Dòng chảy vốn 16/12/2013 08:04

GS.TSKH Nguyễn Mại: Cứ khoanh nợ, giãn nợ mãi thì không tái cơ cấu được

"Ngân hàng nhà nước phải chịu trách nhiệm. Ngân hàng nhà nước đừng đi buôn vàng nữa mà phải giám sát tình hình tài chính tiền tệ theo hướng làm thế nào cho các ngân hàng thương mại theo đúng nghĩa kinh doanh tiền tệ để phục vụ cho các dự án hiệu quả hoặc các doanh nghiệp đang gặp khó khăn cần vốn kinh doanh”.

GS.TSKH Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch&Đầu tư đã chia sẻ với Đất Việt như vậy khi bàn về câu chuyện các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước nợ nhiều trong khi làm ăn không hiệu quả. Cùng với đó là móc xích của bài toán tái cơ cấu.



Không có nước nào như nước ta



PV: - Thưa ông, trong lúc các ý kiến của chuyên gia khác cho rằng phải ráo riết thực hiện tái cấu trúc các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước thì ông lại cho rằng điều này là vô cùng khó. Nên tránh “tảng đá” này ra và tìm một hướng khác để thúc nhóm doanh nghiệp tư nhân mạnh lên. Xin ông có thể phân tích kỹ hơn vì sao ông này có suy nghĩ này?



Ông Nguyễn Mại: - Đây không phải là ý kiến của cá nhân tôi mà là của một người rất nổi tiếng là ông Joseph Stiglitz, từng là nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới và Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của cựu Tổng thống Bill Clinton, được giải Nobel kinh tế.



Chính ông Joseph Stiglitz nói rằng, các nước như Việt Nam vấn đề tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước là rất khó. Lý do là ý thức hệ đã như vậy.



Như mới đây Hiến pháp được thông qua cũng khẳng định kinh tế nhà nước là chủ đạo. Cho nên tốt nhất làm được chừng nào tốt chừng ấy nhưng đừng tập trung quá đáng mà nên tập trung thu hút đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân.



Khi 2 nhóm này cao lên thì tỷ trọng doanh nghiệp nhà nước sẽ giảm đi thôi. Tôi cũng ủng hộ quan điểm này.

GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng không nên chọn con đường khác để đẩy mạnh nền kinh tế thay vì chúi vào tập đoàn, DNNN
GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng nên chọn con đường khác để đẩy mạnh nền kinh tế thay vì chúi vào tập đoàn, DNNN

PV: - Vâng thưa ông, theo báo cáo mới đây, tổng số nợ của các tập đoàn Nhà nước gần 1.35 triệu tỷ, chiếm khoảng 50% GDP, trong đó, nợ ngân hàng của riêng những “ông lớn” này chiếm 1/3 tổng dư nợ của cả nền kinh tế. Ông bình luận như thế nào về số nợ rất lớn này, đặc biệt, khi các doanh nghiệp nhà nước từ lâu vẫn bị đánh giá là kinh doanh yếu kém, bắt người dân gánh lỗ?



Ông Nguyễn Mại: - Theo tôi biết một số ngân hàng khó khăn cũng vì câu chuyện này. Ví dụ như Habubank. Cũng chỉ vì Habubank đã cho Vinashin vay. Vì Vinashin không thể thanh toán nổi nên đẩy Habubank đến bờ vực phá sản và phải sáp nhập với Sacombank.



Vì sao lại như vậy? Vừa rồi ông Lý Quang Diệu cũng có một bình luận rất hay rằng đổi mới của Việt Nam chậm lại vì rất nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là ý thức hệ.



Bây giờ chúng ta vẫn giữ một quan niệm cần có giữ doanh nghiệp nhà nước. Không có nước nào không có doanh nghiệp nhà nước nhưng ta lại không thấy một điều quan trọng nhất chính là lợi ích của dân. Làm thế nào để họ không lấy tiền thuế của dân và phải đóng góp vào thu ngân sách để tăng phúc lợi cho dân thì cái đó không ai đánh giá hết.



Mới đây tôi rất quan tâm đến kiến nghị của Ngân hàng thế giới về chuyện giá điện phải tăng lên 10 cent mới thu hút được đầu tư vào ngành điện. Nếu tranh luận thì tôi phản đối điều này. Lý do là vì giá thị trường không phải là giá chung của thế giới. Chúng ta có tiền lương, có mức sống khác với họ.

Chính phủ đã công bố thu nhập bình quân đầu người của chúng ta khoảng 1.960 USD vào năm 2013, Mỹ trên 40.000 USD/đầu người; Singapore là 45.000 USD/đầu người… làm sao ta theo được giá thế giới?



Tiền lương giá cả luôn luôn phải tương xứng nhau chứ đưa lên 10 cent thì chết, sao mà sống được. Như thế là bắt dân chịu lỗ thay cho doanh nghiệp.



Nếu muốn giải cứu DNNN thì chúng ta phải hiểu cái gì đất nước này cần. Đã có lúc Đảng ta có phương án rất hay. Tư tưởng chỉ đạo là cái gì dân doanh làm được hiệu quả hơn thì để dân doanh làm. Hoặc những gì kinh tế doanh dân không làm hoặc không nhiều thì doanh nghiệp nhà nước bắt buộc phải làm. Khi đó để DNNN phải làm có phải tốt không?



PV: -  Một điếm đáng chú ý trong báo cáo về các tập đoàn nhà nước là, nợ ngân hàng thương mại của các tập đoàn chiếm 1/3 tổng dư nợ của nền kinh tế. Trong khi đó, sở hữu chéo tập đoàn nhà nước – ngân hàng là một trong ba nhóm chính trong ma trận sở hữu chéo đã được chỉ ra. Nhìn vào thực tế này, ông có bình luận gì? Việc tập đoàn nhà nước dù luôn báo kinh doanh lỗ mà lại có được những khoản vay lớn như vậy là vì sao?

Ông Nguyễn Mại: - Tôi xin đưa ra 2 trường hợp DNNN là VNPT và Viettel. VNPT vừa kỷ niệm 60 năm thành lập. Còn Viettel mới thành lập năm 1997 cũng là một doanh nghiệp nhà nước, sinh sau đẻ muộn.

Thế nhưng năm 2013 tất cả chỉ tiêu, doanh số đầu tư ra nước ngoài, lãi thì Viettel cao hơn nhiều VNPT.


Vì sao vậy? Vì Viettel chọn được ông Tổng giám đốc có tầm nhìn, chiến lược kinh doanh tốt và có cả đội ngũ nghiên cứu công nghệ không chỉ cho Viettel mà cho cả quốc phòng an ninh.

Nếu các tập đoàn nhà nước chọn người đứng đầu như vậy thay vì những người như Dương Chí Dũng, Nguyễn Thanh Bình thì DNNN cũng không đến nỗi tệ như bây giờ.

Ngân hàng nhà nước phải chịu trách nhiệm

PV: - Vâng, thưa ông và cũng chính vì cái sự làm ăn không hiệu quả nhưng không ít tập đoàn, DNNN vẫn được vay vốn rất nhiều và tiếp tục thua lỗ khiến dư luận đặt vấn đề ngân hàng thương mại đang bị biến thành con tin của doanh nghiệp. Điều này có xảy ra với mối quan hệ ngân hàng – tập đoàn nhà nước hay không, thưa ông? Ai phải chịu trách nhiệm về việc tập đoàn nhà nước được vay quá nhiều, làm suy yếu hệ thống ngân hàng, thưa ông?

Ông Nguyễn Mại: - Câu chuyện ấy không phải chỉ doanh nghiệp nhà nước. Sở hữu chéo có cả mà cả các tư nhân, đại gia. Hãy nhìn xem bao nhiêu doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể vay vốn được ngân hàng? Không đáng bao nhiêu cả.

Không có nước nào như nước ta, Tập đoàn nào cũng có bảo hiểm. Tập đoàn nào cũng có công ty chứng khoán, ngân hàng… rõ ràng sở hữu chéo là phải thôi. Không ai kiểm soát được. Còn các nước khác, ngân hàng là độc lập để kiểm soát rủi ro của doanh nghiệp. Ngân hàng sẽ phải là đơn vị quan tâm nhất tới việc thẩm định dự án chứ không phải là cơ quan nhà nước. Lý do là vì ngân hàng cho vay tới 70% vốn chứ không phải cho vay theo quan hệ, chỉ định.

Ngân hàng nhà nước phải chịu trách nhiệm này. Ngân hàng nhà nước đừng đi buôn vàng nữa mà phải giám sát tình hình tài chính tiền tệ theo hướng làm thế nào cho các ngân hàng thương mại theo đúng nghĩa kinh doanh tiền tệ để phục vụ cho các dự án hiệu quả hoặc các doanh nghiệp đang gặp khó khăn cần vốn kinh doanh.

Lúc này Ngân hàng nhà nước phải thẩm định hướng phát triển của người ta để quyết định cho vay chứ không phải bắt thế chấp trong khi họ chẳng có gì để thế chấp cả.

Ví dụ bà Phạm Thị Diệu Hiền của Công ty thủy sản Bình An phá sản cũng là nhờ quan hệ tốt vay được nhiều. Cho nên tôi muốn nói NHNN mà đi buôn vàng thì hỏng.

PV: - Tới thời điểm này, một ví dụ về tái cơ cấu kinh tế là Vinashin. Theo đó, tái cơ cấu bằng cách chuyển những doanh nghiệp khó khăn cho các tập đoàn khác, khoanh nợ giãn nợ… Theo ông, có thể tiến hành tái cơ cấu các tập đoàn nhà nước theo cách này được không và vì sao? Nếu như vậy, phải yêu cầu cho việc tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế ra sao và muốn làm được thì phải có quyết tâm như thế nào?

Ông Nguyễn Mại: - Năm 1995 nước ta đã có một câu chuyện về dâu tằm tơ. Khi đó ông Tổng giám đốc có tên là Nguyễn Văn – một người rất nổi tiếng định thành lập thủ đô dâu tằm tơ tại Lâm Đồng. Ông này cũng nhận được rất nhiều ưu ái và rồi nợ đến 500-600 tỉ đồng. Khi đó tôi là Phó Chủ nhiệm Ủy ban đầu tư cũng phải tham gia giải cứu doanh nghiệp này.

Sau đó doanh nghiệp này cũng được khoanh nợ rồi xóa nợ. Cách làm như thế thì chết. Với Vinashin đã chết, Vinalines lại chết nữa nên không thể đi theo vết xe đổ được.

Nợ xấu tại sao không công khai được mà lại chuyển nợ xấu rồi đảo nợ? Tự nhiên khoản nợ xấu khoảng 10-15% thành nợ mới – không xấu. Và nợ xấu chỉ còn có 5%, một con số rất đẹp. Tuy nhiên đây không phải là thực trạng của nền kinh tế.

Cứ xem nhận định của các tổ chức nước ngoài xem bao nhiêu ngân hàng của Việt Nam nằm trong tình trạng phá sản. Tất nhiên chúng ta không nên để cho ngân hàng phá sản mà phải sáp nhập nhanh với các ngân hàng đang hoạt động tốt để phá đi tình trạng trì trệ của ngành ngân hàng. Phải làm nhanh thôi. Thế nhưng 3 năm nay rồi đã bao nhiêu ngân hàng sáp nhập?

PV: - Vậy với cách làm như hiện nay thì theo ông khi nào tái cơ cấu của chúng ta thành công? Nếu không tái cơ cấu được các tập đoàn nhà nước thì có thể nói đến việc tái cơ cấu cả nền kinh tế hay không? Và nếu nền kinh tế vẫn tiếp tục trì trệ thì hậu quả nhìn thấy được sẽ là gì?

Ông Nguyễn Mại: - Nếu cứ làm thế thì không tái cơ cấu được!

PV: - Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Bích Ngọc

Báo Đất Việt

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *