Dòng chảy vốn 26/06/2015 14:18

FDI suy giảm, lo cả năm không đạt mục tiêu!

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, 6 tháng đầu năm 2015, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đạt 5,49 tỷ USD, bằng 80% cùng kỳ năm 2014 (6,85 tỷ USD).

Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm không có những dự án tỷ USD như cùng kỳ năm 2014. Đồng thời, theo đánh giá của các chuyên gia, so với mục tiêu thu hút FDI cả năm 2015 ở mức 23 tỷ USD thì 6 tháng đầu năm, thu hút FDI không đạt mục tiêu.

FDI 6 th
FDI 6 tháng đầu năm 2015 tiếp tục đà giảm sút so với cùng kỳ các năm 2014 và 2013
Trước đó, người đứng đầu ngành KHĐT khẳng định năm 2015 Việt Nam sẽ thu hút khoảng 23 tỷ USD FDI, tăng so với con số thực tế của 2 năm trước đó nhờ Luật Kinh Doanh, Luật Đầu tư sửa đổi chính thức có hiệu lực từ 1/7/2015.
 
Lý giải hơn về điều này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho rằng, Luật Kinh doanh mới, số ngành cấm kinh doanh sẽ chỉ còn 6 ngành thay vì 51 ngành trước kia, đồng nghĩa với 45 ngành sẽ được mở cửa đầu tư với tư nhân, nước ngoài như các ngành thông thường khác. Bên cạnh đó, các chính sách cải cách về thời gian nộp thuế, giấy phép kinh doanh xuống từ 31 ngày xuống 17 ngày…sẽ thúc đẩy đầu tư trong nước và nước ngoài.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế khẳng định, thu hút FDI khó có thể bứt phá ngay trong năm 2015 nếu chỉ dựa vào các luật mới ban hành bởi các luật này sẽ có “độ trễ chính sách”  và phải đến năm 2016, mới có những hệ quả.

GS Nguyễn Mại, nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nhận định, nếu giữ mục tiêu cả năm nay là 23 tỷ USD, thì mỗi tháng Việt Nam phải thu hút được 1,9 tỷ USD và 6 tháng đầu năm phải đạt 11 tỷ USD. Nhưng con số thực tế lại chỉ bằng một nửa, vì vậy, áp lực đè nặng lên các tháng cuối năm, mỗi tháng cuối năm sẽ phải thu hút được 2,9 tỷ USD, đây là nhiệm vụ khó khăn, có thể trượt mục tiêu.

“Nếu tình hình FDI cấp mới và tăng thêm giảm sút, thì FDI giải ngân thời gian tới sẽ giảm theo. Mục tiêu giảm thu hút FDI về số lượng thay bằng chất lượng đã được xác định từ năm 2011. Tuy nhiên, những dự án trăm triệu và tỷ USD chưa đạt kỳ vọng.  Năm 2014, FDI tăng tốc nhờ vào đầu tư lớn từ Hàn Quốc như Samsung và LG, trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2015, số liệu FDI khả quan nhất chỉ là 660 triệu USD từ nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Mại nhận định.

Do vậy, theo các chuyên gia cho rằng, ngành đầu tư nên cải cách nhanh chóng về thời gian nộp thuế, thủ tục đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, hải quan…

TS Trần Đình Thiên và Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Ngày 1/7, hai Luật Đầu tư và Luật Kinh doanh mới sẽ có hiệu lực ngày 1/7 nhưng phải qua các khâu: ban hành Thông tư hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật, sửa đổi chính sách thuế, hải quan từ trung ương đến địa phương… Chính vì vậy, sẽ có độ trễ từ 3 – 6 tháng theo chu kỳ tại Việt Nam. Vì vậy, phải đến năm 2016 mới thấy được hiệu quả đối với thu hút FDI và toàn bộ nền kinh tế.

Nguyễn Tuyền
Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *