Dòng chảy vốn 03/07/2018 11:40

Chính phủ chỉ bảo lãnh vay khi doanh nghiệp không lỗ 3 năm và không có nợ quá hạn

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 91/2018/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ. Trong đó quy định rõ điều kiện cấp bảo lãnh Chính phủ, mức bảo lãnh Chính phủ, hạn mức bảo lãnh Chính phủ.

Theo đó, doanh nghiệp được bảo lãnh bao gồm doanh nghiệp được thành lập hợp pháp tại Việt Nam và có thời gian hoạt động liên tục ít nhất 03 năm trước ngày nộp hồ sơ đề nghị phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh, đề nghị cấp bảo lãnh.

Điều kiện để được bảo lãnh là không bị lỗ trong 3 năm liền kề gần nhất theo báo cáo kiểm toán, trừ các khoản lỗ do thực hiện chính sách của Nhà nước được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Bên cạnh đó, không có nợ quá hạn tại thời điểm đề nghị cấp bảo lãnh, gồm nợ quá hạn với cơ quan cho vay lại theo các quy định của Luật Quản lý nợ công.

Theo Nghị định 91, mức bảo lãnh khoản vay của Chính phủ sẽ phân từng loại hình đầu tư. Đối với dự án do Quốc hội, Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, mức bảo lãnh là giá trị gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu tối đa 70% tổng mức đầu tư theo Quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền.

Đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư, mức bảo lãnh là trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu tối đa 60% tổng mức đầu tư theo Quyết định đầu tư.

Mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu do ngân hàng chính sách phát hành tối đa là 100% hạn mức phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.

Thời gian qua, có nhiều dự án, tập đoàn nhà nước đã được Chính phủ đứng ra bảo lãnh cho các khoản vay từ các định chế tài chính quốc tế song phương và đa phương nhằm phục vụ cho các mục tiêu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau khi các dự án không hiệu quả, gánh nặng nợ phát sinh và dồn sức ép lên việc phát hành trái phiếu trong và ngoài nước của Chính phủ để trả nợ.

Từ nợ của doanh nghiệp đã chuyển sang thành nợ Chính phủ, nợ quốc gia, điều này phát sinh hệ luỵ lớn là ồ ạt các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty và các tỉnh lên trung ương xin bảo lãnh của Chính phủ cho các dự án, vốn vay phát triển. Trong khi đó, các dự án đều dài hạn, việc thực hiện nghiêm cơ chế thẩm định và giám sát dự án có sử dụng vốn vay chưa nghiêm nên phát sinh nhiều hậu quả lớn.

An Linh

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *