Dòng chảy vốn 24/01/2014 07:55

Fitch giữ nguyên xếp hạng, nâng triển vọng Việt Nam lên tích cực

FICA - Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings trong bản cập nhật vừa công bố giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm phát hành trái phiếu ngoại tệ và nội tệ dài hạn của Việt Nam ở mức B+, nhưng nâng triển vọng từ mức ổn định lên tích cực.

Fitch Ratings là 1 trong 3 hãng xếp hạng tín nhiệm thế giới cùng với Standard & Poor's và Moody's




Fitch cũng giữ nguyên xếp hạng trái phiếu không đảm bảo có độ ưu tiên cao bằng nội và ngoại tệ ở mức “B+”. Trần xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam được Fitch duy trì ở mức “B+” trong khi xếp hạng phát hành ngắn hạn bằng ngoại tệ được giữ nguyên ở mức “B”.

Việc nâng triển vọng tín nhiệm được Fitch đưa ra dựa trên tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam ngày càng ổn định và nền kinh tế đã bắt đầu phục hồi sau giai đoạn khó khăn khi Chính phủ thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát theo Nghị quyết 11 để ổn định nền kinh tế phát triển quá nóng kể từ đầu năm 2011.

Tăng trưởng tổng sản quẩm quốc nội (GDP) thực tế đạt 5,4% trong năm 2013 sau khi đạt 5,2% trong năm 2012 bở nhu cầu nội địa và nước ngoài được mở rộng. Fitch dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam sẽ đạt lần lượt 5,7% và 5,9% trong năm 2014 và 2015. Đồng thời, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 6,6 trong năm 2013 so với mức 9,1% và 18,7% của năm 2012 và 2011.

Fitch cũng cho biết nguồn tài chính từ bên ngoài của Việt Nam ngày càng được tăng cường. Fitch ước tính cán cân thặng dư vãng lai của Việt Nam đạt 5% GDP năm 2013 so với mức 5,8% năm 2012. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khả quan, đạt 6,8% GDP trong năm 2013, tiếp tục giúp mở rộng sản xuất và xuất khẩu trong khối các doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, Fitch cho rằng dự trữ ngoại hối đạt 28,6 tỷ USD vào cuối tháng 12/2013 so với mức 26,1 tỷ USD vào cuối năm 2012, tương ứng 2,4 tháng nhập khẩu, chưa đủ lớn để bảo đảm sự dịch chuyển nguồn vốn đáng kể trong những năm tới.

Lĩnh vực ngân hàng vẫn là một điểm yếu tố trong hồ sơ định mức tín nhiệm của Việt Nam do tỷ lệ nợ xấu cao. Thông tư 02, nhằm phân loại nợ xấu một cách chặt chẽ hơn, được lùi thời gian áp dụng tới tháng 6/2014.

Tuy vậy, các cơ quan quản lý đã bắt đầu giải quyết vấn đề nợ xấu khi thành lập Công ty Quản lý Tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Đồng thời, áp lực cấp vốn trong hệ thống ngân hàng đã giảm, nên tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) giảm còn 91,6% vào cuối quý II/2013 so mức 94,8% cuối năm 2012.

Fitch Rating's cũng cho rằng chính sách tài khóa mở rộng đã khiến ngân sách Việt Nam thâm hụt lớn hơn trong năm qua. Fitch ước tính thâm hụt ngân sách 2013 của Việt Nam ở mức 5,8% GDP so với 4,8% GDP năm 2012. Hãng xếp hạng này cũng ước tính tổng nợ công năm 2013 của Việt Nam tăng lên 42,6% GDP trong khi tỷ lệ bình quân của các quốc gia có cùng xếp hạng “B” và “BB” trong năm 2013 lần lượt là 42,4% và 35,1%.

Fitch cho biết có thể nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam nếu đạt được một trong ba hoặc cả ba yếu tố sau.

Một là, cải cách lĩnh vực ngân hàng thu được kết quả đáng kể, bao gồm việc áp dụng Thông tư 02 và chuyển nợ xấu cho VAMC. Hai là, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định được đánh giá bởi lạm phát thấp và ổn định và sự cân bằng của nền kinh tế.

Ba là, quá trình tái cấu trúc diễn ra nhanh hơn, đặc biệt là tại các doanh nghiệp Nhà nước để giúp tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng..

Ngược lại, Việt Nam có thể bị hạ triển vọng tính nhiệm xuống mức "Ổn định" nếu thua lỗ của lĩnh vực ngân hàng cao hơn dự báo dẫn đến việc Nhà nước phải hỗ trợ lượng vốn lớn cho hệ thống ngân hàng và đe dọa sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Triển vọng cũng có thể giảm khi việc ngừng thực hiện nghị quyết 11 và/hoặc áp dụng các chính sách khác đe dọa đến sự ổn định lạm phát và ổn định bên ngoài. Cuối cùng, trong trường hợp tài chính công ngày càng suy giảm khiến tỷ lệ nợ trên GDP tăng mạnh cũng khiến Việt Nam bị hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm.

Lam Thanh

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *