Dòng chảy vốn 10/01/2016 07:09

Doanh nghiệp nhìn nhau "né" giảm cước vận tải

Đa phần các doanh nghiệp vẫn còn chần chừ, chờ nhau giảm cước vận tải. Một số cho rằng mỗi đợt điều chỉnh niêm yết lại giá cước đều tốn kém nên không muốn giảm.

Đến nay nhiều hãng vẫn còn giữ nguyên mức giá cước vận tải kê khai từ tháng 9/2015, trong khi từ đó đến nay giá nhiên liệu liên tục giảm. Đây là thực  trạng tình hình cước vận  tải sau nhiều đợt giảm giá xăng dầu vùa qua.

TP.HCM: Ì ạch giảm cước vận tải

Trước tình hình giá nhiên liệu đầu vào liên tục giảm trong thời gian gần đây, Sở Tài chính TP.HCM liên tục kêu gọi các doanh nghiệp vận tải kê khai giảm cước vận tải. Tuy nhiên nhìn chung việc giảm giá cước vận tải tại thành phố diễn ra rất chậm.

Mức giảm và thời gian giảm cước vận tải do doanh nghiệp quyết định để cạnh tranh với nhau. Ảnh minh họa: Báo Giao Thông
Mức giảm và thời gian giảm cước vận tải do doanh nghiệp quyết định để cạnh tranh với nhau. Ảnh minh họa: Báo Giao Thông

Đối với các doanh nghiệp vận tải hành khách, vào thời điểm gần Tết hầu như các doanh nghiệp đều “án binh bất động”. Tại bến xe Miền Đông, bến xe khách liên tỉnh lớn nhất thành phố có hơn 200 doanh nghiệp vận tải hoạt động nhưng số lượng các doanh nghiệp kê khai lại để giảm giá cước cũng chỉ chiếm một phần nhỏ.

Theo thống kê của bến xe Miền Đông, hiện có 25 doanh nghiệp hoạt động trong bến (trong đó có 19 doanh nghiệp vận tải của TP.HCM) đã kê khai giảm giá cước, tuy nhiên đa số các doanh nghiệp này kê khai trước ngày 18.12.2015. Với mức kê khai mới, các doanh nghiệp giảm giá cước từ 2% - 5%.

Ông Thượng Thanh Hải, Phó giám đốc bến xe Miền Đông cho biết giá cước vận tải là do doanh nghiệp vận tải tự kê khai, bến chỉ quản lý hoạt động của các doanh nghiệp trong bến nên không can thiệp được. Theo ông, do giá xăng dầu liên tục giảm nên các doanh nghiệp cũng phảigiảm cước vận tải để cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên mức giảm như thế nào, thời gian giảm như thế nào hoàn toàn do doanh nghiệp quyết định.

Còn đối với các hãng taxi hoạt động trên địa bàn thành phố, sau nhiều đợt giảm giá xăng dầu, các hãng vẫn chậm điều chỉnh giá cước cho phù hợp. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay các hãng taxi hầu như vẫn chưa điều chỉnh giảm giá cước. Đa phần các doanh nghiệp vẫn còn chần chừ, chờ nhau giảm giá, một số cho rằng mỗi đợt điều chỉnh niêm yết lại giá cước đều tốn kém đến vài trăm triệu đồng nên còn không muốn giảm. Do đó đến nay nhiều hãng vẫn còn giữ nguyên mức giá cước kê khai từ tháng 9.2015, trong khi từ đó đến nay giá nhiên liệu liên tục giảm.

Hà Nội: Mới có 7 doanh nghiệp thực hiện kê khai giá

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng xe ô tô tại địa phương sau khi xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp vận  tải chây ì giảm giá cước trong lúc giá xăng dầu đã giảm tương đối và có tác động nhất định đến giá nguyên liệu đầu vào ngành vận tải.

Dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá cước và việc thu giá cước theo đúng giá niêm yết. Đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, lợi dụng lượng hành khách tăng để tăng giá ở mức cao mà không thực hiện việc kê khai, niêm yết; công bố công khai đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm và hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết, sau nhiều lần đôn đốc, đến nay, đã có 7 đơn vị vận tải thực hiện kê khai giá. Đó là 5 hãng taxi gồm Taxi Tiến Thành, Đại Nam, Thường Tín, Việt Sơn, Sông Hồng và 2 doanh nghiệp vận tải kinh doanh tuyến cố định là công ty VinaMoto và Minh Thành Phát. Trong khi đó trên địa bàn Hà Nội, số lượng doanh nghiệp vận tải xấp xỉ khoảng 200.

Theo tính toán, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 20- 30% tùy từng loại xe, chất lượng xe trong tổng cơ cấu giá cước. Nguyên nhân được các doanh nghiệp vận tải đưa ra cho việc chây ỳ giảm cước vận tải là giá xăng thường giảm nhỏ giọt nên họ phải chờ một mức giảm đủ lớn mới có thể điều chỉnh giá. Mỗi lần điều chỉnh, doanh nghiệp phải in ấn lại bảng niêm yết giá, kẹp chì lại đồng hồ… mất thời gian và chi phí. Ngoài ra, việc phí đường bộ BOT sẽ tăng từ 1.6.2016 cũng là lý do khiến doanh nghiệp chần chừ giảm giá.

Theo quy định tại Nghị định 109/2003/NĐ-CP, nếu DN chậm giảm giá 5 ngày so với quy định sẽ bị xử phạt hành chính từ 5-8 triệu đồng. Tuy nhiên, mức phạt này theo các chuyên gia là quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

Theo Nguyễn Hữu - Hồ Hương
Dân Việt

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *