Dòng chảy vốn 08/06/2015 11:26

Đại biểu Quốc hội: "Kinh tế phục hồi nhưng chưa bền vững"

Cho rằng tăng trưởng kinh tế phục hồi nhưng chưa bền vững, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hoà Bình) đề nghị Chính phủ có giải pháp chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tiếp tục nghiên cứu giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn thêm từ 2% - 2,5%...

Các chính sách điều hành kinh tế còn giật cục

Đánh giá về thực tại của nền kinh tế tại nghị trường phiên họp sáng nay 8/6, đại biểu Quốc hội nhất trí với báo cáo đánh giá của Chính phủ, cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội.

Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hoà Bình) đánh giá, mặc dù thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tình hình biển Đông ngày càng căng thẳng, khó lường với việc Trung Quốc ngang nhiên xây dựng nhiều công trình trái phép, bồi đắp đảo nhân tạo, trên thế giới giá dầu thô luôn ở mức thấp, xong với sự nỗ lực, quyết tâm điều hành của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế nước ta đã có sự phục hồi.

Quý I năm 2015, GDP đạt 6,03%, cao nhất trong vòng 5 năm qua; thu ngân sách nhà nước tăng 9,4%, bảo đảm các nhiệm vụ chi theo kế hoạch. Hoạt động sản xuất kinh doanh 4 tháng đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2014. Nhiều dự án lớn trọng điểm như hạ tầng giao thông, hàng không.... được hoàn thành vượt tiến độ, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước; ngành giao thông thu hút đầu tư được khoảng 203.307 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách đầu tư theo hình thức BOT.

Các tổ chức tín dụng yếu kém được kiểm soát, tỷ giá duy trì ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Kết quả đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu đã đạt được kết quả nổi bật, tích cực theo lộ trình.

Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hoà Bình): K
Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hoà Bình): "Kinh tế nước ta đã có sự phục hồi"

Bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận, theo đại biểu Cao Sơn, nhiều ý kiến cử tri cho rằng, tăng trưởng kinh tế tuy được phục hồi nhưng thực sự chưa bền vững. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động lớn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2014. Tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động có lãi thấp, điều này, một phần do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế, bên cạnh đó, theo phản ảnh của một số doanh nghiệp, các chính sách điều hành kinh tế còn giật cục, thiếu tính ổn định, làm cho nhà đầu tư trong và ngoài nước e ngại, lo lắng.

“Giá tiền thuê đất, chính sách tiền lương tối thiểu vùng, lương bảo hiểm, đơn giá đền bù, giải phóng mặt bằng đất canh tác còn nhiều bất cập. Mặc dù, thời gian gần đây mặt bằng chung của lãi suất đã giảm xuống mức thấp, nhưng trên thực tế nhiều khoản vay từ những đợt tăng nóng lãi suất cao trước đây đã làm cho doanh nghiệp có phục hồi nhưng rất chậm. Theo số liệu của Bộ Tài chính, số doanh nghiệp phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ dưới 50%”, đại biểu Nguyễn Cao Sơn nêu ví dụ.

Cũng theo đại biểu Sơn, tăng trưởng kinh tế chưa bền vững còn thể hiện qua sản xuất nông nghiệp của nông dân gặp nhiều khó khăn, thách thức; vẫn xảy ra tình trạng được mùa mất giá, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt những tháng đầu năm 2015, giá cả của một số mặt hàng nông sản giảm mạnh, một số chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, đóng tàu đánh bắt thủy sản, nhà ở cho người thu nhập thấp ... triển khai chậm, gặp nhiều vướng mắc, đã tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội.

“Mô hình quản lý, quản trị doanh nghiệp của một số đơn vị còn bất cập, trách nhiệm quản lý của các công ty và chính quyền địa phương có nơi còn thiếu chặt chẽ, còn xảy ra tình trạng “phát canh thu tô” gây bức xúc trong nhân dân, dẫn đến người dân thiếu đất sản xuất trong khi một số lượng lớn diện tích đất các nông, lâm trường không sử dụng hết”, đại biểu Sơn nói.

Lãi suất cho vay cần giảm thêm từ 2 - 2,5%

Để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chỉ tiêu trong những tháng cuối năm 2015, đại biểu Nguyễn Cao Sơn đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá cụ thể hơn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, để từ đó có giải pháp chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực hiện ổn định các chính sách tiền lương, tiền bảo hiểm, tiền thuê đất, tiền đền bù, giải phóng mặt bằng tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước yên tâm tiếp tục đầu tư lâu dài.

Ông Sơn cũng đề nghị Chính phủ bố trí kế hoạch vốn ngân sách trung ương (giai đoạn 2016-2020) hỗ trợ cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Có cơ chế liên kết kinh tế vùng cho nông nghiệp; chính sách ưu tiên tiền thuê đất cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp bằng không; Thực hiện xã hội hoá tối đa đầu tư xây dựng các khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Vị đại biểu này lấy dẫn chứng tại một số nông trường trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đang thực hiện phương thức người dân góp đất và công, nhà đầu tư góp vốn, công nghệ và bao tiêu sản phẩm tạo chuỗi giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Đổi mới cơ chế, quản lý và bảo vệ rừng theo hướng giao rừng cho doanh nghiệp quản lý, thay cho mô hình kém hiệu quả hiện nay.

Đặc biệt, đại biểu Sơn đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn thêm từ 2% - 2,5% nhằm hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Có cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển theo đặc thù từng ngành: nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Điều hành ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối từ nay đến cuối năm nhằm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cũng theo ông Sơn, Chính phủ cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; rà soát, bổ sung doanh nghiệp cần cổ phần hoá; bán hết phần vốn nhà nước. Đặc biệt, là một số công ty thuỷ điện lớn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước để tạo nguồn vốn tái đầu tư.

Đề nghị Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục cho phát hành trái phiếu chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 nhằm tăng cường các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đặc biệt dành cho các công trình kết cấu hạ tầng giao thông trong đó ưu tiên vùng Tây Bắc”, đại biểu Sơn nhấn mạnh.

 Nguyễn Hiền
Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *