Dòng chảy vốn 22/09/2014 15:29

CPI tháng 9 tại Hà Nội tăng bất thường vì nhóm giáo dục

Mức tăng 0,51% của tháng 9 có vẻ như bất thường khi so với diễn biến giá cả của các tháng gần đây.

Cục Thống kê Hà Nội vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2014 tăng 0,51% so với tháng trước và tăng 3,26% so với cùng tháng năm trước. Như vậy, sau 9 tháng, CPI của Thủ đô đã tăng 2,05%.

Mức tăng 0,51% của tháng 9 có vẻ như bất thường khi so với diễn biến giá cả của các tháng gần đây. Tuy nhiên, xét trong cả thời gian dài, vài năm trở lại đây thì mức tăng này có thể hiểu được và không gây nhiều bất ngờ đối với những người theo sát diễn biến giá cả của thủ đô.

Tháng 9, thời điểm bắt đầu năm học mới cũng là thời gian điều chỉnh học phí các cấp. Năm nay, tiếp theo lộ trình đã định, học phí các cấp tiếp tục được điều chỉnh tăng gần 10% qua đó đẩy chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,55% so với tháng trước. 

So với lần điều chỉnh trước vào tháng 9/2013, mặc dù mức điều chỉnh lần này mạnh mẽ hơn nên đã tác động lớn hơn đến chỉ số chung, nhưng CPI chung lại tăng ít hơn là do các nhóm hàng còn lại của năm nay có mức tăng giá thấp hơn các nhóm hàng năm ngoái. Chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 9/2013 chỉ tăng 2% và chỉ số CPI cũng chỉ tăng 0,6% so với tháng trước.

Trong tháng, hai nhóm hàng thiết yếu chịu ảnh hưởng nhiều của biến động giá thế giới là nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng, điện, nước và chất đốt và nhóm giao thông đều giảm giá mạnh so với tháng trước.

Giá gas nhập khẩu tiếp tục giảm qua đó khiến giá gas bán lẻ trong nước tiếp tục giảm từ 7 đến 9 nghìn đồng/ bình 12 kg tùy từng hãng đã khiến chỉ số giá nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng, điện, nước và chất đốt giảm 0,81% so với tháng trước.

Cũng do ảnh hưởng của giá thế giới, giá xăng và dầu bán lẻ trong nước đã giảm liên tiếp đã kéo chỉ số giá nhóm giao thông giảm mạnh 1,96% so với tháng trước.

Ngoại trừ nhóm hàng bưu chính viễn thông luôn không thay đổi, các nhóm hàng khác tăng nhẹ so với tháng trước.

Chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,45% so với tháng trước trong khi nhóm may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,35%.

Nhóm có quyền số cao nhất, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng chỉ tăng 0,31% thấp hơn mức tăng 0,38% của tháng trước trong đó lương thực tăng 0,29%, thực phẩm tăng 0,25% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,46%.

Hai mặt hàng đặc biệt không được tính vào chỉ số giá là vàng và đô la Mỹ tiếp tục cùng giảm so với tháng trước ở các mức tương ứng 1,65% và 0,09%.

Theo Thái Hà 

VnEconomy

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *