Dòng chảy vốn 30/01/2014 12:57

Không được “kinh doanh” lòng yêu nước

Năm cũ đã qua đi, năm mới đã đến. Một cuộc đời, một quốc gia phải trải qua biết bao thăng trầm, được có, mất có. Âu cũng là lẽ thường tình.



Nhưng, trong cái thường tình đó, điều tôi muốn nói là đôi khi, vì vô tình hay hữu ý, một số cá nhân hay tập thể chỉ vì nói cho sướng miệng, hoặc vì mục đích riêng, thậm chí để trục lợi đã sẵn sàng gạt bỏ lợi ích quốc gia hoặc danh dự của người khác... Không ít người, tập thể đã đem lòng yêu nước ra kinh doanh thu lợi, ảnh hưởng đến uy tín quốc gia với biết bao nhiêu hệ lụy.

Trong lĩnh vực kinh tế, uy tín quốc gia được đánh giá dựa trên kết quả định mức tín nhiệm của các hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế... Tuy có những tiêu chí khoa học cụ thể, nhưng kết quả xếp hạng tín nhiệm cũng như nguyên nhân của lạm phát, giảm phát, đều chịu áp lực tác động đáng kể của yếu tố “tâm lý đẩy”. Mà tâm lý đẩy được hình thành từ những yếu tố chiến tranh tâm lý bình thường, bất thường xuất phát từ sự thẩm thấu thông tin đúng sai của mỗi người được bắt đầu từ tiếp cận thông tin.

Ở Việt Nam chúng ta, tiếp cận thông tin còn bị nhiễu rất nhiều từ “văn hóa rỉ tai”, “văn hóa bầy đàn” của không ít người, mà nhiều khi hậu quả xấu không thể định lượng được.

Nắm bắt được nguyên lý trên, có những loại phương tiện thông tin đại chúng đã biến sự hiếu kỳ, biến “văn hóa rỉ tai”, “văn hóa bầy đàn” và có những tình huống biến cả lòng yêu nước thành phương tiện khai thác kinh doanh hiệu quả tức thời, theo kiểu “sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi”.

Năm cũ vừa qua, thật dễ để dẫn lại nhiều ví dụ điển hình cho kiểu “kinh doanh” đó. Từ những tin đồn thất thiệt tạo sóng trục lợi trên thị trường chứng khoán và ngoại hối, cho đến những thông tin chính thống mà sai lệch, thiếu chính xác để câu khách, câu “hít” mà có thể hủy hoại cả số phận, đời người…

Thêm nữa, ở Việt Nam mấy năm gần đây, thổi thêm  cho cái nhiễu thông tin này có lẽ còn có cả cái “loạn chuyên gia kinh tế”. Dường như ở ta đang có một thực tế thật phong phú, người người và nhà nhà làm chuyên gia kinh tế. Khái niệm chuyên gia kinh tế có vẻ rất dễ dãi, không cần có tiêu chí gì. Nhưng, không ít người dân và kể cả các phương tiện truyền thông quốc tế, các nhà đầu tư rất quan tâm và tin những ý kiến chuyên gia, chính khách.

Phía sau cái nhiễu thông tin, thông tin vì mục đích xấu, để trục lợi… là gì? Hạng mức tín nhiệm quốc gia thực tế lẫn danh nghĩa đều chịu áp lực đáng kể.

Trên thế giới, tổ chức xếp hạng tín nhiệm là những công ty chuyên đưa ra những đánh giá, kết quả xếp hạng có sức nặng ảnh hưởng đối với các quốc gia, các nhà phát hành nợ/chứng khoán, hoặc đối với bản thân các loại nợ/chứng khoán.

Ba hãng xếp hạng tín nhiệm lớn nhất trên thế giới hiện nay (xét về thị phần) là Standard & Poor’s (S&P), Moody’s và Fitch Group. S&P và Moody’s có trụ sở ở Mỹ, chiếm tới 80% thị phần; trong khi Fitch có cả trụ sở tại Mỹ và Anh, và do FIMALAC của Pháp kiểm soát chiếm 15% thị phần.

Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến nâng cao kết quả xếp hạng tín nhiệm quốc gia với những giải pháp và lộ trình cụ thể, hữu hiệu, được thể hiện tại Quyết định số 304/QĐ-TTg ngày 06/02/2013 và Quyết định số 61/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020 từng bước nâng bậc xếp hạng tín nhiệm quốc gia đạt mức xếp hạng tín nhiệm tối thiểu bằng mức khởi điểm đầu tư (Baa3 đối với xếp hạng tín nhiệm của Moody’s hoặc BBB- đối với xếp hạng tín nhiệm của S&P hoặc Fitch).

Có 5 yếu tố là nền tảng cho việc phân tích tín nhiệm của một quốc gia gồm: sự hiệu quả của thể chế và rủi ro chính trị, được phản ánh ở phần điểm số cho yếu tố chính trị; cơ cấu kinh tế và triển vọng tăng trưởng, được phản ánh ở điểm số về yếu tố kinh tế; thanh khoản đối ngoại (cán cân thanh toán, cán cân thương mại) và vị thế đầu tư quốc tế, được phản ánh ở điểm số về đối ngoại; hiệu quả tài khóa và tính linh hoạt tài khóa, cũng như gánh nặng nợ quốc gia, được phản ánh ở điểm số về yếu tố tài khóa; và sự linh hoạt của chính sách tiền tệ, được phản ánh ở điểm số về chính sách tiền tệ.

Ngoài ra tùy mỗi hãng và mỗi quốc gia có thể có những tiêu chí khác bổ sung.

Các công ty đánh giá tín nhiệm thường không nhất thiết phải chấm điểm (xếp hạng) các nước theo năm mà họ thường làm khi có sự kiện phát sinh. Các công ty đánh giá tín nhiệm có thể đưa ra các kết quả đánh giá khác nhau về cùng một quốc gia dựa trên mô hình chấm điểm của mình, tuy nhiên về cơ bản kết quả đánh giá của các công ty này thường tương đối gần nhau.

Mức tín nhiệm của các quốc gia sẽ ảnh hưởng đến số lượng là lãi suất của trái phiếu do quốc gia đó phát hành, độ tín nhiệm càng cao thì khả năng phát hành trái phiếu thành công càng lớn và lãi suất trái phiếu càng thấp. Bên cạnh đó, mức tín nhiệm quốc gia là một trong những yếu tố quyết định việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài đối với quốc gia đó.

Việt Nam, sau những lần bị hạ và ở các hạng mức bất lợi, mới đây (ngày 24/1/2014), hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings tiếp tục giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm phát hành trái phiếu ngoại tệ và nội tệ dài hạn của Việt Nam ở mức B+, nhưng nâng triển vọng từ mức ổn định lên tích cực.

Vậy, lòng yêu nước bị lợi dụng để “kinh doanh” như thế nào?

Người Việt Nam có lòng yêu nước nồng nàn. Dân gian có câu “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng” hay “Môi hở răng lạnh”…, nên mỗi khi có những thông tin đau lòng về người Việt, mỗi khi có thông tin về biên giới đất liền và hải đảo là dân cư mạng và nhân dân lại sôi sục, thậm chí gây tâm lý thúc đẩy chiến tranh.

Nắm bắt được tâm lý này, không ít các cá nhân và cả một số tờ báo, các nhà xuất bản thỉnh thoảng lại khai thác rất mạnh để bán báo, để quảng cáo cho cá nhân và tập thể bằng kiểu giật gân, tạo ra thông tin “bầy đàn”, “rỉ tai” nhằm kích thích doanh thu bất thường và kiếm lợi..., vô tình hoặc hữu ý hại dân hại nước, nhưng vẫn hô hào lấy dân làm gốc.

Không ít các chuyên gia kinh tế muốn quảng bá thương hiệu cá nhân, hoặc tưởng như muốn khẳng định tính cương trực thẳng thắn nên sẵn sàng nói ngược lại quan điểm của Đảng, Chính phủ và ngược thực tế về tình hình kinh tế, xã hội, nhưng là “hại dân”. Hại dân bởi họ tạo ra những căng thẳng và xáo trộn không đáng có, tạo “sóng” ở các lĩnh vực đầu tư mà hẳn đâu đó có số ít thành phần trục lợi và hưởng lợi; hay rộng hơn là góp phần tạo nền một bức tranh ảo méo mó có thể lung lay niềm tin của giới đầu tư nước ngoài.

Những năm qua, đã có rất nhiều tình huống, trường hợp chỉ vì tác động của thông tin “bầy đàn”, “rỉ tai”... để rồi có sự rút lui, xáo trộn và cả bất ổn của dòng vốn chảy khỏi ngân hàng, khỏi sàn chứng khoán hay tại các dự án, các doanh nghiệp, thậm chí kích động cả dư luận tiêu cực trong xã hội.

Phải chăng đó cũng là một cái tội nặng?

Đúng là “chim chết vì mồi, người chết vì tiền”. Nhiều chuyên gia, kể cả chính khách, đôi khi cũng “chết” vì cái miệng của chính mình. Nhân câu chuyện đầu năm, tôi xin gửi đến VnEconomy và độc giả bài thơ mang tính lịch sử “Giữ miệng” từ thời nhà Minh, mà vua Minh đã bắt tất cả các quan thần không những phải học thuộc, làm theo mà còn phải đeo trước ngực bài thơ bất hủ có ý nghĩa giáo dục sâu sắc này:

Cẩn ngữ

Cái miệng là cửa tai họa

Lưỡi không xương là con dao diệt thân

Cái miệng che giấu lưỡi thân yên ổn cả đời

TS Nguyễn Đức Hưởng - Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank)

Theo VnEconomy

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *