Đầu tư 18/02/2015 12:47

2 năm, 3 lần điều chỉnh, lương công chức tăng gần 60%

FICA - Tuy nhiên, theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng hiện nay vẫn còn thấp. Đời sống của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn gặp nhiều khó khăn.

Trả lời Chất vấn của đại biểu Nguyễn Thanh Thủy đưa ra tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII về những giải pháp khắc phục bất cập trong sử dụng và đãi ngộ cán bộ, công chức, viên chức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, từ năm 2011 đến nay, Chính phủ đã 3 lần điều chỉnh tăng mức lương cơ sở.

Theo quy định hiện hành, mức lương cơ sở được dùng để tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Cụ thể, từ ngày 1 tháng 5 năm 2011 điều chỉnh tăng từ 730.000 đồng lên 830.000 đồng, tăng thêm 13,7%; từ ngày 1 tháng 5 năm 2012 tăng lên 1.050.000 đồng, tăng thêm 26,5%; từ ngày 1 tháng 7 năm 2013 tăng lên 1.150.000 đồng, tăng thêm 9,5% (tính chung cả 3 lần tăng thêm 57,5%).

Tuy nhiên, theo đánh giá của người đứng đầu Chính phủ, mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng hiện nay vẫn còn thấp. Đời sống của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn gặp nhiều khó khăn.

Do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu cùng với những yếu kém nội tại, kinh tế nước ta tăng trưởng chậm lại. Tỷ lệ thu ngân sách giảm trong khi nhu cầu chi tăng mạnh để bảo đảm an sinh xã hội, hoạt động hành chính sự nghiệp, tăng cường quốc phòng an ninh và chi trả nợ đến hạn. Tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách tăng từ 55% lên 64,8%, trong đó chi cho con người trong chi thường xuyên tăng từ 62,2% lên 68,2% nên khó bố trí nguồn cho cải cách tiền lương.

Để giải quyết khó khăn cho người hưởng lương từ ngân sách nhà nước có thu nhập thấp, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống tăng 8% từ ngày 1 tháng 1 năm 2015.

Chính phủ cũng chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để tạo nguồn điều chỉnh tăng lương trong thời gian tới. Theo đó, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; tăng cường quản lý thu và triệt để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước. Các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách, đặc biệt là tiết kiệm tối đa chi thường xuyên ngoài lương để bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy và các giải pháp tạo nguồn như cơ cấu lại chi ngân sách cùng với việc điều chỉnh lại các chính sách theo quan điểm ưu tiên chi cho cải cách tiền lương, chi cho con người. Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công.

Thu hút nhân tài vào làm cơ quan Nhà nước

Liên quan đến chất vấn của các đại biểu Nguyễn Thanh Thủy và Nguyễn Thị Khá về những giải pháp thu hút người tài vào làm việc trong các cơ quan nhà nước, Thủ tướng khẳng định, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao được xác định là một đột phá chiến lược. Chính phủ cũng đã xây dựng và triển khai nhiều cơ chế chính sách, trong đó có nội dung thu hút, trọng dụng nhân tài.

Các Nghị định (số 24/2010/NĐ-CP, số 40/2014/NĐ-CP, số 87/2014/NĐ-CP) được Chính phủ ban hành đã quy định cụ thể về việc xét tuyển đặc cách không qua thi tuyển vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước đối với những người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước, tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc của các trường đại học có uy tín ở nước ngoài hoặc có kinh nghiệm công tác từ 5 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.

Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi (về xuất nhập cảnh và cư trú, tuyển dụng, lao động, học tập, tiền lương, nhà ở, tiếp cận thông tin…) để các cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ, bao gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam, có thể phát triển tài năng và hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình. Bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tác giả các công trình khoa học công nghệ; thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Cải tiến hệ thống giải thưởng khoa học công nghệ, danh hiệu vinh dự Nhà nước và có chính sách khen thưởng, tôn vinh đối với những người có đóng góp lớn về khoa học, công nghệ và các tác giả các công trình, sáng chế có giá trị khoa học và thực tiễn.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện có, đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện và có giải pháp đột phá để thu hút và sử dụng nhân tài hiệu quả hơn. Khẩn trương xây dựng Nghị định riêng về trọng dụng, đãi ngộ công chức có tài năng trong hoạt động công vụ. Có cơ chế, chính sách ưu đãi để khai thác, sử dụng hiệu quả đội ngũ sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh, chuyên gia khoa học công nghệ học tập và làm việc ở nước ngoài; thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Bích Diệp

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *