Đầu tư 19/06/2014 09:09

Đóng tàu sắt cho ngư dân: 2 năm thu hồi vốn!

FICA - Theo tính toán của SBIC, ngư dân chỉ đi khoảng 10 chuyến, mỗi chuyến khoảng 12 ngày, khoảng 5 tháng sẽ lấy lại được vốn đầu tư đóng con tàu mới là 5 đến 6 tỷ đồng.

Theo nhận định của ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC), chủ trương của Nhà nước hỗ trợ đợt đầu với 1.000 tỷ đồng để nâng cấp thép hóa cho 3.000 tàu đánh cá thay cho tàu gỗ hiện nay là hướng đi đúng đắn theo xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây chính là động lực giúp ngư dân yên tâm bám biển sẽ, đẩy mạnh được phát triển kinh tế, thậm chí tiết kiệm chi phí nhiên liệu gấp nhiều lần so với các con tàu gỗ.

Hiện tại, SBIC đã làm thí điểm đợt đầu 6 chiếc tàu với 3 chủng loại khác nhau. Đồng thời, chờ ý kiến từ Bộ Giao thông Vận tải, nếu Bộ cho phép, SBIC sẽ làm thêm 4 tàu với 2 chủng loại khác nhau, vậy cả 2 đợt lên tới tổng số 10 chiếc làm thí điểm. Dự kiến, mỗi năm SBIC sẽ sản xuất và cho ra tối thiểu 500 con tàu. 

Ông Sự phân tích, thực tế cho thấy, sau chuyến đi thử tàu vỏ sắt của SBIC sản xuất mất khoảng 12 ngày/chuyến và cho về tổng doanh thu từ 400 đến 500 triệu đồng. Tính ra, ngư dân chỉ đi khoảng 10 chuyến, mỗi chuyến khoảng 12 ngày, khoảng 5 tháng sẽ lấy lại được vốn đầu tư đóng con tàu mới là 5 đến 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc đánh bắt còn phụ thuộc vào may mắn nên tính tối đa trong vòng khoảng 2 năm ngư dân sẽ thu hồi hết vốn con tàu vỏ sắt.

Ngoài ra, tuổi thọ khai thác của tàu vỏ sắt được từ 15 đến 20 năm, thậm chí còn kéo dài tới 30 năm. Tàu vỏ sắt có tốc độ 15 đến 16 hải lý/giờ, nhưng tàu gỗ chỉ chạy được 10 đến 12 hải lý/giờ...

Với chính sách giúp ngư dân bám biển, phát triển kinh tế và khẳng định chủ quyền biển đảo, toàn bộ nguồn vốn của 3.000 con tàu đó Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho ngư dân vay trị giá tới 90%/con tàu, số còn lại ngư dân chỉ phải bỏ ra 10% và thế chấp bằng chính con tàu.

Tuy nhiên, lãnh đạo SBIC cũng cho biết, khó khăn đặt ra cho người đóng tàu đó là, với số lượng đóng 3000 con tàu trong đợt đầu sẽ dẫn tới sự khan hiếm về sắt thép, tôn... vì nguyên liệu sản xuất tàu vỏ sắt phần lớn phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Kèm với đó là động cơ tàu, hiện nhiều ngư dân có nhu cầu mua máy cũ vì có giá rẻ hơn, nhưng máy cũ phải là thương hiệu từ Nhật, Mỹ. Đây là bài toán khó cho cho đơn vị đóng tàu. Để giải bài toán, theo SBIC nên dùng động cơ mới hết, sẽ dễ cho việc đặt hàng sản xuất đồng loạt và sẽ đảm bảo chất lượng, kéo dài tuổi thọ của máy.

SBIC cũng cho rằng, sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ cho ngư dân vay, nhưng cần phải đẩy mạnh việc giải ngân mới có hiệu quả. 

Bích Diệp

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *