Dòng chảy vốn 04/01/2015 16:17

Kinh tế Việt Nam năm 2015: Nhiều đầu việc cần sớm giải quyết

Theo các chuyên gia, kinh tế Việt Nam năm 2015 sẽ sáng sủa hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, nhiều đầu việc, nhiều vấn đề lớn cần tập trung giải quyết như giảm tiếp lãi suất cho vay, thay đổi chiến lược thu hút FDI, chuẩn bị cho cạnh tranh toàn cầu...

Nếu không những vấn đề mới sẽ lại xuất hiện cản bước quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

 

Phải giảm tiếp lãi suất cho vay

 

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng, nhiều dấu hiệu, nhiều dự báo cho thấy kinh tế 2015 sẽ sáng sủa hơn năm 2014. Tuy nhiên, năm 2015 Việt Nam sẽ vẫn phải đối mặt và tiếp tục giải quyết những vấn đề khó khăn của nền kinh tế chưa giải quyết trong năm 2014. 
Công nhân làm việc trong nhà máy xích líp Đông Anh.

Công nhân làm việc trong nhà máy xích líp Đông Anh.

 

Năm 2014, với những chính sách điều hành về tiền tệ, lãi suất phần nào dễ chịu hơn cho doanh nghiệp. Lãi suất huy động đã giảm rất mạnh nhưng lãi suất cho vay vẫn ở khá cao. Các doanh nghiệp vẫn phải trả lãi với mức trên 10%. 

Để giải quyết vấn đề sức khỏe của doanh nghiệp, câu chuyện doanh nghiệp khó tiếp cận vốn cần được giải quyết triệt để. Cùng đó lãi suất cho vay phải tiếp tục được giảm xuống cho phù hợp với lãi suất huy động.

 

Một đầu việc khác của nền kinh tế sẽ phải giải quyết trong năm 2015, theo ông Thành, chính là việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại các diễn đàn đã khẳng định sẽ phải giải quyết những vấn đề còn tồn tại của nền kinh tế như, xử lý nợ xấu, duy trì lạm phát dưới 5%... 

 

Cùng đó, ở tầm vĩ mô, phải giải quyết chính là việc liên kết các doanh nghiệp ở khu vực miền Nam thành chuỗi liên kết có thế mạnh, phát triển xuất khẩu nông sản, giải quyết các vấn đề, nâng cao chất lượng xuất khẩu của nghề cá chế biến, của trái cây Việt Nam. 

 

“Hiện chúng ta có nhiều đề án tái cơ cấu, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển khác nhau nhưng các chính sách, đề án này chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế để tạo động lực phát triển. Các đề án xây dựng tốt nhưng vấn đề tiếp cận vốn khó khăn, nguồn tiền không có thì cũng khó có tác dụng”, ông Thành nói.

 

Một  nhiệm vụ quan trọng khác cần thực hiện trong năm 2015 chính là việc vực dậy các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc phát triển thị trường, cơ cấu lại các doanh nghiệp trong nước. Ông Thành cho rằng, hiện ở Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đa số trong khi các doanh nghiệp lớn theo đúng nghĩa không có được bao nhiêu. 

 

Báo cáo của cơ quan chức năng năm 2014 cho thấy, số doanh nghiệp nhỏ và vừa, dù là mầm ươm của nền kinh tế, đang bị “tắc”, héo mòn dần. Khi số doanh nghiệp này ngày càng teo tóp thì kinh tế khó phát triển được.

 

Chuyên gia này cũng cho rằng, câu chuyện tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp cận vốn là việc cần ưu tiên thực hiện trong năm 2015. Chúng ta đang sống trong một thế giới hội nhập với sự cạnh tranh toàn cầu, ở các nước phát triển, khi kinh tế ổn định, lãi suất cho vay chỉ ở mức 1%-2%, cao quá cũng đến 4%. 

 

Ngay các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam, họ được vay vốn với mức 2%-4% từ trong nước họ. Còn doanh nghiệp của ta đang phải hoạt động với lãi suất trên 10%-13%. Nhìn sơ qua cũng thấy doanh nghiệp bị yếu thế rất nhiều. Chúng ta không thể sống mãi trong không gian khép kín mãi được. Phải nhìn ra bên ngoài xem môi trường kinh doanh của doanh nghiệp đang phải đối mặt với những vấn đề gì?

 

Đồng quan điểm, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội đầu tư nước ngoài cho rằng, bên cạnh việc rà soát lại đầu tư công, phải làm sao để khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn để đầu tư cho sản xuất - kinh doanh là việc hết sức quan trọng trong năm 2015. “Nếu giải quyết được các vấn đề về vốn, về đầu tư công, thì năm 2015 chúng ta sẽ tăng trưởng cao hơn, tạo đà cho giai đoạn phát triển sau”, ông Mại nói.

 

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, theo ông Mại, các ngân hàng cần tiếp tục điều chỉnh lại lãi suất cho vay cùng đó có sự linh hoạt hơn trong cho vay bằng tài sản thế chấp để các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhiều cơ hội tiếp cận được vốn. “Hệ thống ngân hàng năm 2015 cần đặt mục tiêu là năm phục vụ doanh nghiệp, cải cách cơ bản quan hệ ngân hàng và doanh nghiệp, cho vay theo dự án, nâng cao năng lực hệ thống về thẩm định dự án.

 

Thay đổi chiến lược thu hút FDI

 

Các chuyên gia cũng cho rằng, năm 2015 là thời điểm cần xem lại chính sách thu hút đầu tư nước ngoài. Thực tế cho thấy, bên cạnh việc vốn FDI vào Việt Nam giúp tạo tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, việc mở cửa nhanh thu hút đầu tư đã cho thấy những hệ lụy về môi trường. 

 

Thực tế cho thấy, nhiều dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với công nghệ thấp khiến chúng ta trả giá về môi trường. Việc mở cửa thu hút đầu tư nhiều nhưng nền kinh tế thu lại được gì cũng là điều cần xem xét.

 

Theo ông Bùi Kiến Thành, việc hàng hóa do các doanh nghiệp FDI sản xuất đang bóp nghẹt sản xuất, hàng hóa trong nước cũng là điều cần tính tới trong việc xem xét lại cơ chế thu hút đầu tư trong năm 2015. Những câu chuyện Metro, CocaCola, Kengnam... dính nghi án chuyển giá, trốn thuế chỉ là một phần câu chuyện. Sau một thời gian, đến nay hầu hết thị trường tiêu dùng nhanh như nước giải khát, dầu gội đầu, kem đánh răng hiện đang nằm trong tay các doanh nghiệp FDI. 

 

Nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước đã bị thâu tóm gần hết. Đây là câu chuyện về quản lý cần xem xét nghiêm túc khi sự lệ thuộc về hàng hóa tồn tại ở ngay trong nước. 

 

Điều nguy hiểm là chúng ta có nhìn thấy các nguy cơ hiện hữu này hay không. “Câu chuyện giải quyết sự cạnh tranh của hàng hóa từ các nước khác vào Việt Nam là vấn đề cần nhìn nhận rõ. Cần có những kịch bản cụ thể đối phó với những tình huống xấu về mặt kinh tế”, ông Thành nói.

 

Một đầu việc khác cũng quan trọng không kém trong việc chuẩn bị cho cạnh tranh toàn cầu. Chúng ta đã ký hàng loạt hiệp định thương mại lớn trong khi không ít doanh nghiệp vẫn chưa chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn. Tác động đầu tiên với các doanh nghiệp, bên cạnh việc có thêm thị trường, chính là đối mặt với việc hàng rào thuế quan giảm xuống để hàng hóa giữa các nước trao đổi với nhau. Nếu muốn nâng cao năng lực cạnh tranh thì phải có giải pháp tổng thể bao gồm việc thu xếp tái chính, đầu tư, chuẩn bị nhân sự, đào tạo ra sao. 

 

Các giải pháp sẽ phải song hành với nhau, không thể là những giải pháp rời rạc để rồi hô biến là tất cả các vấn đề được giải quyết. “Tôi chưa thấy các giải pháp đồng bộ trong việc giải bài toán kinh tế Việt Nam đang đối mặt những thách thức gì, Việt Nam sẽ phải làm gì trong thế giới đầy biến động. Điều cần đặc biệt quan tâm trong năm 2015, chính là những câu chuyện đối với kinh tế Việt Nam sau khi ký kết hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP)”, ông Thành nói.

 

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PGS TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng, sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam còn rất mong manh. Nhìn vào cơ cấu kinh tế cũng như cán cân xuất nhập khẩu, chủ yếu vẫn là những đóng góp của các doanh nghiệp FDI. Điều này đồng nghĩa khu vực doanh nghiệp nội địa đang yếu thế và chúng ta cần tiếp tục có giải pháp để khu vực doanh nghiệp trong nước mạnh hơn.

 

“Việc ưu đãi chính sách, đôi khi dễ dãi với các doanh nghiệp FDI khiến doanh nghiệp trong nước bị thua thiệt ngay trên sân. Doanh nghiệp FDI chỉ cần được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiếp cận lãi suất thì chả cần làm gì có  lãi hơn doanh nghiệp khác. Tốc độ xử lý nợ xấu chậm hơn tốc độ gia tăng nợ xấu mới cũng là điều cực kỳ đáng báo động đối với việc xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng”, ông Thiên nói.

 

Cũng theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong năm 2015 cần sự quyết liệt trong đổi mới mô hình tăng trưởng. Có làm thật sự điều này thì nền kinh tế mới có thể đi lên. Nếu không chúng ta sẽ tiếp tục đi theo lối mòn tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên, nặng về gia công lắp ráp.
 

“Trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam, năm 2014, khối doanh nghiệp sản xuất trong nước chỉ chiếm 32% còn lại là 68% xuất khẩu thuộc khối doanh nghiệp FDI.

 

Điều này cho thấy sự lép vế rõ rệt của khối doanh nghiệp trong nước. Kinh nghiệm cho thấy, những nước có sự góp mặt của khối doanh nghiệp trong nước trong cán cân xuất khẩu thấp, thường là những nước chủ yếu đi làm gia công và nền kinh tế bị phụ thuộc nước ngoài. Những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc... là một trong những trường hợp ít ỏi vượt lên được thành nước phát triển. 

 

Hy vọng năm 2015, chúng ta tiếp tục vươn lên được nấc thang mới. Nếu không chúng ta sẽ mãi ở trong cái bẫy thu nhập trung bình”. 

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành

 

Theo Phạm Tuyên

TPO
Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *