Dòng chảy vốn 13/02/2014 06:53

Lãnh đạo cũng nằm trong diện bị tinh giản biên chế

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, số liệu 100.000 công chức cần tinh giảm biên chế chỉ là con số dự báo ban đầu, tạm thời ước tính của chuyên viên soạn thảo, đó cũng không phải là mục tiêu của tinh giản biên chế.

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng dư luận vẫn có ý kiến cho rằng trong khi số người cần giảm vẫn chưa thực sự giảm được thì tổng biên chế cán bộ, công chức từ cấp huyện đến cấp trung ương giai đoạn này lại tăng thêm 42.100 người. Ra bao nhiêu, vào bấy nhiêu và tiền của vẫn bị tiêu một cách lãng phí.

Lần này, vấn đề tinh giản biên chế lại được đặt ra cho giai đoạn 2014-2020 với mục tiêu tinh giản 100.000 cán bộ, công chức, viên chức, đi kèm với đó là số kinh phí lên tới 8.000 tỷ đồng.

Thực hiện chính sách tinh giản biên chế có tiếp tục mắc phải những tồn tại trước đây, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn để làm rõ hơn vấn đề này.

- Thưa ông, đối với vấn đề tinh giản biên chế, trước đây, chúng ta đã có Nghị định 132, cho đến khi Nghị định này hết hiệu lực vào năm 2012, nhưng như Thứ trưởng đã thấy, không những chúng ta không tinh giản được mà biên chế trong bộ máy nhà nước còn phình lên và đáng lo ngại hơn là tình trạng công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp về" vẫn không hề ít đi. Vậy dự thảo Nghị định mới liệu có khả năng “cáng đáng” nhiệm vụ này?


Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Tôi muốn nhắc và khẳng định lại rằng tinh giản biên chế trước đây, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện và bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định.

Sự thật là chúng ta cũng đã tinh giản, đưa ra khỏi công vụ những người không đáp ứng được yêu cầu công việc, hoặc sức khỏe yếu...

Mặt khác, nói biên chế “phình lên” cũng không chính xác. Bởi đó là biên chế bổ sung, giao cho các tổ chức mới thành lập hoặc để thực hiện các nhiệm vụ mới.

Chúng ta đều biết, cùng với sự phát triển của đất nước, đã xuất hiện thêm các lĩnh vực mà nhà nước cần và có trách nhiệm tăng cường quản lý, cần quản lý như môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, dược phẩm, bảo vệ và phát triển rừng, năng lượng, tài nguyên nước...

Để có người làm việc, nhà nước đương nhiên phải bổ sung biên chế cho các cơ quan, tổ chức mới được thành lập theo nhu cầu thực tiễn quản lý. Vì thế, quá trình tinh giản biên chế mà vẫn có bổ sung biên chế là một chuyện bình thường của tiến trình phát triển.

Đó là điều dễ hiểu vì sao vẫn có số biên chế tăng thêm trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế.

Thực tế hiện nay có một bộ phận cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức không đáp ứng được yêu cầu thực thi nhiệm vụ, yếu kém về phẩm chất, trình độ, năng lực. Dư luận cũng có nhận xét như vậy và còn cho rằng có một tỷ lệ cán bộ, công chức không làm việc.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập về trình độ, về trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, hiệu quả hoạt động công vụ... của một bộ phận cán bộ, công chức, cần phải thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp tinh giản biên chế.

Đó chính là lý do để xây dựng dự thảo Nghị định tinh giản biên chế. Nội dung này cũng đã được xác định tại Quyết định số 1557/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/10/2012 về tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức.

Khác với những lần tiến hành tinh giản biên chế trước đây chỉ đơn thuần là giảm cơ học và đưa ra chỉ tiêu tinh giản để phấn đấu.

Lần này, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu của tinh giản biên chế là nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, bảo đảm tính chuyên nghiệp của hoạt động công vụ.

Mục tiêu này cũng chính là thực hiện Kết luận số 63-KL/TƯ ngày 27/5/2013 của Hội nghị Trung ương 7 Khóa XI về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020: đưa ra khỏi biên chế những trường hợp năng lực, phẩm chất, sức khỏe yếu; hiệu quả, chất lượng công tác không đạt yêu cầu, để thay thế bằng những người có đủ phẩm chất và năng lực.

Vì vậy, dự thảo Nghị định này muốn đạt được mục tiêu đặt ra sẽ phải phối hợp đồng bộ với các giải pháp khác, gắn với cải cách chế độ công vụ, công chức. Đặc biệt, là phải thống nhất nhận thức, đề cao trách nhiệm và sự quyết đoán của người đứng đầu cơ quan, tổ chức; sự vào cuộc của các cơ quan, tổ chức trong cả hệ thống chính trị.

- Cơ sở nào để Bộ Nội vụ đưa ra con số 100.000 tức khoảng 3,3% công chức, viên chức cần tinh giản biên chế trong khi Bộ cho rằng “chỉ khoảng 1% cán bộ, công chức không làm được việc," thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Số liệu 100.000 công chức chỉ là con số dự báo ban đầu, tạm thời ước tính của chuyên viên soạn thảo, đó cũng không phải là mục tiêu của tinh giản biên chế.

Chúng ta không nên quá quan tâm phải đưa bao nhiêu người ra khỏi công vụ mà cần quan tâm làm thế nào để đưa được những người không làm việc, những người “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” và những người không đáp ứng yêu cầu công việc ra khỏi công vụ.

Làm thế nào để thay vào đó bằng những người có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, trách nhiệm, tận tâm, tận tụy phục vụ nhân dân. Đó chính là thực hiện được mục tiêu của tinh giản biên chế lần này: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

- Tinh giản biên chế 100.000 người không có nghĩa số lượng biên chế sẽ giảm đi, nhiều ý kiến vẫn đang lo ngại xác định vị trí việc làm sẽ “phình” biên chế, Thứ trưởng nghĩ gì về điều này?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Hiện nay, thực hiện Quyết định số 1557/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đang tiến hành nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức. Trong đó, có nội dung xây dựng danh mục các vị trí việc làm.

Mỗi vị trí việc làm sẽ có một bản mô tả công việc và một khung năng lực mà công chức cần có để thực hiện tốt nhiệm vụ. Đó là cơ sở, là căn cứ để xác định biên chế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Điều này cũng chính là thực hiện theo các quy định của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức nhằm đoạn tuyệt với cơ chế “xin-cho," khắc phục những hạn chế trong quản lý biên chế của giai đoạn trước đây.

Chính phủ và Bộ Nội vụ đã có các văn bản để quy định và hướng dẫn phương pháp xác định vị trí việc làm. Vị trí việc làm được xây dựng cụ thể, rõ ràng sẽ là căn cứ để xác định số biên chế phù hợp để từng cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vị trí việc làm được xác định sẽ góp phần loại bỏ việc “phình” biên chế.

- Dự thảo Nghị định đề cập đến việc tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức, theo cách hiểu thông thường, sẽ gồm cả người lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Vậy thực hiện tinh giản đối với họ như thế nào, khi mà chính Thứ trưởng từng nói, đánh giá công chức theo nguyên tắc cấp trên đánh giá cấp dưới, vậy ai đánh giá công chức lãnh đạo thuộc diện phải tinh giản?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Cán bộ, công chức, viên chức ở các vị trí lãnh đạo, quản lý cũng thuộc đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Do đó, khi tinh giản biên chế thì không có vùng cấm nào cả. Muốn tinh giản biên chế đạt kết quả, công tác đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức phải đúng, khách quan, công bằng.

Trong các cơ quan hành chính, chính cấp trên là người giao việc cho cấp dưới và kiểm tra, đánh giá được kết quả làm việc. Kết quả làm việc về tiến độ, chất lượng tốt hay chưa tốt, tinh thần tận tụy, ý thức trách nhiệm và quan hệ công tác như thế nào, người lãnh đạo, quản lý trực tiếp là biết rõ nhất.

Do đó, cấp trên đánh giá cấp dưới, người giao việc đánh giá người thực hiện là một vấn đề quan trọng liên quan đến thẩm quyền đánh giá.

Đồng nghiệp chỉ tham gia đóng góp ý kiến để người có thẩm quyền tham khảo, không nên cho mọi người bỏ phiếu đánh giá vì những đồng nghiệp không phải là người giao việc và nhận kết quả thực hiện.

Đối với công chức lãnh đạo, quản lý trong hệ thống tổ chức các cơ quan hành chính nhà nước, người đứng đầu sẽ do cấp trên trực tiếp phụ trách đánh giá. Ví dụ như trưởng phòng sẽ do vụ trưởng đánh giá, vụ trưởng sẽ do bộ trưởng đánh giá, giám đốc sở sẽ do chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh đánh giá.

- Làm việc tốt, nhưng không được lòng lãnh đạo, bị trù úm, liệu có rơi vào số tinh giản biên chế, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Trong thời đại ngày nay, nhà lãnh đạo, quản lý nào cũng mong có được những người làm việc tốt, cho dù có thể cá tính không hợp nhau. Việc đánh giá đều đã được pháp luật quy định, có căn cứ, nội dung và tiêu chí cụ thể.

Đặc biệt là kết quả thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, nếu người được giao thẩm quyền đánh giá không công tâm, vô tư, khách quan, nghĩa là có yếu tố yêu, ghét, thiên vị, tư thù sẽ bị mất uy tín, tự kết luận mình yếu về phẩm chất, năng lực quản lý và phải bị xử lý về trách nhiệm nếu kết quả đánh giá thiếu trung thực, thiếu công bằng, khách quan.

- Có ý kiến cho rằng Nghị định sẽ tạo “cơ chế” cho chạy biên chế, chạy để không bị tinh giản và không “sờ” được đến “con cha, cháu ông," Thứ trưởng thấy thế nào?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Đấy cũng là một ý kiến, tuy nhiên đó chỉ là ý kiến “cho rằng” mà không phải là ý kiến khẳng định.

Triển khai và thực hiện chính sách nào cũng dễ xảy ra các mặt trái, tiêu cực. Vì vậy, nếu cứ “cho rằng” hoặc lo lắng về các tiêu cực có thể xảy ra, chúng ta sẽ không làm được gì cả.

Vấn đề là phải hành động với tinh thần trách nhiệm cao. Cần có các biện pháp để phòng ngừa các tiêu cực dễ xảy ra. Trách nhiệm thực hiện đặt lên vai người đứng đầu, nhưng bên cạnh đó còn có sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự tham gia của các đoàn thể quần chúng.

Để xác định các trường hợp đưa vào diện tinh giản biên chế, phải thực hiện việc rà soát, đánh giá, phân loại. Mặc dù thẩm quyền giao cho người đứng đầu, nhưng với cơ chế và pháp luật hiện nay, rất khó có thể lồng cá nhân, trù dập, bè phái hoặc là nể nang, e ngại không dám làm.

Nếu tiêu chuẩn, điều kiện, phân loại đã rõ ràng, người đứng đầu không dám làm hoặc làm sai thì bản thân người đó sẽ mất uy tín, bị đánh giá lại và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Đã đến lúc các nhà quản lý, các nhà lãnh đạo nhận thức rõ đội ngũ thuộc quyền quản lý của mình phải là những người làm việc tốt, trung thành, tận tụy và có trách nhiệm với công việc được giao.

- Theo dự thảo về chính sách đối với người về hưu trước tuổi và thôi việc, Thứ trưởng có nghĩ sẽ tạo ra “làn sóng” nghỉ hưu trước từ 2-5 năm tuổi để hưởng tiền trợ cấp, làm thêm bên ngoài và thế vào chỗ của họ là con, cháu họ, lợi cả đôi đường không?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn:
Không thể có “làn sóng” nghỉ hưu trước tuổi, nếu chúng ta làm được ba điều này: Thứ nhất, các cơ quan, tổ chức làm đúng các quy định của nhà nước về tinh giản biên chế, xác định rõ người có điều kiện thuộc diện tinh giản biên chế; thứ hai, tiếp tục tổ chức đổi mới các kỳ thi tuyển dụng công chức để nâng cao chất lượng (ví dụ như trực tuyến online chẳng hạn); thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với việc tuyển dụng và giải quyết tinh giản biên chế.

- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Theo Chu Thanh Vân

TTXVN

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *