Dòng chảy vốn 30/11/2013 11:30

Gỡ rào xử lý "hậu Vinashin"

FICA - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có tờ trình lên Chính phủ quy định rõ về hình thức chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có tờ trình lên Chính phủ Nghị định về bán, giao, chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc sở hữu của các bộ, UBND cấp tỉnh hoặc công ty TNHH một thành viên do công ty mẹ làm chủ sở hữu.

Theo dự thảo này, chỉ được bán các công ty TNHH một thành viên, công ty thành viên (gọi chung là doanh nghiệp)không phụ thuộc vào quy mô vốn nhà nước thuộc diện bán doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc thuộc diện cổ phần hóa nhưng không thực hiện cổ phần hóa được.

Giao doanh nghiệp cũng chỉ được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện: giá trị tổng tài sản trên sổ kế toán dưới 15 tỷ đồng; không có lợi thế về đất đai; thuộc diện giao doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc thuộc diện bán nhưng không bán được.

Đáng chú ý, Nghị định quy định rõ về việc chuyển giao các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Đây cũng là lần đầu tiên hình thức chuyển giao doanh nghiệp được luật hóa thành văn bản. Theo đó, việc chuyển giao các doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện: là doanh nghiệp hoạt động trong ngành kinh doanh có liên quan chặt chẽ tới lĩnh vực kinh doanh chính của đơn vị tiếp nhận; không thuộc diện giải thể hoặc phá sản; thuộc diện chuyển giao đã được Thủ tướng phê duyệt.

Về doanh nghiệp chuyển giao, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ bao gồm cả công ty TNHH do công ty mẹ và công ty TNHH thuộc bộ, UBND cấp tỉnh làm chủ sở hữu trong khi đó doanh nghiệp nhận chuyển giao chỉ giới hạn là công ty mẹ là TNHNN một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty, nhóm công ty.

Quy định này nhằm giảm số lượng doanh nghiệp thuộc các Bộ, UBND cấp tỉnh và từng bước tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của cơ quan nhà nước.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do đối tượng doanh nghiệp thực hiện chuyển giao thường là doanh nghiệp gặpp khó khăn về tài chính, thua lỗ kéo dài, nợ lớn... nên đơn vị tiếp nhận đều phải thực hiện tái cơ cấu toàn diện các doanh nghiệp này sau chuyển giao. Vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp chuyển giao để doanh nghiệp sắp xếp, tổ chức lại lao động phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh mới.

Việc quy định cụ thể về hình thức chuyển giao doanh nghiệp được coi là động thái "gỡ rào" về cơ chế cho việc tái cơ cấu của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy  SBIC - "hậu Vinashin" khi mà sắp tới đây SBIC sẽ phải chuyển giao hàng chục doanh nghiệp từ Vinashin sang các tập đoàn và tổng công ty khác.

Dù trước đó chưa có quy định cụ thể nào về hình thức chuyển giao doanh nghiệp tuy nhiên đây không phải là những trường hợp chuyển giao doanh nghiệp giữa các đại diện chủ sở hữu nhà nước đầu tiên. Cách đây 3 năm, 7 công ty con, 23 công ty “cháu” của tập đoàn này đã được chuyển giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Vinalines, hay việc chuyển giao EVN Telecom (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) sang Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) mới đây. Ngoài ra, trên 900 DNNN, bao gồm cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có một phần vốn nhà nước, đã được chuyển giao cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) từ năm 2006 đến nay.

Bán doanh nghiệp là việc chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp có thu tiền.

Giao doanh nghiệp là việc chuyển đổi sở hữu không thu tiền đối với công ty TNHH một thành viên, công ty thành viên thành sở hữu của tập thể người lao động trong doanh nghiệp có phân định rõ sở hữu của từng người.

Chuyển giao doanh nghiệp là quá trình chuyển quyền đại diện chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu đối với công ty TNHH một thành viên, công ty thành viên giữa bên chuyển giao và bên tiếp nhận chuyển giao.

Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *