Dòng chảy vốn 11/01/2015 11:17

Kiều hối - lại một năm kỷ lục

Trong những năm gần đây, lượng kiều hối đổ về Việt Nam liên tục tăng. Theo ước tính, lượng kiều hối năm nay sẽ đạt khoảng 12 tỉ USD tiếp tục đưa Việt Nam là một trong 10 nước nhận được kiều hối nhiều nhất trên thế giới.

Kiều hối tiếp tục tăng trưởng ấn tượng

 

Theo UBNN về người Việt Nam sống ở nước ngoài, hiện có gần 5 triệu người Việt đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài. Với số lượng đông đảo như vậy cộng với động lực từ các cơ hội đầu tư và chính sách thông thoáng trong nước, kiều hối gửi về liên tục tăng.

Những cải tiến trong chính sách của Nhà nước nhằm thu hút kiều hối và dịch vụ Ngân hàng chuyển và nhận tiền hết sức nhanh chóng, thuận tiện đã góp phần giúp lượng kiều hối gia tăng và mang lại nhiều tiện ích tốt hơn cho khách hàng. 

 

Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, với việc bãi bỏ nhiều quy định về thuế, không hạn chế số lượng tiền, nhận và trả hàng bằng nguyên tệ, người nhận kiều hối không phải chịu thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ từ nước ngoài chuyển về (pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao năm 2000 đã bỏ việc thu thuế đối với loại thu nhập nàyvà đến năm 2007, thuế thu nhập cá nhân đã đưa kiều hối vào loại thu nhập không phải chịu thuế) hoặc bắt buộc phải bán ngoại tệ cho ngân hàng, hay những ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho kiều bào về thăm quê hương, mua nhà ở và đầu tư trong nước đã giúp kiều hối tăng lên qua từng năm.

 

Năm 2008 kiều hối của Việt Nam tăng mạnh đạt 7,2 tỉ USD, năm 2009 là năm kinh tế toàn cầu suy thoái nhưng kiều hối gửi về Việt Nam vẫn đạt hơn 6 tỉ USD. Qua năm 2010, kiều hối tăng lên 8,26 tỉ USD, năm 2011 là 9 tỉ USD, tiếp tục các năm 2012, 2013 lần lượt là 10 tỉ USD và 11 tỉ USD; dự báo cuối năm nay, kiều hối sẽ đạt 12 tỉ USD. So với giai đoạn đầu mới mở cửa thu hút kiều hối (từ năm 1991) tới nay, lượng kiều hối chính thức vào Việt Nam đã tăng trưởng khoảng gần 40%, lũy kế đạt khoảng 90 tỉ USD, giúp Việt Nam tiếp tục là 1 trong số 10 nước có lượng kiều hối nhiều nhất thế giới.

 

Nhận xét về mức tăng trưởng này, bà Patricia Z. Riingen, Phó Chủ tịch cấp cao Khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương của Công ty Western Union cho rằng kiều hối về Việt Nam đã tăng trưởng rất ấn tượng. Năm đầu tiên khi khai trương dịch vụ Western Union tại Việt Nam vào năm 1994, tổ chức này mới chỉ có khách hàng ở 16 quốc gia chuyển kiều hối về Việt Nam nhưng đến nay, sau 20 năm, người dân gửi tiền kiếu hối về Việt Nam đã được chuyển từ 187 quốc gia và vùng lãnh thổ.

 

Hiện Mỹ là quốc gia chuyển tiền kiều hối về Việt Nam nhiều nhất. Thống kê cho thấy, kiều hối từ Mỹ chiếm khoảng 50% tổng số kiều hối chính thức của cả nước. Các quốc gia chuyển kiều hối lớn tiếp theo là Úc (chiếm khoảng 9%), Canada (8,4%), Đức (6%), Campuchia (4%), và Pháp (4%). Ngoài ra, lao động từ các nước và vùng lãnh thổ mà Việt Nam có nhiều người xuất khẩu lao động như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Indonexia, Malaysia, khu vục Trung Đông, Bắc Phi cũng đóng góp một lượng tiền đáng kể.

 

Vai trò kiều hối trong nền kinh tế - xã hội ngày càng cao

 

So với các nguồn tiền đầu tư từ nước ngoài như FDI, ODA thì kiều hối là nguồn ngoại tệ tương đối ổn định và gần như thẩm thấu toàn bộ vào nền kinh tế - xã hội. Nhiều chuyên gia kinh tế từng đánh giá, so với nguồn vốn FDI, ODA có thể biến động do khủng hoảng kinh tế, có thể rút vốn, đòi nợ còn kiều hối đã vào nước thì hầu như không có rút ra mà sẽ đóng góp toàn bộ cho nền kinh tế đất nước.

 

Theo tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, trong giai đoạn 2007-2013, tổng kiều hối là nguồn vốn lớn thứ 2 tại Việt Nam (sau vốn FDI), và lớn hơn cả vốn ODA đã giải ngân. Điều đó có thể thấy vai trò của kiều hối quan trọng như thế nào trong giai đoạn này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.

 

Phần lớn lượng tiền kiều hối đều “chạy” vào sản xuất kinh doanh, số còn lại được phân bổ vào bất động sản, chứng khoán và hỗ trợ thu nhập cho người thân. Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang gặp nhiều khó khăn thì nguồn kiều hối có vai trò quan trọng vì đây là nguồn tiền thực giúp tăng tiết kiệm, đầu tư, giảm gánh nợ, giúp cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia, giúp ổn định tỉ giá, cán cân thanh toán và tăng dự trữ ngoại hối (hiện dự trữ ngoại hối nước ta đạt khoảng 35 tỉ USD).

 

Mặc dù còn nhiều ảnh hưởng từ kinh tế thế giới nhưng với chính sách điều hành tỉ giá linh hoạt của NHNN giữ cho tỉ giá USD/VND tương đối ổn định, do đó, vài năm nay, người thụ hưởng từ kiều hối thường gửi tiết kiệm USD hoặc quy đổi sang VND, giúp cho cung ngoại tệ của các ngân hàng tăng lên.

 

Kiều hối giúp ổn định xã hội thông qua việc tăng thu nhập cho một bộ phận người dân trong nước. Qua khảo sát, tới phân nửa số người nhận kiều hối cho biết đây là nguồn tiền vô cùng quan trọng và chiếm tới 80% thu nhập của gia đình họ. Nếu như trước đây, kiều hối chủ yếu tập trung ở thành thị, đặc biệt TP Hồ Chí Minh, Hà Nội thì nay đã bắt đầu mở rộng hơn ra các vùng nông thôn, nơi có nhiều công nhân đi xuất khẩu lao động như Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình…

 

Như vậy, với xu hướng người Việt Nam đi công tác, lao động ở nước ngoài ngày càng tăng lên, cùng với nhiều cơ hội đầu tư trong nước và cơ chế thu hút kiều hối ngày càng thông thoáng, thuận tiện, dự báo lượng kiều hối về nước sẽ ngày một tăng. Điều đó thể hiện rõ môi trường chính trị, kinh tế, xã hội của nước ta ngày càng ổn định và hướng phát triển đất nước đang tạo được sự tin tưởng, đúng hướng, đúng nguyện vọng của bà con kiều bào.

 

Theo Thành Trung

Petrotimens
Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *