Dòng chảy vốn 20/05/2015 11:53

Doanh nghiệp nhập khẩu ô tô "kêu trời" về dự thảo thuế TTĐB

Đại diện các nhà nhập khẩu ô tô Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công thương về việc lấy ý kiến cho dự thảo nghị định hướng dẫn luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).

Câu hỏi đặt ra là tại sao các chính sách hỗ trợ của Nhà nước vốn rất thành công đối với các ngành khác nhưng riêng ngành lắp ráp ô tô thì chỉ luôn nhận được những lời than phiền và yêu cầu chính sách hỗ trợ đặc biệt?

 

Trong văn bản này, nhóm các nhà nhập khẩu ô tô cho rằng, có sự chưa rõ ràng khi đặt doanh nghiệp nhập khẩu ô tô chính hãng và các doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước trong tương quan chuỗi cung ứng hàng hoá đến người tiêu dùng, dẫn đến có thể gây nhầm lẫn. 

“Trước hết, chúng tôi cho rằng nhận định của Hiệp hội các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội cơ khí Việt Nam (VAMI), một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp điều hoà cho rằng “giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng nhập khẩu chưa đảm bảo công bằng với hàng sản xuất trong nước vì trong giá tính thuế TTĐB đối với hàng nhập khẩu không có chi phí bán hàng trong nước, lãi của cơ sở kinh doanh nhập khẩu” là chưa chính xác và mang tính chủ quan”, nhóm các nhà nhập khẩu ô tô khẳng định. 

Theo nhận định của nhóm các nhà nhập khẩu ô tô, quy định hiện hành về việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hoá nhập khẩu “là giá tính thuế nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu” là chính xác, phù hợp và nhất quán. Cơ sở giá tính thuê TTĐB của mặt hàng sản xuất trong nước và mặt hàng nhập khẩu là tương đồng với nhau, cả hai đều có đầy đủ các khoản mục chi phí tương tự nhau.

“Có thể thấy giá tính thuế nhập khẩu (giá CIF) đối với trường hợp xe ô tô nhập khẩu đã bao gồm tất cả các yếu tố giá vốn và yếu tố chi phí tương đồng hoàn toàn giống như giá bán ra của doanh nghiệp lắp ráp đối với mặt hàng ô tô lắp ráp trong nước. Hai công thức áp dụng cho hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu chẳng qua là khác nhau về cách trình bày, hỗ trợ công tác tính toán cho dễ hơn chứ về bản chất là các yếu tố cấu thành và cơ sở tính toán là tương đồng với nhau hoàn toàn”, văn bản nêu rõ.

Đại diện các nhà nhập khẩu ô tô kiến nghị 2 phương án tính thuế TTĐB. Trong đó, phương án 1 là giữ nguyên phương thức và giá tính thuế TTĐB theo hướng dẫn hiện hành nhằm tạo ra tính cạnh tranh công bằng cho tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu chính hãng cũng như doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.  

Phương án 2, bổ sung quy định giá tính thuế TTĐB đối với ô tô dưới 24 chỗ ngồi nhập khẩu bao gồm cả chi phí bán hàng trong nước của doanh nghiệp nhập khẩu thông qua việc thu thêm thuế TTĐB tại khâu nội địa khi doanh nghiệp nhập khẩu ô tô bán ra trong nước. Đồng thời, bổ sung quy định định giá tính thuế TTĐB với doanh nghiệp lắp ráp là giá bán ra của nhà phân phối thay vì giá bán ra của doanh nghiệp lắp ráp. Phương án này được cho là rắc rối, gây phiền hà thêm cho doanh nghiệp.

Các nhà nhập khẩu ô tô cũng bày tỏ quan điểm, mục đích của sắc thuế TTĐB là để điều tiết tiêu dùng đối với người có thu nhập cao hoặc nhằm định hướng tiêu dùng một số mặt hàng không có lợi cho sức khoẻ. Do đó, việc sử dụng sắc thuế này để bảo hộ cho một mặt hàng cụ thể là chưa đúng với mục đích. Hơn nữa, trong cùng một sắc thuế mà lại tạo ra 2 phương án tính khác nhau phân biệt các đối trọng kinh tế thì vô hình chung đã tạo mất công bằng ngay trong cùng một văn bản luật.

“Nếu cần có chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp, thực tế đã có những chính sách ưu đãi khác, ví dụ như giảm thuế thu nhập, trần thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn so với doanh nghiệp trong nước. Câu hỏi đặt ra là tại sao các chính sách hỗ trợ của Nhà nước vốn rất thành công đối với các ngành khác nhưng riêng ngành lắp ráp ô tô thì chỉ luôn nhận được những lời than phiền và yêu cầu chính sách hỗ trợ đặc biệt", văn bản nêu. 

Đại diện các nhà nhập khẩu ô tô cũng cho rằng: “Cần phải đặt câu hỏi về hiệu quả của các doanh nghiệp lắp ráp ô tô đã sử dụng ưu đãi của nhà nước. Nếu họ không thực hiện đúng cam kết và sử dụng không hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã và đang nhận được, thì liệu những ưu đãi tiếp theo (nếu có) có thực hiện được mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra hay không?”

Bằng chứng rõ nét nhất, theo nhóm các nhà nhập khẩu ô tô, từ những năm 1996 đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ nội địa hoá của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp vẫn ở mức rất thấp. Gần 20 năm kể từ sau năm 1996, theo báo cáo của Toyota Việt Nam, tỷ lệ nội địa hoá bình quân mới đạt 20% trên hầu hết các mẫu xe! Còn đối với toàn ngành, có thể thấy rằng, tỷ lệ nội địa hoá thời gian gần đây thậm chí chưa đạt được các mục tiêu đề ra từ nhiều năm nước đó. Mục tiêu năm 2005, tỷ lệ nội địa hoá đạt 40% và tiếp tục tăng lên đến 60% vào năm 2010. Vậy mà, vào thời điểm năm 2013, tỷ lệ mới chỉ đạt từ 7-10% với xe con và 35-40% với xe tải nhẹ. 

 Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *