kém ngay cả nhiều quốc gia láng giềng.

 

Năm 2013, lương một tháng trung bình của lao động Việt Nam (197 USD tương đương 4,1 triệu đồng) chỉ cao hơn so với Campuchia (121 USD) và Indonesia (183 USD), Đông Ti Mo (174USD). Trong khi đó, mức lương này chỉ bằng khoảng một nửa so với Thái Lan (391 USD), chưa bằng 1/3 của Malaysia (651 USD) và chỉ bằng khoảng 1/18 của Singapore (3.694 USD). Với các nước Đông Bắc Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, tiền lương tháng của lao động Việt Nam thấp hơn rất nhiều.

 

Lương tháng bình quân của các nước Khu vực Châu Á - Thái Bình dương có sự chênh lệch lớn (Theo Báo cáo của Tổ chức Lao động Thế giới - ILO)

 

Theo Điều tra Lao động Việc làm 2013, ngành đạt mức lương cao nhất là “hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm” với mức lương tháng trung bình là 7,23 triệu đồng. Các ngành hoạt động chuyên môn, khoa học, công nghệ là 6,53 triệu đồng và “hoạt động kinh doanh bất động sản” 6,4 triệu đồng. Trong khi đó “hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình” có mức lương tháng thấp nhất, ở mức 2,35 triệu đồng, tiếp đến là nhóm ngành “nông, lâm, thủy sản” với mức lương trung bình 2,63 triệu đồng.

 

Báo cáo của ILO chỉ ra, tiền lương đang là nguồn thu nhập chính của các hộ gia đình tại các quốc gia phát triển,mới nổi và đang phát triển, đặc biệt là trong nhóm các gia đình trung lưu. Trong khi đó, 10% số hộ gia đình có thu nhập cao nhất và 10% số hộ thu nhập thấp nhất lại phụ thuộc nhiều hơn vào các nguồn thu nhập khác. Ở các nền kinh tế phát triển, tiền lương thường chiếm khoảng 70 đến 80% thu nhập của các hộ gia đình có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động.

 

ILO chỉ ra, tiền lương chiếm khoảng 50% đến 60% thu nhập hộ gia đình ở Mexico, LB Nga, Argentina, Brazil và Chile và khoảng 40% ở Peru, hoặc 30% ở Việt Nam.

 

ILO cũng nhận định, sự bất bình đẳng ngày càng tăng trong thị trường lao động sẽ đặt một gánh nặng về những nỗ lực để giảm bất bình đẳng thông qua thuế và chuyển giao khoa học công nghệ. Báo cáo của ILO đặc biệt nhấn mạnh các quốc gia cần có chính sách hành động kết hợp cùng lúc để cải thiện đời sống người dân như: tăng tiền lương tối thiểu, tăng cường thương lượng, can thiệp để loại bỏ khoảng cách lương, thúc đẩy việc thanh toán và phân phối lại thông qua thuế và chuyển giao…

 

Theo ILO, dù lao động làm công ăn lương tại Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 34,8% tổng lao động có việc làm, trong khi đó mức lao động làm công ăn lương của thế giới trung bình trên 50% của thế giới. Theo ILO, sắp tới tỷ lệ làm công ăn lương của lao động Việt Nam sẽ tăng cao do đầu tư và đô thị hóa, công nghiệp hóa tăng trưởng mạnh mẽ.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *