Dòng chảy vốn 13/05/2015 16:53

Hợp tác, sáp nhập sẽ “làm nóng” ngành ô tô thời gian tới

FICA – Theo VDSC, sự thâm nhập khá mạnh của các dòng xe Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc đang tạo sức ép cho các doanh nghiệp ô tô trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp lắp ráp. Ngành ô tô vì thế sẽ vẫn còn đón nhận nhiều thông tin về hợp tác, sáp nhập trong thời gian tới.

Sau phiên giảm mạnh hơn 7 điểm ngày 12/5, hôm nay (13/5), thị trường chứng khoán tiếp tục đỏ sàn với việc VN-Index mất thêm 1,59 điểm tương ứng 0,29%. HNX-Index mặc dù tăng 0,22 điểm tương ứng 0,27% song số mã tăng lại lép vế so với số mã giảm (có 94 mã giảm giá so với 86 mã tăng).

Trong phiên giao dịch này, cổ phiếu TMT của CTCP ô tô TMT gây chú ý khi được ngược xu hướng giảm của thị trường với mức tăng mạnh lên tới 2.300 đồng (chỉ còn cách giá trần 100 đồng/cp). Bên cạnh đó, cổ phiếu HHS của CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy cũng tăng thêm 400 đồng (1,7%). Cổ phiếu này liên tục tăng trần khi hai quỹ Thái Lan liên tiếp nâng tỷ lệ sở hữu đối với cổ phiếu này.

Hai cổ phiếu này gần đây “tạo sóng” trên thị trường chứng khoán trong khi diễn biến các chỉ số không ổn định. Sức hút của HHS gia tăng sau khi công ty này công bố mua lại 99,78% cổ phần CTCP Phát triển Dịch vụ Hoàng Giang, qua đó gia tăng vị thế trên phân khúc kinh doanh xe tải hạng trung và hạng nặng. Trong khi đó, TMT cũng có kế hoạch mua lại toàn bộ cổ phần Vinamotor.

Theo nhận định của CTCK Rồng Việt (VDSC), thực chất, thông tin về việc hợp tác giữa các nhà đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp ô tô nội địa đã trở thành chủ đề “nóng” liên tục được cập nhật gần đây.

Theo tổng hợp thống kê của VDSC, tỷ lệ sở hữu xe hơi ở Việt Nam vẫn còn thấp hơn so với một số nước. Cụ thể, tại Việt Nam, trên 1.000 người thì mới chỉ có 33 người là có xe hơi, trong khi Trung Quốc là 44 người, Malaysia là 324 người và Singapore là 117 người.

Tuy nhiên, ngành ô tô đang nhận được nhiều yếu tố hỗ trợ. Cụ thể, theo lộ trình, thuế nhập khẩu sẽ giảm từ 50% năm 2015 xuống 20% năm 2016; 10% năm 2017 và còn 0% trong năm 2018. Bên cạnh đó, lệ phí trước bạ cũng giảm từ 15% xuống còn 10%. Nhu cầu tiêu dùng xe hơi liên tục tăng. Điều này thể hiện qua số lượng xe nhập khẩu và lắp ráp đều tăng trong năm 2014.

Theo thống kê của của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong năm 2014 lượng xe bán ra của các thành viên VAMA lên tới 157.800 xe, tăng 43% so với năm 2013 và dự báo tiêu thụ năm 2015 sẽ đạt 200.000 xe. Tính đến hết tháng 12/2014, lượng bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 32% trong khi xe nhập khẩu tăng 83% so với năm trước đó.

Trung Quốc, Thái Lan và Ấn Độ là những nước có xe nhập vào Việt Nam nhiều nhất (Việt Nam nhập từ Trung Quốc 5.643 xel Ấn Độ 4.936 xe).

Theo VDSC, sự thâm nhập khá mạnh của các dòng xe Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc đang tạo sức ép cho các doanh nghiệp ô tô trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp lắp ráp.

“Trong bối cảnh này, bản thân các doanh nghiệp đang tìm những hướng đi riêng thông qua hợp tác với các dòng xe nước ngoài. Ngành ô tô vì thế sẽ vẫn còn đón nhận nhiều thông tin về hợp tác, sáp nhập trong thời gian tới” – theo VDSC.

Bích Diệp

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *