Dòng chảy vốn 22/07/2015 14:12

Dự án công chê hàng Việt:Hàng TQ trúng thầu nhờ...mác G7?

Đa phần các gói thầu thuộc dự án công đều yêu cầu thang máy phải được nhập khẩu từ các nước G7, ASEAN, hoặc phải có thương hiệu G7.

Chọn hàng G7 sản xuất ở Trung Quốc, ASEAN?

 

Bất chấp sản phẩm đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính và có tên trong danh sách thiết bị trong nước tự sản xuất được để thay thế hàng nhập khẩu của Bộ Công thương, nhiều doanh nghiệp nội vẫn không thể chen chân vào các dự án, công trình có vốn ngân sách vì tâm lý "sính ngoại".

 

Ông Trần Thọ Huy, Tổng giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam (quận Tân Bình, TP.HCM) than phiền, dù là nhà sản xuất thang máy lớn của Việt Nam, nhưng hơn 90% khách hàng của Thiên Nam là các nhà đầu tư tư nhân, từ căn hộ gia đình cho đến các dự án chung cư cao 18-30 tầng, còn đối với các công trình có vốn từ ngân sách bị làm khó ngay từ khâu đặt "đề bài".

 

Điều lạ lùng là nếu như ở các công trình cao dưới 10 tầng, các đơn vị tư nhân sẵn sàng sử dụng thang máy do doanh nghiệp nội địa sản xuất thì ở khối nhà nước điều này cực kỳ hiếm hoi bởi ở đâu cũng yêu cầu hàng ngoại.

Du an cong che hang Viet:Hang TQ trung thau nho...mac G7?
Dù đã xuất khẩu sản phẩm sang Nhật, được đưa vào danh sách thiết bị trong nước tự sản xuất được để thay thế hàng nhập khẩu, thang máy Thiên Nam vẫn khó chen chân vào các dự án đầu tư công

 

"Năm 2014, thang máy của Thiên Nam được Bộ Công thương xếp vào danh sách thiết bị trong nước tự sản xuất được để thay thế hàng nhập khẩu. Tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm của công ty đã đạt trên 50%. Chúng tôi xuất khẩu mạch, tủ điện, thang máy gia đình, thang tải hàng, tải ô tô, mâm xoay ô tô sang Nhật Bản thế nhưng quá khó để tham gia vào các công trình có vốn từ ngân sách. Doanh nghiệp đã bị “ép” ngay từ khâu đặt“đề bài”. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, trừ một số rất ít gói thầu chấp nhận thang máy sản xuất trong nước, còn lại đa phần đều yêu cầu thang máy phải được nhập khẩu từ các nước G7 hoặc ASEAN, hoặc phải có thương hiệu G7", ông bức xúc.

 

Theo Tổng giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam, trên thị trường hiện nay, thang máy nhập khẩu vào Việt Nam có đủ 8 thương hiệu của thế giới. Trong đó, có 6 hãng đã mở công ty 100% vốn tại Việt Nam; 2/8 hãng là của các nước phát triển nhưng không nằm trong khối G7. 7/8 thương hiệu trên sản xuất hầu hết tại Trung Quốc; chỉ có một thương hiệu sản xuất tại Thái Lan.

 

"Mặc dù các nước G7 có một vài công ty sản xuất thang máy nhưng sản phẩm gắn mác G7 thì lại rất phổ biến trên thị trường. Thị trường hiện đã có các thương hiệu thang máy Fuji, Sanzo, Nippon… tại Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan… nhưng không có công ty mẹ tại Nhật Bản. Những công ty sở hữu thương hiệu này cũng đã trúng thầu tại Việt Nam nhờ gắn mác G7 nhưng sản xuất tại các nước ASEAN", ông Huy chỉ rõ.

 

Ông Trần Thọ Huy kể lại câu chuyện dự thầu mà doanh nghiệp ông từng tham gia. Theo đó, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh có mời thầu cung cấp thang máy cho bệnh viện. Loại thang máy được yêu cầu là loại 6 tầng, đúng khả năng của công ty Thiên Nam. Tuy nhiên, hồ sơ mời thầu lại yêu cầu thương hiệu thang máy nổi tiếng nhập khẩu từ các nước G7, trái với Chỉ thị 494 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước. Phía Công ty Thiên Nam đã gửi công văn phản ánh tới Văn phòng Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau đó Bộ đã có văn bản yêu cầu huỷ thầu vì không đúng tinh thần chỉ thị và bệnh viện phải gọi thầu lại.

"Có hồ sơ mời thầu bên cạnh yêu cầu hàng ngoại nhập còn nêu rõ công ty phải có những bản hợp đồng trị giá từ 11 tỷ đồng trở lên. Trong khi đó, mức giá doanh nghiệp Việt chúng tôi làm chỉ khoảng 5-5,5 tỷ đồng.

 

So với thang máy nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, chi phí đầu tư ban đầu của thang máy nội địa trung bình rẻ hơn 30-35% và rẻ hơn 50% so với thang máy nhập khẩu từ các nước phát triển như châu Âu, Nhật Bản, tiết kiệm cho ngân sách khoản không nhỏ. Thông thường, những chi phí hậu mua hàng ít khi được các đơn vị tính toán đến khi chọn thiết bị. Trong thực tế, nhiều công trình (chung cư, bệnh viện…) thang máy không thể hoạt động do thiếu kinh phí mua phụ tùng hoặc do thời gian nhập linh kiện thay thế kéo dài", ông Huy tính toán.

 

Sính ngoại vì...cầu toàn?

 

Lý giải nguyên nhân sản phẩm nội địa khó chen chân vào các dự án đầu tư công dù sản phẩm này đã được Bộ Công Thương phê duyệt nằm trong danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được, ông Trần Thọ Huy cho rằng, đây là những dự án sử dụng ngân sách nhà nước nên người ta dễ dàng xin-cho. Riêng mặt hàng thang máy là thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn nên có thể vì cầu toàn, để yên tâm, các nhà tư vấn, chủ đầu tư luôn muốn chọn hàng nhập khẩu.

 

"Tuy nhiên, dù sản xuất trong nước nhưng các sản phẩm đáp ứng tốt các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam thì thang máy có tính an toàn rất cao. Ngược lại, dù là hàng nhập khẩu nếu thực hiện không nghiêm túc các quy chuẩn đều tiềm ẩn nhiều rủi ro", ông lưu ý.

 

Ngoài ra, theo ông Huy, các chủ dự án cần cân nhắc rằng đầu tư cho thiết bị thang máy là đầu tư lâu dài. Bên cạnh yêu cầu khắt khe về chất lượng, an toàn, độ tin cậy, chi phí đầu tư phù hợp, còn phải chú ý đến yêu cầu bảo dưỡng, sửa chữa, bảo trì kịp thời. Đặc biệt, các chủ đầu tư cần lưu ý, các khoản chi phí cho phụ tùng thay thế đối với hàng nhập khẩu rất đắt bởi các linh kiện là hàng độc quyền của nhà sản xuất. Chi phí vận hành, bảo dưỡng có thể cao gấp đôi chi phí mua sắm ban đầu chỉ trong vòng 5-6 năm.

 

"Chính phủ đã có Chỉ thị 494 nhằm khuyến khích, ưu tiên sử dụng sản phẩm do chính doanh nghiệp trong nước sản xuất trong các công trình có vốn ngân sách nhưng cần có những ràng buộc chặt chẽ hơn trong quy trình đầu tư. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi giúp các nhà sản xuất nội địa phát triển để ủng hộ nền sản xuất công nghiệp cơ khí trong nước đi lên", ông bày tỏ.

Theo Đất Việt

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *