Dòng chảy vốn 26/05/2015 08:46

Hạ tầng giao thông Việt Nam đứng vị trí 74 trên thế giới

FICA - Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năm 2014, năng lực và chất lượng hạ tầng giao thông Việt Nam đứng ở vị trí 74 trên thế giới, tăng 16 bậc so với năm 2012 và tăng 29 bậc so với năm 2010. Chủ trương BOT là lý do giao thông được nâng hạng.

Cụ thể, năm 2010, WEF xếp hạng hạ tầng giao thông Việt Nam ở vị trí 103 và đến năm 2012 thì vị trí này tăng lên thứ hạng 90 trên thế giới.

 

Những dự án tốt nhất của Việt Nam đã và đang góp phần nâng hạng hạ tầng giao thông phải kể tới là đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Hà Nội - Thái Nguyên, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Đà Nẵng - Quảng Ngãi; đường trên cao vành đai 3 - Hà Nội và đại dự án Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 từ Hà Nội đến Cần Thơ sẽ thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2015... Cùng với đó là các cảng hàng không T2 Nội Bài, Phú Quốc, Vinh và nhiều cây cầu lớn...

 

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

 

Theo các chuyên gia trong ngành giao thông vận tải (GTVT), hiệu quả nhìn thấy từ vị trí xếp hạng hạ tầng giao thông cũng chính là hiệu quả từ việc thu hút nguồn vốn xã hội hóa từ các thành phần kinh tế, huy động nguồn lực đầu tư tư nhân, nguồn lực đầu tư nước ngoài tham gia vào việc xây dựng hạ tầng giao thông (gọi chung là vốn BOT: Xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

 

Cho đến nay, ngành GTVT đã và đang triển khai thực hiện 68 dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT; trong đó, 20 dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác đảm bảo chất lượng, tiến độ đầu tư các dự án được rút ngắn. Nhiều dự án hạ tầng giao thông khác không sử dụng ngân sách Nhà nước đã được các doanh nghiệp tự đầu tư như cảng biển, đường cao tốc, sân bay.

 

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết: “Trong lĩnh vực đường bộ, từ trước tới nay toàn bộ vốn ODA được đầu tư là 18 tỷ USD, nhưng chỉ riêng huy động vốn từ nguồn lực xã hội hóa những năm gần đây đã thu hút được 180.000 tỷ đồng, tức là 9 tỷ USD, con số này bằng 50% vốn ODA dành cho GTVT. Rõ ràng, nếu như không dùng vốn BOT thì “bộ mặt” hạ tầng giao thông sẽ không được như ngày nay”.

 

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, bằng các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước, ngành GTVT đã đưa vào sử dụng hàng nghìn km đường bộ, trong đó có khoảng 700 km đường cao tốc. Do huy động thêm được các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nên đến nay năng lực và chất lượng của hạ tầng giao thông Việt Nam đã được cải thiện đáng kể.

 

Hình thức đầu tư BOT hiện là hình thức đầu tư phổ biến trên thế giới, vì ngoài việc khắc phục sự thiếu hụt nguồn lực đầu tư công thì đây là hình thức đầu tư có sự giám sát chặt chẽ của nhiều bên (nhà đầu tư, cơ quan nhà nước, ngân hàng và người sử dụng), không làm tăng nợ công trong điều kiện nợ công đang ở mức cao như hiện nay, huy động được nguồn vốn nhàn rỗi của người dân thông qua các tổ chức tín dụng, hạn chế tình trạng lãng phí, tham nhũng trong đầu tư xây dựng. Đây cũng là giải pháp góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu các lĩnh vực vận tải, nhằm năng cao năng suất, hạ giá thành vận tải, qua đó nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế.

 

Tại Việt Nam, việc sớm hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án đã phát huy ngay hiệu quả, mang lại lợi ích trên nhiều phương diện: tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và trực tiếp làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

 

Việc huy động nguồn vốn xã hội hóa đã góp phần 
Việc huy động nguồn vốn xã hội hóa đã góp phần 
thay đổi “bộ mặt” hạ tầng giao thông 

 

Với các dự án cụ thể, ngoài việc tính toán đảm bảo hiệu quả tài chính hoàn vốn đầu tư, Bộ GTVT đã chỉ đạo tư vấn đánh giá tổng thể hiệu quả kinh tế - xã hội. Các tuyến đường được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới đã mang lại nhiều lợi ích do tiết kiệm nhiên liệu; giảm chi phí sửa chữa, khấu hao phương tiện; lợi ích mang lại cho người sử dụng lớn hơn so với mức phí người sử dụng phải đóng và các lợi ích mang lại không định lượng được bằng tiền như giảm thiểu tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, rút ngắn thời gian đi lại...

 

Đơn cử như đối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, ước tính giảm 50% thời gian đi lại, giảm khoảng 30% chi phí; Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Vinh giảm khoảng 30% thời gian đi lại, giảm khoảng 20% chi phí; đối với Quốc lộ 14 (đoạn từ Pleiku - Cầu 110) tỉnh Gia Lai, lợi ích mang lại khoảng 244 tỷ đồng/năm, trong khi doanh thu từ thu phí sử dụng đường bộ khoảng 167 tỷ đồng/năm; đối với Quốc lộ 14 đoạn qua tỉnh Đắk Nông, lợi ích mang lại khoảng 104 tỷ đồng/năm, trong khi doanh thu từ thu phí sử dụng đường bộ khoảng 79 tỷ đồng/năm...

 

Cần phải nói thêm rằng, những năm qua, do nguồn lực đầu tư công hạn hẹp, nhiều dự án phải tạm dừng, giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ nhằm thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; nhiều dự án quan trọng, cấp bách đều không thể cân đối được nguồn vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư. Trong bối cảnh đó, ngành giao thông vận tải (GTVT) cùng nhiều Bộ ngành và địa phương đã bước đầu thành công trong việc huy động các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước để đầu tư phát triển những dự án quan trọng, cấp bách.

 

Rõ ràng, việc huy động nguồn lực đầu tư tư nhân là một chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đã mang lại hiệu quả trên mọi phương diện, góp phần phát huy nội lực, tăng cường sử dụng sản phẩm, hàng hóa, công nghệ và dịch vụ trong nước để giảm chi phí sản xuất, giảm nhập siêu... Với chủ trương xã hội hóa, chắc chắn năng lực và chất lượng hạ tầng giao thông của Việt Nam sẽ còn được nâng hạng trong thời gian tới.

 

Châu Như Quỳnh

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *