Dòng chảy vốn 16/12/2014 16:35

FTA Việt Nam - EU sẽ được nghiên cứu bằng... "số liệu"

FICA - Việt Nam và Đan Mạch sẽ phối hợp nghiên cứu để đưa ra những nhận định và đánh giá "có số liệu" về các tác động của Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) dự kiến được ký kết vào năm sau 2015.

Theo thỏa thuận hợp tác giữa Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) của Việt Nam với Đại sứ quán Đan Mạnh sáng nay 16/12, phía Đan Mạch sẽ hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu và đưa ra con số định lượng (bằng số liệu) những tác động của Hiệp định thương mại song phương (FTA) Việt Nam – EU, dự kiến được ký kết vào năm 2015.

 

Tên gọi của nghiên cứu này là: “Khai mở tiềm năng: Tác động của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU đối với cải cách chính sách và thể chế”.

 

Theo thỏa thuận, hai bên sẽ cùng phối hợp nghiên cứu để đưa ra những con số thống kê chính xác cũng như nhận định xu hướng về những tác động tích cực cũng như tiêu cực mà FTA Việt Nam – EU có thể mang lại. Các tác động đó là việc cắt giảm thuế quan đối với hàng xuất nhập khẩu ảnh hưởng thế nào đối với doanh nghiệp Việt Nam, Tác động FTA đối với cải cách thể chế và cải cách thể chế mang lại đối với cộng đồng doanh nghiệp và thị trường…

 

Đây là nghiên cứu đầu tiên bằng định lượng về tác động của các hiệp định FTA của Việt Nam với đối tác Châu Âu sẽ được dự kiến đưa ra vào tháng 9/2015. Dự án này cũng được mong chờ bởi những con số đánh giá thay vì những nghiên cứu định tính (dự báo xu hướng và những đánh giá câu chữ) được đưa ra trước đó. 

 

Gần đây một số nghiên cứu định lượng về tác động của việc cắt giảm thuế quan liên quan đến việc triển khai FTA đã được thực hiện. Tuy nhiên, những nghiên cứu này chưa xem xét thấu đáo đến những điều chỉnh về chính sách và thể chế cần thiết cho việc tuân thủ Hiệp định, đồng thời cũng chưa đánh giá mức độ sẵn sàng của chính phủ cũng như của cộng đồng kinh doanh một khi Hiệp định bắt đầu có hiệu lực…

 

Hiện FTA Việt Nam – EU đang trong quá trình đàm phán, dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2015. Đây là Hiệp định thương mại tự do song phương lớn của Việt Nam với hơn 28 quốc gia trong liên minh EU và được dự báo sẽ có nhiều tác động cả tích cực lẫn tiêu cực đến tình hình kinh tế vĩ mô cũng như sự phát triển của doanh nghiệp, thị trường Việt Nam.

 

“Việt Nam cần cân nhắc kĩ càng với tư cách là một nền kinh tế nhỏ tham gia FTA cùng những đối tác lớn như EU, hay Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), và những hiệp định thương mại tự do khác. Báo cáo và những kết luận của dự án nghiên cứu này sẽ được trình lên những nhà hoạch định chính sách. Tôi hy vọng rằng các khuyến nghị mà nghiên cứu đưa ra sẽ đóng một vai trò quan trọng đối với việc xây dựng định hướng chính sách cho Việt Nam trong tương lai”, Đại sứ John Nielsen kết luận.    

 

Theo cam kết của hai bên, Nghiên cứu trên sẽ đem lại những đóng góp toàn diện hơn về mặt xây dựng chính sách nhằm tái cấu trúc và cải cách thể chế. Đem lại cho những nhà đầu tư nước ngoài, nhà tài trợ và các học giả những đánh giá thấu đáo về chính sách đối nội cũng như đối ngoại và những thay đổi về thể chế có thể xảy ra trong tương lai bởi tác động của những cam kết tham gia Hiệp định FTA Việt Nam – EU.

 

Tháng 6 năm 2012, Việt Nam và EU chính thức tham gia đàm phán Hiệp định thương mại tự do toàn diện. Các bên đã trải qua vòng đàm phán thứ 9 vào tháng 9 năm 2014 và dự định sẽ kết thúc đàm phán trong nửa đầu năm 2015. 

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *