Dòng chảy vốn 24/01/2014 23:50

Fitch nâng triển vọng xếp hạng Việt Nam, Vietinbank và Agribank

FICA - Liên tiếp trong hai ngày 23 và 24/1, hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings đã điều chỉnh nâng triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam cùng hai ngân hàng Vietinbank và Agribank lên mức cao nhất, từ “ổn định” lên “tích cực”.

Trong thông cáo báo chí được phát đi ngày 23/1, cơ quan xếp hạng tín nhiệm có trụ sở tại Mỹ khẳng định tiếp tục giữ nguyên mức xếp hạng tín nhiệm nợ dài hạn của Việt Nam ở mức B+. Mức xếp hạng các trái phiếu phát hành bằng nội tệ và ngoại tệ không bảo đảm của Việt Nam cũng được giữ ở mức xếp hạng B+.

Kinh tế Việt Nam được Fitch nhận định đã bắt đầu phục hồi
Kinh tế Việt Nam được Fitch nhận định đã bắt đầu phục hồi

Ngoài thông báo trên, Fitch đã điều chỉnh nâng triển vọng dài hạn của Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”, mức triển vọng cao nhất trong thang đánh giá của cơ quan này.

Theo cơ quan này, triển vọng xếp hạng thể hiện xu hướng một mức xếp hạng có khả năng tăng hoặc giảm trong giai đoạn từ 1-2 năm. Triển vọng cho thấy những biến động tài chính và các biến động khác chưa đủ để làm thay đổi thứ bậc xếp hạng, nhưng có thể khiến mức xếp hạng thay đổi nếu tiếp tục đi theo hướng này.

Lí giải về quyết định nâng triển vọng xếp hạng của Việt Nam lên mức “tích cực”, Fitch đưa ra các nguyên nhân chính bao gồm: Sự ổn định kinh tế vĩ mô được cải thiện, nguồn tài trợ bên ngoài của Việt Nam đã được củng cố, nhưng ngành ngân hàng vẫn là một điểm yếu trong hồ sơ tín nhiệm của Việt Nam do mức độ nợ xấu chưa rõ ràng, và chính sách tài khóa đã chuyển hướng sang mở rộng hơn trong năm qua.

Kinh tế phục hồi, thặng dư cán cân vãng lai lớn

Cụ thể, hãng xếp hạng tín nhiệm của Mỹ này khẳng định kinh tế Việt Nam đã bắt đầu phục hồi sau một giai đoạn khó khăn, với các biện pháp thắt lưng buộc bụng được triển khai đầu năm 2011 theo Nghị quyết 11 (Nghị quyết 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu ổn định kinh tế vĩ mô – NV).

GDP thực đã tăng 5,4% trong năm 2013, so với 5,2% của năm 2012, nhờ cả sức cầu trong nước và nước ngoài tăng lên. Fitch cũng dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng lần lượt 5,7% trong năm 2014 và 5,9% trong năm 2015. Trong khi đó chỉ số giá tiêu dùng đã bình ổn, chỉ còn tăng 6,6% trong năm 2013, so với mức 9,1% năm 2012 và 18,7% của năm 2011.

Về nguồn tài trợ nước ngoài, cơ quan này ước tính Việt Nam đã lại có một năm thặng dư tài khoản vãng lại lớn, tương đương 5% GDP trong năm 2013, sau khi thặng dư 5,8% năm 2012. Việc dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào mạnh, tương đương 6,8% GDP trong năm 2013, tiếp tục khẳng định sự mở rộng trong lĩnh vực sản xuất/xuất khẩu.

Fitch dự báo dự trữ ngoại hối của Việt Nam tại thời điểm cuối năm 2013 đạt 28,6 tỷ USD, cao hơn mức 26,1 tỷ USD cuối năm 2012, và tương đương 2,4 tháng nhập khẩu so với tốc độ hiện tại. Theo cơ quan này thì đây là “vùng đệm” không quá lớn nhất là khi Việt Nam từng chứng kiến sự biến động mạnh của dòng vốn những năm gần đây.

Về mặt hạn chế của nền kinh tế, cơ quan xếp hạng này vẫn tỏ ra e ngại về ngành ngân hàng, chủ yếu do “lượng nợ xấu cao nhưng khó xác định”. Dù vậy Fitch cũng ghi nhận việc chính phủ đã cho ra đời công ty quản lý tài sản quốc gia VAMC nhằm giải quyết tình hình nợ xấu.

Trong khi đó, áp lực về nguồn vốn trong hệ thống ngân hàng được khẳng định đã giảm bớt do sự lệch pha trong tiền gửi và cho vay. Hiện tỉ lệ dư nợ cho vay/huy động của toàn ngành ngân hàng đến cuối quý 2/2013 đã giảm xuống còn 91,6%, thấp hơn mức 94,8% cuối năm 2012.

Về chính sách tài khóa, Fitch cho rằng Việt Nam đã nới lỏng chính sách tài khóa trong năm qua, với mức thâm hụt ngân sách năm 2013 ước tính ở mức 5,8% GDP, so với mức 4,8% GDP năm 2012.

Do đó, nợ công của Việt Nam đến cuối năm qua được ước tính ở mức 42,6% GDP. Theo ghi nhận của Fitch, các nước có mức xếp hạng “B” trung bình có tỉ lệ nợ công ở 42,4%, trong khi nhóm xếp hạng “BB” có tỉ lệ nợ công bằng 35,1% GDP.

Nâng triển vọng của Vietinbank và Agribank

Một ngày sau khi nâng triển vọng xếp hạng của Việt Nam, Fitch đã ra thông báo điểu chỉnh tăng triển vọng của hai ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) và Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) từ mức “ổn định” lên “tích cực”. Mức xếp hạng tín nhiệm nợ dài hạn của hai ngân hàng này cùng được giữ nguyên ở mức “B”.

Theo Fitch, sở dĩ triển vọng của hai nhà băng trên được điều chỉnh tăng là do cơ quan này tin rằng chính phủ Việt Nam đang ngày càng có khả năng hỗ trợ cho những ngân hàng này, khi cần. Bởi theo Fitch đây đều là hai trong số những ngân hàng quan trọng nhất với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế Việt Nam.

Xét về tổng tài sản Agribank và Vietinbank đang lần lượt xếp thứ nhất và thứ hai tại Việt Nam, với mạng lưới chi nhánh lớn, Fitch khẳng định.

Thanh Tùng
Theo Fitch ratings

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *