Dòng chảy vốn 28/08/2014 09:00

Hàng không Việt Nam: Bất ngờ với những “kỳ tích”

Theo Hiệp hội vận tải Hàng không quốc tế (IATA), hiện ngành hàng không hiện đóng góp 6 tỷ USD cho GPD Việt Nam và tạo ra hơn 230.000 việc làm cho người dân.

Việt Nam xếp thứ 7 trong số những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới, giai đoạn từ 2013 – 2017.

Ảnh minh họa

Việt Nam sẽ xếp thứ 7 trong số những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới, với tỷ lệ vận chuyển hành khách quốc tế đạt 6,9%

Hiệp hội vận tải Hàng không quốc tế (IATA) vừa phối hợp cùng Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tổ chức hội thảo với chủ đề “Hàng không: Chắp cánh tăng trưởng kinh tế và kết nối Việt Nam với thế giới”. Tại đây những vấn đề liên quan đến những cơ hội, thách thức đối với sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam đã được các chuyên gia đem ra bàn luận.

Theo ông Tony Tyler, Tổng Giám đốc IATA, Việt Nam là thị trường hàng không năng động và phát triển nhanh chóng. Sự phát triển mạnh mẽ của hàng không sẽ mang lại lợi nhuận rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Do vậy, lĩnh vực hàng không cần được coi trọng như một ngành kinh tế chiến lược và cần được quan tâm đúng đắn.

Dẫn chứng về vấn đề này, ông Tony Tyler chia sẻ, ngành hàng không hiện đóng góp 6 tỷ USD cho GPD Việt Nam và tạo ra hơn 230.000 việc làm cho người dân. Trong giai đoạn 2008-2013, lượng khách đi lại bằng đường hàng không của Việt Nam đã tăng thêm 96%.


Trong khi đó, theo ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam, đối với các hãng hàng không Việt Nam, điều quan trọng nhất để phát triển bền vững là đảm bảo an toàn bay tuyệt đối và hoàn thiện chất lượng dịch vụ tới khách hàng, đặc biệt là nâng cao các chỉ số khai thác, đảm bảo đúng giờ. Các hãng cần nhanh chóng đưa vào ứng dụng các chương trình quản lý an toàn của IATA và đạt chứng chỉ công nhận phù hợp với các tiêu chuẩn đánh giá về an toàn khai thác (IOSA).

Cũng theo ông Minh, Vietnam Airlines đã được cấp chứng chỉ IOSA từ năm 2006, liên tục được đánh giá định kỳ để gia hạn như là một phần quan trọng trong chương trình quản lý an toàn của hãng. Để hội nhập quốc tế, Vietnam Airlines đã tích cực gia nhập các tổ chức, liên minh hàng không có uy tín trên thế giới như thành viên của IATA từ năm 2006, thành viên của Liên minh Hàng không toàn cầu SkyTeam từ năm 2010.

Cùng với những phân tích về ngành hàng không, trong buổi hội thảo với chủ đề “Hàng không: Chắp cánh tăng trưởng kinh tế và kết nối Việt Nam với thế giới”, các chuyên gia còn thảo luận nhiều vấn đề nổi cộm của ngành hàng không. Trong đó đặc biệt chú ý đến phát triển cơ sở hạ tầng, an toàn hàng không và yêu cầu ưu tiên của các hãng hàng không đối với các sân bay. 

Ngoài ra, hội thảo có hai tham luận lớn là chính sách hàng không, cơ sở hạ tầng, dịch vụ nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam và xu hướng toàn cầu, sự hội nhập của Việt Nam với thế giới.

IATA cho rằng, cơ sở hạ tầng là một yếu tố quan trọng trong lĩnh vực HK và cần được chú trọng nâng cấp. Theo Báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam xếp thứ 82 về chỉ số cơ sở hạ tầng và xếp thứ 6 trong số 10 quốc gia ASEAN. Việt Nam đang dần nâng cao vị trí xếp hạng với những khoản đầu tư đáng kể. 

Trong Chiến lược phát triển ngành giao thông vận tải, Việt Nam sẽ có 26 sân bay vào năm 2020 và hiện đang trong quá trình phát triển mở rộng hai sân bay tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cùng với sân bay quốc tế mới Long Thành sẽ được đưa vào hoạt động năm 2020.

Trước những tiềm lực trên, IATA cũng đã đưa ra những dự báo về ngành hàng không trong giai đoạn từ 2013 – 2017. Trong đó, Việt Nam xếp thứ 7 trong số những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới, với tỷ lệ vận chuyển hành khách quốc tế đạt 6,9%; vận chuyển hàng hóa quốc tế đạt 6,6%. Cùng sự tự do hóa vận tải hàng không trong ASEAN, nhu cầu đi lại được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng từ năm 2015.

Hội thảo với chủ đề “Hàng không: Chắp cánh tăng trưởng kinh tế và kết nối Việt Nam với thế giới”.được tổ chức tại Việt Nam đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngành hàng không thương mại thế giới. Ngày 1/1/1914, ngành hàng không bắt đầu được hình thành với 1 chiếc máy bay, vận chuyển 1 hành khách trên 1 đường bay.

Đến nay, ngành hàng không đã vận chuyển được 3.3 tỷ hành khách và 52 triệu tấn hàng hóa an toàn, cung cấp việc làm cho 58 triệu người trên thế giới, giá trị hàng hóa vận chuyển là 6,8 tỷ USD, bằng 1/3 tổng giá trị hàng hóa được vận chuyển trên toàn thế giới.

Theo Yến Nhi

VNmedia

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *