Dòng chảy vốn 03/05/2015 10:22

Hụt thu ngân sách 9.000 tỷ đồng từ xăng dầu do giá giảm

FICA - Mức tăng trong thu ngân sách (10%) thấp hơn mức tăng trong chi tiêu (12%) một phần bởi hụt thu từ xăng dầu.

Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô quý I do Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố, chi ngân sách quý I ước đạt 215 nghìn tỉ đồng, tương đương 26,6% GDP và 116% thu ngân sách.

 

Khoản mục lớn nhất trong chi ngân sách (70 đến 80% từng giai đoạn) là chi thường xuyên. Trong khi áp lực thâm hụt ngân sách gia tăng rõ rệt, thì vẫn chưa có dấu hiệu tiết giảm chi tiêu ngân sách và tinh giản biên chế.

 

Theo VEPR, thu ngân sách quý I ước đạt 226 nghìn tỉ đồng (tăng 10% yoy), kìm thâm hụt ngân sách ở mức 37 nghìn tỉ đồng (tương đương 4,6% GDP). Thu nội địa tăng 20% nhờ hoạt động kinh tế gia tăng và tính mùa vụ của quý I.

 

Mức tăng trong thu ngân sách (10%) thấp hơn mức tăng trong chi tiêu (12%) một phần bởi hụt thu từ xăng dầu. Theo Bộ Tài chính, mức hụt thu trong xăng dầu quý I khoảng hơn 9.000 tỉ đồng so cùng kỳ 2014 (-36% yoy) do giá bình quân chỉ đạt 58 USD/thùng so với giá 100 USD/thùng trong dự toán ngân sách.

 

VEPR cho rằng, tốc độ cải thiện thu ngân sách trong 3 quý còn lại sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào hoạt động sản xuất khi sức mua có sự điều chỉnh. Trong ngắn hạn, phần tăng thu ngân sách do hoạt động kinh tế gia tăng sẽ chưa bù đắp được phần giảm thu do giá năng lượng thấp, cán cân ngân sách đối mặt với khả năng thâm hụt thêm 45-64 nghìn tỉ đồng, tức là tỉ lệ thâm hụt ngân sách có thể đạt 6,0-6,5% GDP.

 

"Bù đắp ngân sách bằng tăng thuế và phí trong khi không tăng cường tiết chế chi thường xuyên sẽ gây hiệu quả tiêu cực tới tiêu dùng nếu người dân tiếp tục kỳ vọng thuế và phí tăng và sẽ tăng cường tiết kiệm thay vì chi tiêu", VEPR nhìn nhận.

 

VEPR cũng cho rằng, Nghị quyết số 01/NQ-CP về các nhiệm vụ và giải pháp điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán NSNN năm 2015 sẽ gặp nhiều thách thức trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới thay đổi.

 

Mục tiêu lạm phát (5% yoy) có thể không đạt được (mức dự báo chỉ 3%), trong khi thâm hụt ngân sách (mục tiêu 5% GDP) và nhập siêu (5% xuất khẩu) nhiều khả năng cao sẽ bị phá. Tái cân đối các cán cân vĩ mô trong năm 2015 đòi hỏi sự sắp xếp các ưu tiên, cân nhắc lại mục tiêu và quan điểm điều hành trong các nghị quyết giữa năm.

 

Phương Dung

 

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *