Dòng chảy vốn 18/02/2014 08:31

Đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn: Sửa sai khi chưa quá muộn

Việc đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế nhà nước lâu nay bị lên án vì kém hiệu quả, gây thua lỗ, thất thoát vốn.

Dự thảo của Bộ Tài chính về quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được xem là bước “sửa sai” khi chưa quá muộn về việc đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn.

Xung quanh vấn đề trên, phóng viên NTNN đã ghi nhận ý kiến một số chuyên gia kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A:Cần thêm thể chế cho tập đoàn

Theo dự thảo vừa được công bố của Bộ Tài chính về quy chế quản lý tài chính của EVN thì các tập đoàn như EVN sẽ không còn được góp vốn, phát hành trái phiếu đầu tư vào lĩnh vực bất động sản; không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán... Chưa nói đúng hay sai, hiệu quả hay không hiệu quả thì với tư cách là chủ sở hữu các tập đoàn nhà nước, Nhà nước có quyền cấm hay cho các tập đoàn kinh doanh gì, làm gì. Tất nhiên, việc cấm này sẽ ảnh hưởng lớn tới đầu tư của các tập đoàn.

Trong bối cảnh chúng ta muốn giữ các tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh như EVN chẳng hạn, thì việc cấm đầu tư ngoài ngành được cho là giải pháp "khả dĩ" nhất hiện nay, song về lâu dài chúng ta phải có các giải pháp tới tận gốc rễ của các tập đoàn. Ví như thay vì áp dụng các biện pháp hành chính cấm đoán như hiện nay, Nhà nước phải đưa ra được thể chế hoạt động cho các tập đoàn. Trước hết phải tách cho được các cơ quan quản lý nhà nước đang thay mặt Chính phủ làm chủ sở hữu các tập đoàn. Chúng ta nên có một cơ quan nhà nước độc lập chuyên quản lý, giám sát hoạt động của các tập đoàn mà không nằm trong bộ máy hành chính. 

Trước đây chúng ta đã "cổ súy" cho việc đầu tư ngoài ngành, nếu chỉ cấm mà không có các giải pháp khác đi kèm thì cũng khó nâng cao được hiệu quả hoạt động của các tập đoàn nhà nước. Tất nhiên, chúng ta không khuyến khích việc đầu tư ngoài ngành nhưng để hoạt động hiệu quả thì tập đoàn nhà nước cũng phải có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về các đầu tư của mình. Việc đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn cần một "ông chủ" - ở đây là Nhà nước và thị trường là sự quyết định tốt nhất.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong:Không để tập đoàn tự tung tự tác

Không phải tự nhiên mà quy định của Chính phủ yêu cầu các tập đoàn phải đi vào đầu tư sâu, đúng chuyên ngành. Thực tế, đầu tư ngoài ngành không chỉ của EVN mà của nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước thời gian qua kém hiệu quả, không chỉ gây nhiều hệ lụy xấu với đồng vốn của Nhà nước, hoạt động của bản thân doanh nghiệp (DN) mà nó còn ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế. Nay quy định tập đoàn nhà nước không được đầu tư ngoài ngành là điều cần phải có để các tập đoàn tập trung đầu tư vào chính ngành nghề kinh doanh của mình và đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm. 

Chúng ta đã bị trả giá quá đắt do việc để cho các tập đoàn tự tung tự tác đầu tư trái ngành nghề. Đa số các đầu tư trái ngành của doanh nghiệp nhà nước lâu nay chỉ là đầu tư tranh thủ, đầu cơ, chụp giật chứ không mang tính bền vững, lâu dài. 

Tôi cho rằng chúng ta cần có các quy định thật chặt để thực hiện nghiêm túc việc đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). DNNN muốn trở thành trụ cột thì một trong những điều kiện tiên quyết chính là phải đầu tư kinh doanh đúng ngành nghề, tập trung đúng vào nhiệm vụ chính trị mà Nhà nước giao; giao cho anh làm điện mà anh lại đi làm các việc khác thì không thể chấp nhận được.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh:Cấm là đúng, hợp lý

Cấm đầu tư ngoài ngành với các tập đoàn nhà nước theo tôi là quá hợp lý vì đây là DN sử dụng vốn nhà nước, tiền của Nhà nước và suy cho cùng là tiền thuế của nhân dân đóng góp cho Nhà nước để DN kinh doanh. 

Vì thế, tập đoàn nhà nước chỉ nên kinh doanh lĩnh vực chính, lĩnh vực mà tư nhân và các thành phần kinh tế khác không đầu tư kinh doanh và không làm nổi. Chương 7 của Luật DN sửa đổi tới đây có tới 15 quy định về đầu tư kinh doanh của DNNN, trong đó có điều quy định cấm DNNN đầu tư ngoài lĩnh vực kinh doanh chính. 

Họ (DNNN-PV) có thể cho đây là cấm đoán mang tính hành chính, không phù hợp, nhưng tôi cho rằng nếu vốn của DN là vốn của anh thì anh muốn làm gì cũng được nhưng đây là vốn của Nhà nước, vốn của dân thì anh không có quyền làm như vậy. 

Lâu nay, những đầu tư ra ngoài ngành của các tập đoàn dựa trên các quy định, căn cứ nào và ai chịu trách nhiệm đều không rõ ràng. Chúng ta quy định tập đoàn nhà nước được đầu tư đa ngành, nhưng đa ngành là thế nào thì chẳng ai rõ, nên việc quy định cụ thể đầu tư ngoài ngành hiện nay là việc cần thiết để cụ thể hóa hoạt động kinh doanh của các tập đoàn, tiến tới tái cơ cấu DNNN với nhiều bước đi còn quan trọng hơn..

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan:Còn phải cải thiện nhiều mặt nữa

1.348.752 tỷ đồng: là tổng số nợ phải trả của 127 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - công ty con. Số nợ này tăng 6% so với năm 2011, chiếm 56% tổng nguồn vốn của các doanh nghiệp này.
30/85 là số tập đoàn và tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao hơn 3 lần. Đặc biệt có 7 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ này trên 10 lần.
26.110 tỷ đồng là tổng số lỗ lũy kế của các tổng công ty, tập đoàn đến hết năm 2011. Một số tập đoàn có lỗ lớn như EVN (năm 2010 lỗ 12.313 tỷ đồng, lũy kế hợp nhất 2010 là 24.262 tỷ), Vinashin (năm 2009 lỗ 5.000 tỷ), Tổng Công ty Chè Việt Nam, Tổng Công ty Dâu Tơ tằm, Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội, Tổng Công ty Xây dựng Công trình đường thủy...
(Theo báo cáo của Bộ Tài chính)
Tôi cho rằng đây là một việc "sửa sai". Bởi trước đây chúng ta cho DNNN đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính. Sau 4-5 năm, chúng ta thấy rõ điều này không những sai mà còn gây nên hậu quả xấu là làm suy yếu các DNNN-suy giảm sức cạnh tranh, làm thua lỗ, nợ nần, thất thoát vốn của Nhà nước. 

Chỉ kinh doanh riêng lĩnh vực chính thôi thì DNNN đã rất vất vả, nếu cứ tiếp tục đầu tư ra ngoài như hiện nay thì không chỉ doanh nghiệp bị phân tán nguồn lực mà còn nguy cơ đổ vỡ, phá sản, tiêu cực... 

Tuy nhiên, nếu chỉ cấm DN kinh doanh ngoài ngành thì tôi cho là chỉ đúng chứ chưa đủ, vì chúng ta còn cần phải cải cách nhiều mặt nữa. Chúng ta cần có các quy định ràng buộc để các DNNN buộc phải nâng cao năng lực cạnh tranh, thay đổi hệ thống quản trị, đưa ra các chỉ tiêu ràng buộc về năng suất lao động, năng lực sản xuất kinh doanh và phải có cơ chế giám sát hoạt động của DNNN. 

Bên cạnh đó, chúng ta cần tạo cơ chế để có thêm nhiều DN khác cùng lĩnh vực để cạnh tranh bình đẳng với DNNN. Tôi cho rằng: DNNN tới đây phải như công chức: Chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép, Nhà nước cho phép, chứ không thể như người dân, DN tư nhân là làm những gì Nhà nước không cấm.

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *