Đầu tư 25/11/2014 07:46

Thành tích FDI có chữa ngượng nỗ lực làm bao bì Samsung?

Trong 11 tháng năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 17,33 tỉ đô la Mỹ-con số đã khả quan hơn.

Đây là con số vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) công bố. Theo đó cơ quan xúc tiến đầu tư thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng con số thu hút đầu tư được cải thiện là nhờ có sự đóng góp đáng kể của dự án đầu tư lớn nhất được cấp phép trong tháng 11 này của Samsung.

 

Cục đầu tư nước ngoài cũng cho biết, trong tháng 11/2014 đã có 4 dự án FDI lớn được cấp phép, trong đó có Dự án Tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư 3 tỷ USD.

 

Trong số 4 dự án lớn được cấp phép, có đến 3 dự án của nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc. Cụ thể, Dự án Công ty TNHH điện tử Samsung CE Complex do nhà đầu tư Samsung Asia Pte.Ltd – Singapore đầu tư tại TP.HCM với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,4 tỷ USD đã được cấp phép trong tháng 11/2014.

 

Dự án lớn thứ hai là Dự án Công ty TNHH SamSung Display Bắc Ninh do nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư tại Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư đăng ký 1 tỷ USD.

 

Dự án thứ ba được cấp phép là Dự án Tổ hợp công nghệ cao Sam Sung Thái Nguyên giai đoạn 2 của nhà đầu tư là Công ty TNHH Sam Sung Electronics Việt Nam  Thái Nguyên – Hàn Quốc; dự án đầu tư tại KCN Yên Bình I, tỉnh Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư đăng ký 3 tỷ USD đã được cấp phép.

 

Dự án thứ tư là của một nhà đầu tư Hồng Kông – Dự án Công ty TNHH Khoa học công nghệ Texhong Ngân Hà đầu tư tại Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư đăng ký 300 triệu USD.

 

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, Hàn Quốc đang là quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Theo đó, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm của các doanh nghiệp Hàn Quốc trong 11 tháng là 6,82 tỷ USD.

 

Đứng thứ hai là Singapore; Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 và Hong Kong là quốc gia đứng vị trí thứ 4.

 

Mặc dù con số thu hút FDI luôn được tính đến như một thành tích trong phát triển kinh tế của Việt Nam, song thời gian qua giới chuyên môn đã có nhiều ý kiến xung quanh câu chuyện Việt Nam thực nhận được gì từ những dự án này.

 

Sở dĩ có những ý kiến này là bởi sự lan tỏa công nghệ từ các dự án chưa cao. Bài học từ chính câu chuyện Samsung thời gian qua vào Việt Nam song khi đưa ra đề bài để bắt tay với các doanh nghiệp trong nước làm công nghiệp hỗ trợ thì đa số lại không đáp ứng được.

 

Trên thực tế chỉ có 4 doanh nghiệp Việt Nam trong tổng số 67 doanh nghiệp cung cấp nguyên vật liệu cho Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam. Phần việc của các công ty Việt là cung ứng bao bì.

 

Hiện số doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị còn thấp nên giới chuyên môn cho rằng chưa tận dụng được tối đa từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài
Hiện số doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị còn thấp nên giới chuyên môn cho rằng chưa tận dụng được tối đa từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên từng chia sẻ với Đất Việt, PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công thương còn cho rằng ngay cả việc làm bao bì này DN trong nước cũng chưa hẳn đáp ứng được toàn bộ.

Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, bao bì của điện thoại di động gồm rất nhiều phần như hộp đựng điện thoại, xốp điện tử, túi khí... Dù không nắm chính xác bao bì chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong giá thành chiếc điện thoại di động của Samsung, tuy nhiên ông khẳng định rằng, nếu như làm được đầy đủ tất cả các phần của bao bì nói ở trên cũng đã rất khá và lợi nhuận thu về không phải là nhỏ. Bởi đối với những mặt hàng giá trị lớn, chất lượng cao thì phần giá trị của bao bì trong tổng giá trị hàng hóa càng lớn.

 

"Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp Việt chỉ làm được xốp điện tử thì không đáng bao nhiêu cả", ông Thắng nói.

 

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, Việt Nam chưa có biện pháp thực sự nào để tham gia vào chuỗi sản xuất của các công ty xuyên quốc gia. Bởi vậy, PGS.TS Phạm Tất Thắng cho rằng, chừng nào Việt Nam chưa nhảy được vào các chuỗi sản xuất này thì vẫn cứ lẹt đẹt, làm theo kiểu gia công đặt hàng mãi.

 

"Đáng lẽ khi Việt Nam kêu gọi được các nhà đầu tư nước ngoài, họ mang công nghệ hiện đại vào thì ngay lập tức phải có chính sách, đầu tư cho doanh nghiệp để có thể tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng của họ Nhưng các nhà quản lý Việt Nam không làm được việc này, coi đó không phải việc của mình. Doanh nghiệp FDI vào thì cứ vào, còn doanh nghiệp Việt vẫn cứ lụi cụi làm theo ý mình", ông Thắng nói.

 

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cũng từng phân tích, thông thường nước sở tại trông chờ vào FDI ở mấy yếu tố (1) Sự chuyển giao công nghệ tiên tiến (2) Thu hút lao động trong nước (3) Sự lan tỏa của loại hình doanh nghiệp FDI đến các ngành kinh tế trong nước (4) luồng tiền từ vốn và thuế.

 

Tuy nhiên "đối với Việt Nam đến thời điểm này tất cả các kỳ vọng trên đều nhạt nhòa, thậm chí là không có gì", ông Trinh nói.

 

Theo Phương Nguyên
Báo Đất Việt
Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *