Dòng chảy vốn 04/03/2015 08:00

Làm rõ sai phạm tại dự án mỏ sắt Thạch Khê

FICA - “Công ty CP Sắt Thạch Khê đã triển khai gói thầu bóc đất tầng phủ và phương án thử nghiệm công nghệ. Qua kiểm tra hồ sơ về thủ tục, trình tự đầu tư thấy có một số sai phạm cần phải được tiếp tục kiểm tra, làm rõ”.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất đai đối với một số dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê do Công ty CP Sắt Thạch Khê làm chủ đầu tư sử dụng 3.887 ha đất tại 6 xã của huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh).

 

Một góc dự án mỏ sắt Thạch Khê.

Một góc dự án mỏ sắt Thạch Khê.

 

Ngày 7/10/2008, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư với tổng mức đầu tư 3.478 tỷ đồng. Tuy nhiên sau gần 5 năm thực hiện, đến thời điểm thanh tra, số tiền đã giải ngân cho công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư quá thấp (mới chỉ đạt gần 317/3.478 tỷ đồng, tương đương 9,11%). Thanh tra Chính phủ cho biết hiện nay dự án đang dừng triển khai do chủ đầu tư thiếu vốn.

 

Theo kết luận thanh tra, việc triển khai dự án chậm, kéo dài nhiều năm và nay đã tạm dừng do nhiều nguyên nhân từ khâu thành lập doanh nghiệp, cơ cấu vốn điều lệ, năng lực pháp nhân yếu, nên dự án thiếu vốn đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương; nhiều đoạn đường giao thông bị hư hỏng; các núi đất đá hình thành gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn. Bên cạnh đó, quy hoạch sử dụng đất cho mỏ sắt đã được phê duyệt nên người dân không còn được sửa chữa, xây dựng nhà ở dù bị hỏng, dột nát, người dân sống trong lo âu còn chính quyền cấp cơ sở gặp nhiều khó khăn trong quản lý, điều hành.

 

Theo báo cáo của UBND huyện Thạch Hà, liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án, đến thời điểm thanh tra (tháng 7/2013) có 52 đơn khiếu nại, 3 đơn tố cáo, 473 đơn phản ánh của công dân về việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, cấp đất tái định cư. Nhiều khu vực các hộ dân bức xúc có đơn khiếu nại tập thể, một bộ phận người dân mất niềm tin về dự án.

 

Thanh tra Chính phủ khẳng định: nếu không có giải pháp khắc phục kịp thời, không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân vùng dự án mà còn tiếp tục phát sinh phản ánh, kiến nghị, khiếu nại tập thể đông người phức tạp.

“Công ty CP Sắt Thạch Khê đã triển khai gói thầu bóc đất tầng phủ và phương án thử nghiệm công nghệ. Qua kiểm tra hồ sơ về thủ tục, trình tự đầu tư thấy có một số sai phạm cần phải được tiếp tục kiểm tra, làm rõ”- kết luận thanh tra đánh giá.

 

Thanh tra Chính phủ cho rằng trách nhiệm trong việc này thuộc về Chủ tịch HĐQT và Giám đốc Công ty CP Sắt Thạch Khê, Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, các tập thể và cá nhân có liên quan.

 

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện và khắc phục, ngăn chặn những thiếu sót trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư tại dự án này.

 

Đồng thời, giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ, ngành có liên quan có chỉ đạo, hỗ trợ Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các dự án, phương án do Công ty CP Sắt Thạch Khê làm chủ đầu tư; khẩn trương thực hiện các biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo thực hiện dự án đúng quy định của pháp luật.

 

“Tiếp tục khắc phục những ảnh hưởng xấu đến môi trường, sản xuất và đời sống do quá trình thực hiện dự án gây ra và kiên quyết không để tái diễn tình trạng này”- Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

 

Mỏ sắt Thạch Khê được quy hoạch trên diện tích gần 3.900 ha nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Thạch Hà gồm Thạch Khê, Thạch Đỉnh, Thạch Hải, Thạch Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc. Đây là mỏ sắt có trữ lượng quặng lớn nhất Đông Nam Á, ước tới hơn 540 triệu tấn, chiếm hơn 1/2 trữ lượng quặng sắt toàn quốc. Mỏ có diện tích khai thác 527ha, độ sâu trung bình khoảng 400-500m. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, thời gian khai thác của mỏ trong vòng 50 năm. Từ 3-5 năm đầu là xây dựng cơ bản, tiếp đến năm thứ 10 sẽ khai thác 5 triệu tấn quặng/năm, sau đó từ năm thứ 11 trở đi khai thác 10 triệu tấn quặng/năm.

Thế Kha

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *