Dòng chảy vốn 30/12/2014 16:02

Doanh nghiệp Việt ở đâu trong tăng trưởng xuất khẩu?

FICA - Năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng vượt mục tiêu 3 tỷ USD, năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam đạt thành tích xuất siêu hơn tỷ USD (2 tỷ USD).

Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, giá trị xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Vậy câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp Việt đang chiếm bao nhiêu % trong giá trị gia tăng mà xuất khẩu mang về cho đất nước?

 

 

DN ngoại “ôm trọn” giá trị xuất khẩu?

 

Xuất khẩu tăng mạnh nhưng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm hơn 30% giá trị kim ngạch, phần bánh giá trị còn lại thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, hết năm 2014 khu vực doanh nghiệp FDI đạt kim ngạch xuất khẩu 101 tỷ USD, chiếm 67% kim ngạch, còn khu vực doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm khoảng 48 tỷ USD, chiếm hơn 30% giá trị.

 

Điều đáng nói, khu vực FDI chiếm đa số giá trị xuất khẩu nhưng cũng làm đối tượng nhập khẩu gần 60% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Năm 2014, khu vực FDI nhập khẩu khu vực này đạt 48,56 tỷ USD, chiếm khoảng 57% kim ngạch nhập khẩu cả nước (148 tỷ USD). Như vậy, doanh nghiệp FDI đóng góp 17 tỷ USD giá trị gia tăng xuất khẩu. Dù kết quả này có sự cải thiện so với mọi năm nhưng tỷ trọng nhập khẩu của khối DN FDI vẫn cao.

 

Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê, xuất khẩu của Việt Nam năm 2014 tăng 13.6% so với năm 2013, song nhập khẩu tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù thấp nhưng tốc độ tăng trưởng 2 con số cũng cho thấy xuất khẩu của Việt Nam không bền vững, vẫn là nhập khẩu để xuất khẩu. Bên cạnh đó, xét về nhóm hàng nhập khẩu, Việt Nam nhập khẩu 135 tỷ USD tư liệu sản xuất, chiếm khoảng 91,2% kim ngạch nhập khẩu, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, cả về lý thuyết lẫn số liệu đều cho thấy Việt Nam vẫn nhập khẩu tư liệu để xuất khẩu và giá trị gia tăng có được từ xuất khẩu vẫn còn rất thấp.

 

Theo TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế: “Kết quả thương mại sẽ làm hài lòng cho những ai bằng lòng với con số xuất siêu 2 tỷ USD. Tuy nhiên, nhìn vào việc doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 30% giá trị xuất khẩu, nhập khẩu tư liệu sản xuất đến 91% kim ngạch nhập khẩu thì tôi rất lo cho doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quá trình hội nhập sẽ tạo thuận lợi rất lớn để chúng ta tiếp cận được nguyên liệu rẻ nên chi phí nhập khẩu sẽ ít đi; chúng ta lại có điều kiện mở rộng thị trường, bãi bỏ thuế nên hàng bán được nhiều hơn, giá trị xuất khẩu sẽ cao hơn… Tuy nhiên, lợi thế này đang thuộc về các doanh nghiệp FDI, còn doanh nghiệp nội Việt Nam chưa kiếm được lợi nhuận đâu”.

 

Doanh nghiệp Việt đang teo tóp?

 

Ngày 28/12 lĩnh vực thủy sản chấn động với thông tin 1 trong 10 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản lớn ở phía Nam tuyên bố phá sản. Theo thông tin đăng trên báo Tiền Phong ngày 29/12, Cty Thủy sản Miền Nam tuyên bố sẽ phá sản vào tháng 1 năm 2015 do sản phẩm 10% mạ băng và hàm lượng ẩm 83% bán không ai mua.

 

Đáng nói hơn, đây lại là 1 trong 10 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản có thế mạnh tại Việt Nam. Mới đây, trong báo cáo của Tổng cục Thống kê, cơ quan này cũng cho biết năm 2014 Việt nam có gần 68.000 doanh nghiệp phá sản năm 2014, tốc độ doanh nghiệp phá sản tăng 14,5% so với năm trước . Đây được cho là quá trình thanh lọc nhưng sự đổ vỡ của nhiều doanh nghiệp trên cũng gây lo ngại, đặc biệt nó chủ yếu đến từ các doanh nghiệp nội địa Việt Nam.

 

Đại diện 1 doanh gia công dệt may cho biết, trong năm 2014, đơn hàng của doanh nghiệp chúng tôi giảm rõ rệt, các đối tác chuyển sang ký hợp đồng với các công ty có nguồn gốc tại Đài Loan. Còn một doanh nghiệp thủy sản chia sẻ khó khăn, hiện cạnh tranh trong ngành thủy sản không chỉ về thị nguyên liệu mà còn cả thị trường xuất khẩu và giá cả thức ăn. Thức ăn chăn nuôi đang phải nhập hơn 70% nên giá đắt đỏ, các doanh nghiệp trong nước đang phải chia sẻ lợi nhuận và cạnh tranh cả về giá thức ăn với 1 công ty của Thái Lan là Công ty C.P Việt Nam.

 

Trong một hội nghị mới đây của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), báo cáo về tình hình tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa, các chuyên gia đã trích dẫn nghiên cứu cho biết có hơn 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Chi phí phi chính thức đang là rào cản lớn đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có xu hướng co rụm sản xuất để chuyển sang hình thức doanh nghiệp siêu nhỏ hộ gia đình, chuyển đổi từ đăng ký doanh nghiệp chính thức (nộp thuế thu nhập) sang phi chính thức (không phải nộp thuế thu nhập).

 

Theo Phó chủ tịch Phòng thương mại Việt Nam, động lực tăng trưởng và thúc đẩy tăng trưởng khối doanh nghiệp trong nước chưa bao giờ lớn như mấy năm trở lại đây. Tuy nhiên, tinh thần kinh doanh của người dân đang gặp phải vấn đề lớn, đó là những rủi ro lãi suất, thị trường, chính sách và cả hội nhập.

 

Theo quan điểm của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM: “Các doanh nghiệp Việt Nam hiện chịu rất nhiều sức ép do hội nhập mang lại. Hệ quả chính sách hội nhập chưa được họ khai thác, ngược lại những tác động lại rất rõ ràng như: khả năng cạnh tranh thị trường, thương hiệu, mở rộng phân phối và liên kết chuỗi đang là khó khăn cực lớn. Những tác động đang thực sự là thách thức đối với sự phát triển và tồn tại các doanh nghiệp”.

 

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *