Dòng chảy vốn 02/05/2014 19:30

Khi người dân lười chi tiêu...

FICA - HSBC chỉ ra rằng, sản xuất của Việt Nam đã tăng trở lại với chỉ số PMI đạt kỷ lục 53,1 điểm, xuất khẩu khởi sắc và lạm phát duy trì thấp. Vấn đề lớn nhất đối với kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện này có lẽ là cầu tiêu dùng nội địa quá thấp, kìm hãm tăng trưởng dưới mức tiềm năng.

 

Các Trung tâm thương mại rơi vào tình trạng ế khách.

Bức tranh ngày càng “nóng” thêm

Nói về ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 4, Khối nghiên cứu của HSBC ví von, đó là một bức tranh khá nóng bỏng. Theo đó, chỉ số PMI toàn phần đã tăng từ 51,3 điểm trong tháng 3 lên 53,1 điểm trong tháng 4. Sản lượng, đơn đặt hàng mới, đơn đặt hàng xuất khẩu mới và việc làm đều tăng.

Đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng trong hai tháng qua phản ánh nhu cầu từ Mỹ và các nước Khu vực Đồng tiền chung châu Âu đang tăng lên. Sản lượng tăng mạnh trong quý I và sang cả quý II/2014 khi các giải pháp nhằm giảm hàng tồn kho trong những tháng đầu năm đã làm giảm đáng kể lượng hàng tồn kho.

Với đơn đặt hàng mới tăng cao, các nhà sản xuất đã phải tăng hoạt động sản xuất để đáp ứng nhu cầu. Ngay cả khi tồn kho thành phẩm tăng trong tháng 4 để đáp ứng nhu cầu tốt hơn, hàng tồn kho vẫn còn tương đối thấp. Điều này có nghĩa rằng sản lượng có thể tăng trong những tháng sắp tới như những chỉ số dự kiến của HSBC, đơn hàng mới trừ hàng tồn kho vẫn còn thể hiện một khoảng cách tương đối lớn.



Xuất khẩu hàng dệt may, giày dép và phụ kiện di động tăng so với năm ngoái và sẽ còn có kết quả tốt hơn trong nửa sau năm 2014 khi hoạt động đầu tư mới bắt đầu đưa vào vận hành. Cùng với hàng hoá sản xuất, một số mặt hàng nông nghiệp cũng được lợi từ giá cả hàng hoá quốc tế ngày càng tăng cao. Cà phê là một ví dụ điển hình khi Brazil phải đối mặt với tình trạng hạn hán đẩy giá mặt hàng này tăng mạnh.

Mặt hàng gạo cũng đã thể hiện tốt từ đầu năm đến nay nhờ vào nhu cầu cao hơn ở những nơi như Philippines. Tuy nhiên, Thái Lan dự kiến sẽ bán hạ giá lượng gạo dự trữ vào thị trường toàn cầu trong quý II/2014 sẽ khiến giá gạo toàn cầu giảm sút đồng thời cũng giảm giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Tóm lại, trong báo cáo vĩ mô lần này, HSBC dự báo, lĩnh vực xuất khẩu Việt Nam sẽ được lợi nhờ vào sản lượng sản xuất tăng cao. Cán cân thương mại cũng sẽ thể hiện tín hiệu lạc quan hơn một chút nhờ vào chi phí nhập khẩu xăng dầu giảm thêm (nguyên nhân đều do tình hình giá cả nhập khẩu và sản xuất nội địa tăng cao), đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất và nhu cầu nội địa còn yếu đối với hàng hoá nhập khẩu nước ngoài.

Người dân tăng chi tiêu sẽ kích thích nền kinh tế tăng trưởng.

Nhu cầu tiêu dùng thấp kéo các chỉ số vĩ mô ì ạch

HSBC cũng nhận xét, nhu cầu nội địa tại Việt Nam đang "khá bình tĩnh" và các lĩnh vực được dẫn dắt bởi các yếu tố khách quan thể hiện sôi động hơn. Chỉ số lạm phát toàn phần đã tăng nhẹ trong tháng 4 so với tháng trước nhưng vẫn còn rất thấp nếu so sánh với mức trung bình của lịch sử. Lạm phát cơ bản (bao gồm tất cả các thành phần ngoại trừ thực phẩm và năng lượng) đều giảm sâu trong tháng 4 từ mức 5,7% trong tháng 3 chỉ còn 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

HSBC cho rằng, lạm phát cơ bản, lạm phát thực phẩm, lạm phát toàn phần đều sẽ hội tụ. Ngay cả khi hoạt động trong nước phục hồi nhờ vào các biện pháp như giảm lãi suất huy động và lãi suất trên thị trường mở OMO để kích thích tăng trưởng cho vay, lạm phát toàn phần cũng chỉ tăng rất nhẹ từ nay đến hết năm. Ngay cả với giả định chi phí dịch vụ xã hội và giá điện lực sẽ tăng thêm trong tháng 8 và tháng 9, nhóm phân tích vẫn cho rằng lạm phát năm nay cũng sẽ dừng lại ở mức 5,6% so với năm ngoái. Giá thực phẩm cũng sẽ chỉ tăng nhẹ khi giá gạo ước đoán sẽ thấp.

NHNN cùng với 5 ngân hàng quốc doanh đang lên kế hoạch xây dựng gói hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản. NHNN cũng giảm các mức lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng cho vay. Kết quả là từ đầu năm đến nay tăng trưởng tín dụng đạt 1% từ mức tăng trưởng âm trong quý I/2014.

NHNN cũng đang xây dựng nền tảng mà thông qua đó các khoản nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) có thể bán cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tại báo cáo này, nhóm phân tích viết: "HSBC không kỳ vọng vấn đề nợ xấu sẽ được giải quyết ngay. Điều này có nghĩa rằng tăng trưởng tín dụng mặc dù có tăng nhưng sẽ thấp khi nhu cầu tiêu dùng vẫn còn yếu".

Lĩnh vực sản xuất sẽ là điểm sáng chính yếu đối với nền kinh tế Việt Nam. Các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TTP) cũng như Hiệp định Thương mại Tự do EU vẫn còn đang trong quá trình thương thảo. Các mức thuế suất đối với một số mặt hàng trọng yếu của Việt Nam như may mặc và dệt sẽ giảm ở một số thị trường quan trọng như Mỹ và Khối Liên minh châu Âu nếu như các cuộc đàm phán này diễn ra thành công.

Các cuộc thảo luận về các vấn đề phi thuế quan, bao gồm cải tạo cơ sở hạ tầng, giảm thiểu các biện pháp hành chính phức tạp, tổ chức lại chuỗi cung ứng cho các ngành như gạo, dệt may và tăng sản lượng sản xuất năng lượng bằng cách tự do hóa giá cả là những hứa hẹn đáng giá nhất cho quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam.

Theo HSBC, giải quyết những vấn đề này sẽ giúp Việt Nam thay đổi năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế trong tương lai. Điều này sẽ đến chỉ khi Việt Nam có thể thay thế các mặt hàng xuất khẩu thô, chất lượng thấp và những mặt hàng sản xuất có giá trị gia tăng thấp bằng những sản phẩm chế biến và có chất lượng cao.

Bích Diệp

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *