Dòng chảy vốn 14/10/2014 08:33

Hàn Quốc chuyển giao 100 công nghệ cho Việt Nam

FICA - Trong đó bao gồm các công nghệ chủ yếu trong các lĩnh vực như: cơ khí - chế tạo, dệt may - da giày, điện - điện tử và ô tô - xe máy.

alt

Trong khuôn khổ hợp tác về công nghiệp hỗ trợ giữa Bộ Công Thương và Bộ Thương mại, Năng lượng và Công nghiệp Hàn Quốc, năm 2015, phía Hàn Quốc sẽ chuyển giao 100 công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong đó bao gồm các công nghệ chủ yếu trong các lĩnh vực như: cơ khí - chế tạo, dệt may - da giày, điện - điện tử và ô tô - xe máy.

Theo Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ giữa Việt Nam và Hàn Quốc, do Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) và Bộ Công thương Việt Nam (MOIT) ký ngày 24/1/2013 tại Hà Nội, Hàn Quốc đã và đang tổ chức các lớp tập huấn về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ và các lớp đào tạo chuyên sâu cho các học viên Việt Nam.

Theo đó, Hàn Quốc sẽ chuyển giao cho Việt Nam hơn 130 công nghệ thuộc các ngành, lĩnh vực điện tử, ôtô, cơ khí, dệt may nhằm phục vụ thiết thực cho sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Hiện tại Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2014, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm 3,55 tỷ USD, chiếm 31,8% tổng vốn FDI. Dự án của Công ty TNHH Samsung Display Bắc Ninh gần đây của nhà đầu tư Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký một tỷ USD góp phần đưa nước này đứng vị trí số một về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong 9 tháng.

Nhiều chuyên gia dự báo, Hàn Quốc sẽ giữ vững ngôi vị nhà đầu tư số một tại Việt Nam trong năm 2014. Nhận định này được đưa ra khi giới chức Hàn Quốc liên tục có những đánh giá tích cực về môi trường đầu tư tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc sau khi đã đầu tư tại Việt Nam cũng đang tiếp tục có ý định mở rộng đầu tư.

Sự trỗi dậy của làn sóng đầu tư Hàn Quốc được đánh giá từ các dự án đầu tư có sức ảnh hưởng lớn với vốn cam kết lên đến hàng tỉ USD Mỹ của tập đoàn điện tử Samsung, LG... đã kéo theo nhiều nhà cung cấp phụ tùng Hàn Quốc đi cùng với quy mô đầu tư lớn không kém. Chỉ riêng hai tổ hợp sản xuất của Samsung ở Bắc Ninh đã kéo theo hơn 40 nhà cung cấp Hàn Quốc đi cùng. Tập đoàn này dự kiến sẽ tiếp tục rót hàng tỉ USD vào Việt Nam cho nhiều dự án khác trong đó có cả dự án điện tử, hạ tầng, hàng không, đóng tàu..

Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực điện tử, hàng loạt tập đoàn về thương mại, dịch vụ, sản xuất khác như Lotte, chuỗi rạp chiếu phim CGV, CJ, Kumho... cũng đang không ngừng mở rộng kinh doanh và tăng cường sự hiện diện sâu rộng ở thị trường Việt Nam.

Song song với đầu tư, hợp tác thương mại song phương Việt Nam – Hàn Quốc đã có sự tăng trưởng đáng kể trong hơn 2 thập kỷ qua. Thương mại hai chiều đã tăng gần 55 lần, từ 0,5 tỷ USD năm 1992 lên 27,3 tỷ USD năm 2013. Năm 2013, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, và Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Hàn Quốc.

Hàn Quốc là thị trường tiêu thụ quan trọng đối với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng nông sản. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc chủ yếu là máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy, xăng dầu, sắt thép, chất dẻo, hóa chất, phương tiện vận tải... Một trong những đặc điểm nổi bật trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc là cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu có tính bổ sung rõ nét, cơ bản không cạnh tranh trực tiếp.

Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *