Dòng chảy vốn 19/02/2014 08:43

Chưa có quyết định thu phí Đại lộ Thăng Long

FICA - Thông tin trên được Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho biết trong buổi họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 18/2.

Theo ông Nguyễn Xuân Tân, từ tháng 12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã giao thành phố Hà Nội nghiên cứu thực hiện đề án thu phí cao tốc đại lộ Thăng Long. UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải nghiên cứu xây dựng đề án thu phí Đại lộ Thăng Long (phần đường cao tốc).

Tuy nhiên sau đó, Chính phủ đã có Nghị định về việc thu phí bảo trì đường bộ nên mới đây UBND thành phố phải có văn bản xin ý kiến có tiếp tục triển khai thu phí tại Đại lộ Thăng Long nữa hay không, theo hình thức nào. Như vậy, thành phố Hà Nội đã thực hiện đúng chỉ đạo và thẩm quyền quyết định vấn đề này là của Chính phủ.

“Bản chất của văn bản này là để hỏi xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ xem có thực hiện thu phí trên Đại lộ Thăng Long như chỉ đạo trước đây của Thủ tướng hay không. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có văn bản trả lời chứ không phải như một số tờ báo đưa tin khẳng định sẽ thu phí trên Đại lộ Thăng Long mấy ngày qua”, ông Tân nhấn mạnh.

Ông Tân khẳng định, đề xuất thu phí Đại lộ Thăng Long không phải phục vụ công tác bảo trì, duy tu mà chủ yếu để phục vụ đầu tư xây dựng hệ thống giao thông thông minh. Kinh phí đầu tư khoảng trên 200 tỷ đồng sẽ được huy động dưới nhiều hình thức xã hội hóa nhằm hiện đại hóa công tác quản lý đường cao tốc, đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia trên tuyến.

Người phát ngôn UBND thành phố Hà Nội khẳng định: “Cho đến nay Đề án thu phí trên Đại lộ Thăng Long vẫn đang trong quá trình báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo. Việc có triển khai thu phí hoặc thu phí vào thời điểm nào là tùy thuộc vào hình thức đầu tư và phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận”.

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương cho phép thu phí sử dụng đường bộ trên đại lộ Thăng Long (phần đường cao tốc) nhằm hoàn vốn đầu tư Đại lộ Thăng Long cho ngân sách thành phố (khoảng 5.687 tỷ đồng); tạo nguồn thu thực hiện công tác quản lý, duy tu, duy trì cơ sở hạ tầng như hệ thống chiếu sáng, cây xanh, công tác đảm bảo an toàn giao thông, vận hành hệ thống giao thông thông minh...

Đề xuất này đã vấp phải sự phản đối của dư luận khi cho rằng việc Hà Nội thu phí Đại lộ Thăng Long là "vô lý", "phạm luật" và "phí chồng phí". Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội -  thẳng thắn cho biết, hiệp hội không đồng ý với đề xuất này. Bởi lẽ, đã có phí bảo trì đường bộ nên không thể bắt người dân phải nộp thêm một lần phí nữa để lấy tiền sửa chữa, duy tu đường. Thu phí đường bộ trên đại lộ Thăng Long là phí chồng phí, là phạm luật

Tiếp đến, từ khi quốc lộ 32 mở rộng thì phương tiện qua đại lộ Thăng Long càng vắng, trong khi mục tiêu của ngành giao thông là thu hút phương tiện đi qua đại lộ này. Doanh nghiệp vận tải hiện đã gặp quá nhiều khó khăn do giá xăng dầu liên tục tăng, nếu tăng phí càng đẩy doanh nghiệp vận tải vào cảnh khốn khó.

PGS.TS Nguyễn Quang Toản - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Đường bộ của trường Đại học Giao thông Vận tải cho rằng Hà Nội cần loại bỏ mục đích duy tu, sửa chữa đường trong đề xuất thu phí đại lộ Thăng Long.  “Sẽ là không công bằng và thiệt thòi cho người dân khi họ phải nộp 2 lần phí bảo trì để sửa chữa trung tu cùng 1 con đường” - ông Toản nhìn nhận.

Tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long được đưa vào khai thác từ tháng 10/2010. Đây là đại lộ dài nhất và hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, có chiều dài 29,264 km, điểm đầu là Km1+800 (giao cắt giữa vành đai 3 Hà Nội với đường Láng - Hoà Lạc tại nút giao Trung Hòa) và điểm cuối là nút giao Hoà Lạc Km31+064 (giao cắt với QL21 – đường Hồ Chí Minh). Tổng mức đầu tư dự án là 7.527 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách trung ương 1.840 tỷ đồng và nguồn vốn của thành phố Hà Nội là 5.687 tỷ đồng.

Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *