Dòng chảy vốn 13/11/2014 14:27

Khi Bộ trưởng 3 kỳ họp Quốc hội 2 lần lên “ghế nóng”

Theo văn bản được Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa gửi đến các vị đại biểu, sáng 18/11 tới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình sẽ trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Ông Bình cũng là thành viên Chính phủ duy nhất được chọn đăng đàn tới hai lần trong vòng ba kỳ họp của Quốc hội (từ kỳ 6 đến kỳ 8).

Ở kỳ họp thứ 6 vào cuối năm 2013, tỷ lệ đại biểu muốn chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Thái Bình cao nhất trong 5 vị tại danh sách dự kiến, 82,09%.

Đến kỳ 8 này, vị trí số 1 đã được “nhường” cho Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng với 95,23% đại biểu tán thành. Bộ trưởng Thái Bình xếp thứ hai với 87% đại biểu đồng ý.

Nhiều đại biểu muốn chất vấn nhất, song nhóm vấn đề dành cho vị “tư lệnh” ngành nội vụ ở lần chất vấn trước so với lần này thì đơn giản hơn rất nhiều.

Hai nhóm vấn đề được Quốc hội tập trung chất vấn Bộ trưởng Thái Bình tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội là giải pháp kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm,…để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Và biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các tổ chức hội.

Ở vị trí sẵn sàng tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan cùng với người đứng đầu ngành Nội vụ khi đó là bộ trưởng các bộ: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Tư pháp.

Kỳ này, các vị được mời “chia lửa”cho Bộ trưởng Thái Bình đều là người mới. Đó là Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng thanh tra Chính phủ.

Và có tới 4 nhóm vấn đề dành cho các đại biểu tập trung chất vấn Bộ trưởng Thái Bình.

Thứ nhất là việc thực hiện cải cách hành chính, giảm thủ tục hành chính gắn với nâng cao chất lượng công vụ.

Giải pháp thực hiện tinh giản biên chế đội ngũ cán bộ, công chức, khắc phục tình trạng có quá nhiều cấp phó ở các cơ quan trung ương, nâng cao năng suất lao động, cải cách chế độ tiền lương là nhóm vấn đề thứ hai.

Nhóm thứ ba là kết quả tổng kết, đánh giá toàn diện đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, xử lý các biểu hiện tiêu cực trong công tác quy hoạch, tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức.

Cuối cùng, nhóm vấn đề thứ tư là thực hiện lộ trình tăng lương thích hợp để đảm bảo cuộc sống của công chức, của người có thu nhập thấp, xem xét vấn đề lương hưu, nhất là đối với những người về hưu trước năm 1995.

Về số lượng, so với kỳ trước nhóm vấn đề được chốt đề chất vấn vị tư lệnh ngành nội vụ nhiều gấp đôi. Còn về nội dung thì vừa rộng hơn, vừa cụ thể hơn và có thể cũng “hóc búa” hơn.

Theo một số vị đại biểu Quốc hội thì lý do để chọn Bộ trưởng Thái Bình lên “ghế nóng” tới hai lần trong ba kỳ, trong khi có đến hơn một thành viên Chính phủ chưa một lần đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp là vì nội dung chất vấn Bộ trưởng Thái Bình đều là những vấn đề rất nóng, không chỉ tại kỳ họp này. Nhưng quan trọng hơn là giải pháp cho các vấn đề đó hoặc còn đang thiếu hoặc là thiếu khả thi.

Trong 4 nhóm vấn đề, có ba lần chữ “lương” xuất hiện! Đầu tuần này, Quốc hội vừa quyết định tăng lương, dù để ra được quyết định đó cũng chả dễ dàng gì, nhưng cải cách tiền lương xem ra còn rất cam go.

Chính Bộ trưởng Thái Bình, liên tiếp trong hai kỳ họp 7 và 8, ở báo cáo kết quả thực hiện tình hình triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đều cho biết “kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, chưa thể tăng trưởng cao trong 1-2 năm tới, nên khó bố trí đủ nguồn cho cải cách tiền lương”.

Thực hiện tinh giản biên chế đội ngũ cán bộ, công chức xem ra cũng là vấn đề rối. Bởi thông tin từ chính báo cáo nói trên của Bộ trưởng cho biết nếu thực hiện đề án “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức viên chức” mà Bộ đã tham mưu Chính phủ triển khai thì biên chế cơ bản giữ nguyên, không tăng cũng… không giảm.

Gian nan không kém là “khắc phục tình trạng có quá nhiều cấp phó ở các cơ quan trung ương” tại nhóm vấn đề thứ hai.

Bởi từ năm 2011, chính Bộ Nội vụ đã đưa ra thông tin là theo quy định của Chính phủ mỗi bộ, cơ quan ngang bộ không quá 4 thứ trưởng nhưng thực tế có nơi đang có đến 10 thứ trưởng.

Và đến kỳ họp này, lạm phát cấp phó vẫn đang là vấn nạn được nêu tại nhiều phiên thảo luận của Quốc hội.

Đại biểu Trần Đình Nhã, tại phiên thảo luận toàn thể về ngân sách nhà nước đã đặt vấn đề là tại sao cấp phó ở Việt Nam lại nhiều đến thế và Quốc hội nên làm gì trước tình trạng lạm phát cấp phó trong các cơ quan, tổ chức hưởng ngân sách?

Dẫn con thống kê chưa đầy đủ hiện tại cả nước có đến 139.000 cơ quan hành chính sự nghiệp và tổ chức hưởng ngân sách nhà nước, đại biểu Nhã thử làm phép tính nếu một cấp phó hàng năm nhà nước chi thêm trung bình khoảng 30 triệu đồng như phụ cấp chức vụ, diện tích phòng làm việc, điện nước, đi lại thì 139.000 cấp phó sẽ phải chi khoảng hơn 4.000 tỷ đồng. Và con số này sẽ gấp 2, gấp 3, gấp 4, gấp 5 nếu số lượng cấp phó là 2, 3, 4, 5. 

Đại biểu Nhã đã đề nghị Quốc hội nên đưa ra một nghị quyết có tính bước ngoặt trong cải cách hành chính, ra một nghị quyết ngắn gọn là việc bố trí cấp phó trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức hưởng ngân sách nhà nước không quá 3.

Biên chế khó giảm, cấp phó quá nhiều, tiền tăng lương lúc nào cũng khó, mới đề cập sơ qua ba vấn đề đó cũng đã cho thấy mức độ “gian nan” trong các nội dung chất vấn dành cho Bộ trưởng Thái Bình.

Mặt khác cho đến tận bây giờ, câu hỏi thực sự có bao nhiêu phần trăm cán bộ công chức "sáng cắp ô đi tối cắp ô về" từ không ít đại biểu về vẫn chưa thể có câu trả lời đầy đủ từ vị tư lệnh ngành nội vụ.

Trong khi đó, đối thoại sâu, đi đến cùng các vấn đề luôn là điều được nhấn mạnh trong yêu cầu của các phiên chất vấn.

Nhưng có thể “đi đến cùng” hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào các vị đại diện cho dân. Bởi bên cạnh Bộ trưởng Thái Bình, như trên đã nói còn có ba vị đồng cấp luôn sẵn sàng chia lửa.

Và như thường lệ, sau khi các vị bộ trưởng trả lời chất vấn trực tiếp, Thủ tướng sẽ phát biểu làm rõ thêm những vấn đề có liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
 
Theo Nguyên Thảo

VnEconomy

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *