Dòng chảy vốn 03/06/2018 06:34

Cựu sếp PVTex Vũ Đình Duy bị truy nã; Đề nghị kỷ luật ông Trần Bắc Hà

Thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về vi phạm xảy ra tại BIDV cho hay, những vi phạm của ông Trần Bắc Hà là rất nghiêm trọng, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. Đây là thông tin gây chú ý nhất trong tuần.

Ngoài ra, những thông tin khác liên quan đến việc truy nã cựu Tổng giám đốc PVTex Vũ Đình Duy, dự án nhiệt điện của PVN đội vốn 10.457 tỷ đồng, tổng thầu Trung Quốc “hét” giá mới gần 137 triệu USD với gói thầu số 01 của dự án Gang thép Thái Nguyên… cũng được dư luận quan tâm.

Dưới đây, Dân Trí tổng hợp lại những thông tin về kinh tế đáng chú ý trong tuần qua:

Cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà
Cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà

Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thông báo về vi phạm tại BIDV

Thông báo kết luận kỳ họp thứ 26 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) cho hay: Ông Trần Bắc Hà- nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV; vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.

Ông Đoàn Ánh Sáng - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc và ông Trần Lục Lang - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc BIDV cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy; cùng chịu trách nhiệm đối với một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ có vi phạm; chịu trách nhiệm về đề xuất, thẩm định chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.

Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kết luận những vi phạm của ông Trần Bắc Hà là rất nghiêm trọng, vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 và các ông Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và Ngân hàng BIDV, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Truy nã cựu Tổng giám đốc PVTex Vũ Đình Duy

Ngày 31/5, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã đối với cựu Tổng Giám đốc Cty cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex) Vũ Đình Duy.

Dưới thời ông Vũ Đình Duy làm Tổng giám đốc, PVTex liên tục lâm cảnh thua lỗ
Dưới thời ông Vũ Đình Duy làm Tổng giám đốc, PVTex liên tục lâm cảnh thua lỗ

Vũ Đình Duy (Sinh năm 1975, tại Thái Bình), nguyên Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex), bị khởi tố về tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999 và “Nhận hối lộ” quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015; bỏ trốn ngày 22 tháng 10 năm 2016.

Theo cơ quan An ninh điều tra, căn cứ Quyết định khởi tố bị can, Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố bị can ngày 29 tháng 5 năm 2018 của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đối với Vũ Đình Duy, sau khi xác minh kết luận bị can Vũ Đình Duy đã bỏ trốn, cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định truy nã đối với cựu Tổng Giám đốc này.

Được biết, dưới thời Vũ Đình Duy, PVTex liên tục lâm cảnh thua lỗ. Tổng số lỗ tính đến ngày 31/3/2015 đã lên tới 1.732 tỷ đồng, nhà máy 7.000 tỷ nằm chết dí nhiều năm trời. Mới đây nhà máy này hoạt động trở lại nhưng tương lai còn đầy bấp bênh.

Gang thép Thái Nguyên: Tổng thầu Trung Quốc "hét" giá mới gần 137 triệu USD

Tại tài liệu phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, lãnh đạo Tisco cho biết, việc dự án giai đoạn 2 vẫn dừng thi công trên hiện trường là một trong những khó khăn lớn đối với Tisco trong năm 2017 vừa qua.

Tình trạng này đã khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng cao, làm giảm khả năng cạnh tranh.

Giá trị kế hoạch năm của Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 trong năm 2017 đã là 1.204 tỷ đồng, chiếm tới 95,8% tổng giá trị kế hoạch dự kiến thực hiện 13 dự án của Tisco.

Thế nhưng, phía tổng thầu Trung Quốc là MCC vẫn bày tỏ mong muốn tiếp tục được thực hiện hoàn thành toàn bộ các công việc còn lại của Gói thầu EPC số 01 theo hình thức hợp đồng EPC trọn gói theo báo giá mới (136,89 triệu USD). Do chưa có chỉ đạo cụ thể của các cấp có thẩm quyền nên Tisco chưa triển khai đàm phán báo giá với MCC.

Dự án nhiệt điện của PVN đội vốn 10.457 tỷ đồng

Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có kết luận thanh tra công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1.

Dự án nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 của PVN
Dự án nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 của PVN

Theo đó, Thanh tra Bộ Xây dựng đã vạch ra nhiều vi phạm cần được chấn chỉnh, khắc phục tại dự án này.

Kết luận của Bộ Xây dựng cũng cho biết do thực hiện dự án đầu tư chậm, không đáp ứng yêu cầu tiến độ đã được phê duyệt. Đây là một trong những nguyên nhân khiến PVN phải phê duyệt điều chỉnh tăng thêm tổng mức đầu tư hơn 10.457 tỷ đồng tại Quyết định số 5966/QĐ-DKVN ngày 29/8/2014.

Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 5/2015 và theo tiến độ tại Quyết định 2415 ngày 11/12/2013 của Thủ tướng thì sẽ phát điện tổ máy 1 vào năm 2018, tổ máy 2 vào năm 2019. Báo cáo của Ban Quản lý dự án điện lực dầu khí Sông Hậu 1 đến tháng 9/2017 cho thấy dự án bị chậm tiến độ 25,65%; tương ứng 15 tháng so với yêu cầu.

Hậu thanh tra, Petrolimex kỷ luật một loạt tập thể, cá nhân

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thanh tra tại Petrolimex, Thanh tra Chính phủ cho biết, có ít nhất 15 tập thể, 14 cá nhân có liên quan đến những sai phạm theo kết luận của của cơ quan này về việc quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Petrolimex và một số đơn vị thành viên.

Hàng loạt tập thể, cá nhân tại Petrolimex bị kỷ luật
Hàng loạt tập thể, cá nhân tại Petrolimex bị kỷ luật

Công ty Xăng dầu Khu vực Tây Nam Bộ có hai cá nhân bị khiển trách và tại Công ty cổ phần VIPCO có hai cá nhân nộp tiền khắc phục hậu quả. Hai cá nhân này là tổng giám đốc đã nghỉ hưu và kế toán trưởng. Cả hai đều liên quan đến hợp đồng với đối tác là Công ty Thiên Lộc Phú. Trong đó, ông Nguyễn Đạo Thịnh, nguyên tổng giám đốc đã nghỉ hưu đã nộp vào tài khoản công ty 1,75 tỷ đồng khắc phục hậu quả liên quan đến sai phạm trong hợp tác đầu tư với Công ty Thiên Lộc Phú. Đồng thời nộp 214.500.000 đồng tiền khắc phục hậu quả do việc chuyển tiền sai nguyên tắc.

Ngoài ông Thịnh, liên quan đến sự vụ hợp tác đầu tư sai quy định với Thiên Lộc Phú, nguyên kế toán trưởng công ty – ông Vũ Quang Khánh cũng đã hoàn tất việc nộp 241.500.000 đồng tiền khắc phục hậu quả liên quan đến việc chuyển tiền sai nguyên tắc tài chính.

Doanh nghiệp Nhà nước: "Khi cần thăng chức thì báo lãi, lúc nộp thuế thì khai lỗ"

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đã chỉ ra 3 dạng làm thất thoát tài sản nhà nước. Trong đó, vấn đề đầu tiên được đại biểu nói đến là tình trạng kinh doanh lỗ, làm thất thoát vốn Nhà nước do trình độ quản lý doanh nghiệp yếu kém dẫn đến kinh doanh kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, ông Cường cũng cho rằng, vì động cơ cá nhân nên những người quản lý đã đầu tư những hoạt động không hiệu quả nhằm thu lợi ích cá nhân như đầu tư máy móc, thiết bị không phù hợp nhưng lại được hưởng lợi từ đấy; đầu tư vào lĩnh vực không hiệu quả nhưng lại được chia phần từ lĩnh vực đầu tư này hoặc cố tình tính giá trị đầu tư lớn hơn để được hưởng lợi ích phần trăm từ đó.

“Đó là những hoạt động cố tình dùng những thủ đoạn để hợp pháp hóa việc rút tiền từ doanh nghiệp Nhà nước”, ông Cường nói.

Đáng lưu ý, vị đại biểu hiện đang là Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội cũng cho rằng, dù doanh nghiệp lỗ nhưng trên thực tế không ai phải chịu trách nhiệm, chưa có ai bị mất chức hay đi tù về chuyện quản lý yếu kém để doanh nghiệp lỗ, có chăng chỉ vì có sai phạm.

Thương lái Trung Quốc không thu mua, vải sớm được mùa, giá bằng nửa năm ngoái

Theo khảo sát của phóng viên Dân trí, tại các chợ trong địa bàn thành phố Hà Nội như chợ đầu mối phía Nam, chợ Hôm, chợ Mơ,... giá vải đầu mùa dao động từ 25.000 – 35.000 đồng/kg, chỉ bằng một nửa so với mức giá 50.000 – 70.000 đồng/kg của năm ngoái.

Vải năm nay được mùa nhưng lại mất giá
Vải năm nay được mùa nhưng lại mất giá

Đáng nói, theo ghi nhận, tại một số tỉnh thành gần Bắc Giang như Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, giá vải chín sớm còn rẻ hơn nhiều, chỉ ở mức 10.000 – 15.000 đồng/kg.

Theo anh Đức Huy, chủ một vườn vải rộng 5 ha tại Lục Ngạn, Bắc Giang: “Các năm trước, thương lái Trung Quốc sang thu mua vải sớm lắm, sau Tết là họ rục rịch sang đặt ở vườn trước rồi. Năm nay thì chả thấy đâu, vải sớm còn được mùa nên càng mất giá”.

80 triệu đồng/sim “tứ quý”, giá đột ngột tăng gấp 3 - 4 lần vẫn tranh nhau mua

Thông tin chính thức chuyển sim 11 số về 10 số mới chỉ xuất hiện từ chiều ngày 29/5, nhưng giá sim đã tăng một cách chóng mặt.

Việc chuyển đổi sim tử 11 số sang 10 số khiến giá sim biến động mạnh
Việc chuyển đổi sim tử 11 số sang 10 số khiến giá sim biến động mạnh

Theo chị Lê Ngọc Mai (thành phố Thanh Hoá), một dân buôn sim số khá nổi tiếng thì: “Khi vừa có thông tin chính thức, dân buôn sim giống tôi như “mở cờ trong bụng”. Giá sim đồng loạt tăng ít nhất là 3 lần, có những sim còn tăng gấp 4 - 5 lần so với trước khi có thông tin chính thức.”

“Đầu Vinaphone được khá nhiều khách lựa chọn hỏi mua vì có đầu số 08. Nếu đuôi sim dạng số tiến như 6789 thì giá tăng gấp hơn 3 lần, từ 6 triệu đồng lên hơn 20 triệu đồng/số”, chị Mai cho biết.

Còn với sim tứ quý 8, tứ quý 9 chị Mai cho biết: “Giá của chúng trước đó vài ngày cũng chỉ dao động từ 14 - 20 triệu đồng, tùy vào những số đứng trước. Nhưng cho đến hôm nay thì 40 triệu đồng cũng khó mua được.”

Với những số thuộc dạng rất đẹp thì giá lại tăng từng giờ. Mới sáng chị Mai xem báo giá 40 triệu đồng, nhưng 2 sim có đuôi 338888 và 678888buổi chiều đã tăng gấp đôi lên 80 triệu đồng. Nên nếu có “om” sim, thì các đại lý cũng chỉ om sim siêu đẹp để thu lời cao và tránh rủi ro.

Sức mua vé số Vietlott chững lại, doanh số giảm mạnh

Gần đây, khi loại hình vé số Power 6/55 và Mega 6/45 của Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) liên tục có vé trúng giải độc đắc với giá trị từ vài chục tỉ đến hơn 300 tỉ đồng, nhiều người nghĩ sẽ có làn sóng đổ xô mua vé số Vietlott nhưng thực tế lại trái ngược.

Anh Lê Trung Chiến - giám đốc một doanh nghiệp (đại lý cấp 2 của Vietlott) - cho biết trong tháng 5/2018, doanh thu của 10 điểm bán vé do công ty quản lý rớt thê thảm, chỉ đạt khoảng 3,6 tỉ đồng, trong khi tháng trước tới 5,6 tỉ đồng. "Chúng tôi đang có ý định cải thiện doanh thu bằng cách đứng ra làm "chủ xị" vé bao có giá từ 2 triệu đồng đến 50 triệu đồng/vé, rồi kêu gọi nhiều người khác góp vốn theo tỉ lệ %. Nếu trúng thì người góp vốn được chia tiền theo tỉ lệ góp" - anh Chiến nói.

Theo số liệu của Vietlott, trong 5 kỳ quay số gần đây, doanh thu của Vietlott giảm hơn 50% so với trước, chỉ khoảng 5-6 tỉ đồng/kỳ quay số.

Bích Diệp (tổng hợp)

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *